“Vùng đỏ” lo sức khỏe cho thầy và trò

GD&TĐ - Bước vào năm học mới, ngành Giáo dục các địa phương bên cạnh chuẩn bị trường lớp còn phải đảm bảo sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Tại các vùng dịch, công việc lại càng quan trọng.

Cán bộ, giáo viên TP Cần Thơ được tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19.
Cán bộ, giáo viên TP Cần Thơ được tiêm ngừa vắc-xin phòng Covid-19.

Một cung đường hai điểm đến

Huyện Tam Bình là địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Long về số ca mắc Covid-19. Toàn huyện có 180 học sinh thuộc diện F0, F1, trong đó nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Còn huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) lại có nhiều học sinh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với 664 em. Trong đó, chỉ tính riêng ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ đã có 284 em.

Theo ngành Giáo dục địa phương, trước mắt, giáo viên, học sinh phải tự bảo vệ mình, nhà trường tăng cường kết nối để nhắc nhở. Địa phương tích cực vận động và hỗ trợ cho học sinh bước vào năm học mới. Các sở, ngành đang vận động hỗ trợ khẩu trang vải kháng khuẩn, tập vở cho tất cả học sinh nghèo, cận nghèo, khó khăn. Đối với giáo viên của địa phương đang ở tỉnh khác, khi trở về trường phải đăng ký để cách ly theo quy định.

Trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng quán triệt phương châm “nhập học phải an toàn, an toàn mới nhập học”. Năm học này, tỉnh có 490 trường với 275.095 học sinh. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho giáo viên, học sinh,  tỉnh Sóc Trăng không tổ chức khai giảng năm học 2021 – 2022; đồng thời đề nghị Sở Y tế hỗ trợ việc xét nghiệm cho tất cả học sinh, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh với số lượng gần 294 nghìn người.

Sóc Trăng thực hiện nguyên tắc “Một cung đường hai điểm đến” - từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT, việc di chuyển của học sinh đang ở vùng có nguy cơ cao sang học ở vùng có nguy cơ thấp (trừ vùng đỏ) và ngược lại thì thực hiện “một cung đường hai điểm đến” khi đi học.

Đối với học sinh cư trú ở “vùng đỏ” thì không di chuyển sang vùng khác để học. Đối với giáo viên thường trú và giảng dạy trong cùng một vùng (trừ vùng đỏ) cũng thực hiện “một cung đường hai điểm đến”. Trường hợp giáo viên đang ở vùng có nguy cơ cao hơn sang công tác ở vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ vùng đỏ) và ngược lại, các trường phải chủ động phương án riêng, bố trí đổi giờ tạm thời, cho dạy thay hoặc có thể sắp xếp tổ chức theo phương án “3 tại chỗ” cho giáo viên…

Một trường học ở tỉnh Sóc Trăng trưng dụng làm khu cách ly. Ảnh: X.Lương
Một trường học ở tỉnh Sóc Trăng trưng dụng làm khu cách ly. Ảnh: X.Lương

An toàn cho trường được trưng dụng làm khu cách ly

Để phòng chống dịch Covid-19, nhiều trường học được trưng dụng làm khu cách ly tập trung tiêu độc, khử trùng và các giải pháp an toàn cho giáo viên, học sinh.

Thầy Tăng Văn Chín, Hiệu trưởng Trường THPT Thốt Nốt, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), cho biết: Trường được trưng dụng làm điểm cách ly tập trung cho người dân trên địa bàn quận, vì vậy thầy cô giáo đều phải làm việc tại nhà. Theo kế hoạch, sau ngày 15/9 quận sẽ trao trả lại cơ sở vật chất. Nhà trường sẽ phối hợp cùng y tế quận tổ chức tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường, lớp… Đồng thời rà soát và sửa chữa lại trang thiết bị để đảm bảo các điều kiện an toàn đón học sinh trở lại trường học.

TP Cần Thơ có 24 trường học được sử dụng làm khu cách ly y tế tập trung và 14 trường học được sử dụng làm điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 cộng đồng. UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương bàn giao lại cơ sở giáo dục đã trưng dụng làm khu cách ly. Sau khi nhận bàn giao, các trường sẽ đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, bảo đảm an toàn để đón học sinh đi học trở lại trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, sở đã chỉ đạo các trường học triển khai giải pháp như tiêu độc, khử trùng, đặc biệt là ở các cơ sở giáo dục được trả lại sau thời gian trưng dụng làm khu cách ly. Các trường phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế,  đặc biệt quy tắc 5K... khi đón học sinh trở lại.

Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, toàn tỉnh còn 51 cơ sở giáo dục đang sử dụng làm khu cách ly. Đây là khó khăn đối với ngành Giáo dục khi triển khai nhiệm vụ năm học. Ngành quán triệt phương châm “nhập học phải an toàn, an toàn mới nhập học” nên chỉ khi nào đáp ứng đủ điều kiện về an toàn mới tổ chức cho học sinh đến trường.

Do vậy, các trường cần nhanh chóng phối hợp với ngành Y tế địa phương trong việc phun khử khuẩn, tổ chức xét nghiệm cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh định kỳ; Tổ chức tiêm ngừa cho tất cả giáo viên ngay từ đầu năm học, đề xuất và chuẩn bị điều kiện tổ chức tiêm ngừa cho học sinh THCS và THPT để phòng, chống dịch…

Theo y sĩ Võ Thị Xuân Nữ, cán bộ y tế xã Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ): Trước sự phức tạp của dịch Covid-19, thầy cô và học sinh cần tự theo dõi sức khỏe. Khi có biểu hiện bất thường như sốt, ho, khó thở… chủ động liên hệ cơ quan y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị. Tăng cường tập thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng. Về phía nhà trường, tổ chức tổng vệ sinh lớp học, phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên. Phân công lực lượng kiểm tra thân nhiệt, bố trí nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch, đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ. Trang bị mỗi lớp học ít nhất 1 chai nước rửa tay khô...     

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.