Vùng khó lên kịch bản thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT cận kề trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì thế công tác chuẩn bị của các địa phương đang hết sức khẩn trương.

Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Tiền Giang họp công tác chuẩn bị kỳ thi.
Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Tiền Giang họp công tác chuẩn bị kỳ thi.

Đặc biệt, những địa phương vùng khó, hải đảo đã sẵn sàng các tình huống để kỳ thi diễn ra an toàn.

Lên phương án vận chuyển đề thi ra đảo

Năm nay đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có 3 điểm thi đặt tại Trường THPT Phú Quốc, THPT An Thới và 1 điểm thi dành cho thí sinh Trường THPT Dương Đông.

Cách xa đất liền, việc vận chuyển đề thi, bài thi, di chuyển của cán bộ làm công tác thi tại đảo được tính toán cẩn trọng, nhất là khu vực biển Tây Nam đang vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến thất thường. Địa điểm in sao đề thi được đặt tại đất liền, để vận chuyển đề ra đảo cần có phương tiện, lực lượng chuyên dụng.

Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, nhận định thời gian kỳ thi diễn ra có thể xảy ra mưa bão. Sở đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh, đúng thời gian quy định trong trường hợp điều kiện thời tiết bất lợi. Theo đó, kế hoạch vận chuyển đề thi ra đảo Phú Quốc gồm 3 phương án: Sử dụng tàu cao tốc tuyến Rạch Giá - Phú Quốc; tàu cao tốc tuyến Hà Tiên - Phú Quốc và máy bay tuyến Cần Thơ - Phú Quốc.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi ngoài đảo thực hiện theo nguyên tắc không phân công giáo viên coi thi học sinh của mình. Riêng TP Phú Quốc, sử dụng giáo viên coi thi tại chỗ, hạn chế tối đa giáo viên đất liền ra nhằm tiết kiệm chi phí; trong trường hợp thiếu sẽ sử dụng giáo viên khối trung học cơ sở tham gia coi thi…

Ngoài Phú Quốc ra, tỉnh Kiên Giang còn có huyện đảo và huyện biên giới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, tỉnh bố trí các địa điểm thi tập trung, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở. Năm nay, thí sinh của huyện biên giới Giang Thành sẽ tham gia thi tại TP Hà Tiên và thí sinh huyện đảo Kiên Hải sẽ dự thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (TP Rạch Giá).

Lý do, thí sinh của 2 địa phương này quá ít, không đủ để mở điểm thi. Theo cô Lê Thị Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kiên Hải, với thí sinh huyện đảo Kiên Hải, nhà trường sẽ cử cán bộ, giáo viên đưa học sinh đi thi (48 học sinh của trường và 12 thí sinh tự do). Các em sẽ đến TP Rạch Giá trước ngày thi để nghỉ ngơi. Học sinh vào đất liền dự thi được địa phương, kết hợp nhà trường bố trí nơi ăn, ở nội trú, khi thi xong được thầy cô giáo đưa trở lại đảo. 

GV, HS huyện đảo Kiên Hải đi tàu cao tốc vào TP Rạch Giá (Kiên Giang) dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
GV, HS huyện đảo Kiên Hải đi tàu cao tốc vào TP Rạch Giá (Kiên Giang) dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Sẵn sàng ứng phó tình huống dịch bệnh

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương thực hiện. Việc bố trí nhân sự dự phòng, phòng thi dự phòng, sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh đượcđịa phương chủ động triển khai.

Theo Ban Chỉ đạo thi tỉnh Trà Vinh, tỉnh có 30 điểm thi ở các huyện, thị xã, thành phố với 8.822 thí sinh. Tỉnh bố trí lực lượng công an tham gia 116 người; cán bộ, giáo viên tham gia Hội đồng thi 1.416 người; bố trí 80 cán bộ phục vụ, 40 trật tự viên, 40 nhân viên y tế…

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh bám sát nhiệm vụ được phân công và phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi, có chính sách hỗ trợ cho thí sinh, khó khăn, không có phương tiện đi lại...

Chia sẻ công tác phòng, chống dịch, bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang nói: Sở bố trí mỗi điểm thi có 2 phòng thi cùng 4 cán bộ coi thi dự phòng. Các thí sinh có liên quan đến Covid-19 thi riêng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh cũng chỉ đạo ngành Giáo dục phải rà soát kỹ các thí sinh thuộc diện F1, F2 và theo dõi quá trình đi lại trước kỳ thi đối với thành viên hội đồng thi, giám thị, thí sinh để chủ động điều chỉnh phương án và kế hoạch phối hợp tổ chức thi. Cán bộ, giáo viên, thí sinh tham gia kỳ thi phải khai báo y tế trước kỳ thi 3 ngày, gửi về Sở Y tế rà soát, kiểm tra. Tùy tình hình thực tế, bố trí phòng thi dự phòng phù hợp…

Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng phương án dự phòng cho tình huống xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt chuẩn bị 10 điểm thi dự phòng tại 9 quận, huyện với 192 phòng thi dự phòng trong trường hợp cán bộ coi thi và thí sinh có dấu hiệu mắc bệnh…

Theo BS.CKII Cao Hoàng Anh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, để bảo đảmcông tác phòng, chống dịch bệnh tại kỳ thi, tất cả điểm thi nên bố trí phòng cách ly gần sát cổng và phòng dự phòng dành cho học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở… Các trường nên phun xịt khử khuẩn trước ngày thi. Sở Y tế thành phố đã chuẩn bị cán bộ y tế, cơ số thuốc... tại các điểm thi.

Theo Ban Chỉ đạo thi tỉnh Kiên Giang, tỉnh bố trí 575 phòng thi, 45 phòng chờ tại 26 điểm thi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Có 2 huyện không bố trí điểm thi do số lượng thí sinh dự thi quá ít là Kiên Hải và Giang Thành. Riêng địa bàn TP Rạch Giá có 6 điểm thi. Toàn tỉnh sẽ điều động hơn 1.800 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi (dự phòng thêm 100 cán bộ, giáo viên sẵn sàng nếu có thí sinh F1, F2, F3).
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ