Các nhà khoa học gọi khu vực yếm khí dưới đáy Biển Đen là "vùng chết", nơi 60 xác tàu có niên đại từ thời Alexander Đại tới thế kỷ 19 không bị thời gian phá hủy.
Xác tàu nguyên vẹn cổ nhất trong số đó là một tàu buôn Hy Lạp được phát hiện ở độ sâu 2 km năm 2017. Con tàu ra đời vào năm 400 trước Công nguyên, cách đây hơn 2.400 năm.
Gỗ trên một số xác tàu được bảo quản tốt tới mức có thể thấy rõ từng đường chạm trổ và dấu vết đục đẽo. Thông thường, gỗ và dây thừng là những vật liệu đầu tiên mục ruỗng dưới tác động của nước biển và vi khuẩn.
Nhóm nghiên cứu quốc tế đứng đầu là giáo sư Jon Adams của Dự án khảo cổ hàng hải Biển Đen (MAP) phát hiện vùng chết nằm cách mặt Biển Đen 150 - 2.200 m khi lập bản đồ đáy biển bằng sóng âm và phương tiện điều khiển từ xa (ROV).
Các nhà khoa học cho biết lý do những xác tàu có tình trạng bảo quản tốt như vậy là do thành phần hóa học khác thường của nước Biển Đen.
Theo giáo sư Adams, khi kỷ Băng hà cuối cùng kết thúc cách đây khoảng 12.000 năm, Biển Đen lúc đó là Hồ Đen. Do nhiệt độ tăng lên và mực nước biển dâng cao, nước biển Địa Trung Hải bắt đầu tràn ra các dòng sông chảy vào Biển Đen. Điều này khiến cả nước mặn và nước ngọt cùng đổ vào vùng biển, hình thành hai lớp nước. Lớp bên trên chứa ít muối hơn rất giàu oxy trong khi lớp ở dưới không chứa oxy. Đó là lý do những con tàu vẫn nguyên vẹn trong suốt thiên niên kỷ.