(GD&TĐ) - Chuẩn bị cho năm học mới 2013 – 2014, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp. Đặc biệt, ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường, giúp các em đi học đều và tìm được niềm vui với trường lớp.
Sẵn sàng về cơ sở vật chất
Một lớp học ở điểm trường Sán Tớ (Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang) |
Những năm gần đây, công tác giáo dục dân tộc được ngành Giáo dục Điện Biên đặc biệt quan tâm khi đẩy mạnh đầu tư, xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú. Đến nay, đa số các trường có học sinh bán trú đều có nhà ở cho học sinh.
Năm học mới 2013 – 2014, Điện Biên ưu tiên đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; tập trung củng cố hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú để nâng cao chất lượng giáo dục. Điện Biên cũng tích cực rà soát, bố trí, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, chuẩn bị cơ sở vật chất để đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 về các trung tâm. Riêng đối với giáo dục mầm non, Điện Biên tiếp tục phát triển quy mô trường, lớp, huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, phấn đấu huy động tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99% (đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn tỷ lệ này đạt 100%).
Tại Hà Giang, một tỉnh có đông học sinh dân tộc thiểu số, các địa phương cũng tích cực chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới. Huyện Vị Xuyên đã trích kinh phí mua sắm bàn ghế theo mẫu của Bộ GD&ĐT để thay thế bàn ghế cũ; tiến hành trích kinh phí tu sửa, đầu tư xây dựng mới các công trình trường học. Dự kiến trong năm học mới 2013-2014, Vị Xuyên có trên 30 công trình trường học được tu sửa, xây dựng mới, nâng số phòng học kiên cố toàn huyện lên 633 phòng, phòng học xây cấp 4 là 323 phòng.
Với huyện Mèo Vạc (Hà Giang), chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu thời gian này. Ngay từ đầu tháng 6/2013, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng dự toán các hạng mục công trình và nhu cầu kế hoạch cần tu sửa CSVC trường, lớp học trong dịp nghỉ hè. Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện Mèo Vạc bố trí 1,6 tỷ đồng tu sửa 66 công trình phòng học tại 41 điểm trường của 18 xã, thị trấn, xây dựng tường rào, láng lát sân trường học. Trước khai giảng năm học mới, những công trình phòng học này xã đã tu sửa xong.
Mặc dù con đường từ trung tâm xã Nậm Xây (Văn Bàn, Lào Cai) đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS số 2 Nậm Xây chỉ là đường mòn nhỏ lầy lội khiến cho việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng rất khó khăn, nhưng chính quyền và nhân dân địa phương vẫn quyết tâm xây dựng cho con em các đồng bào dân tộc nơi đây những phòng chức năng mới để kịp khai giảng 2013 – 2014.
Với sự đóng góp về tiền bạc, công sức của nhà hảo tâm, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân 4 thôn Giàng Dúa Chải, Phù Lá Ngài, Phìn Hồ, Mà Sa Phìn, 5 gian nhà sàn bằng gỗ 2 tầng với diện tích sử dụng mỗi tầng là 150m2 đã dần hình thành. Năm học mới, học sinh bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS số 2 Nậm Xây sẽ có phòng sinh hoạt chung để đọc sách, báo, xem ti vi và phòng ăn rộng rãi khang trang, thoáng mát.
Xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục ở xã Nậm Xây (Văn Bàn, Lào Cai) |
Duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục
Duy trì sĩ số là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, các thầy cô giáo nơi đây luôn trăn trở tìm các phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc, giúp các em nắm vững được kiến thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Gia Lai từ thực tế dạy và học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú trong tỉnh, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Bên cạnh đó, các trường phổ thông dân tộc bán trú đã triển khai công tác quản lý hoạt động học sinh, sinh hoạt bán trú cho học sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thể dục thể thao và trò chơi dân gian, tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em đoàn kết, yêu trường, mến lớp, yên tâm học tập, duy trì sĩ số tốt hơn so với những năm học trước.
Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn lao động sản xuất như trồng rau, chăn nuôi để cải thiện bữa ăn. Các trường cũng chú trọng phát triển kỹ năng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của các em.
Kinh nghiệm từ nhiều địa phương cho thấy, mô hình trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú đã tạo điều kiện cho học sinh dân tộc giảm bớt khó khăn trong hành trình chinh phục con chữ. Tại xã Thượng Quan (Ngân Sơn, Bắc Cạn), mô hình nhà lớp học bán trú dân nuôi được duy trì gần chục năm nay đã phát huy tốt hiệu quả. Các học sinh được học tập trong điều kiện tốt, mọi sinh hoạt và học tập được các thầy cô giáo phân công chăm sóc và quản lý. Bước vào năm học mới, xã Thượng Quan vẫn duy trì tổ chức mô hình nhà bán trú dân nuôi đối với cả 3 bậc học.
Đối với Lai Châu, trong năm học mới này, ngành Giáo dục tập trung đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, chọn khâu đột phá là đội ngũ cán bộ quản lý, hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn; rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi và thi vào các trường chuyên nghiệp. Là một địa phương có đông học sinh dân tộc, Lai Châu tiếp tục triển khai đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; đầu tư nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú, mở rộng trường phổ thông dân tộc bán trú; đưa học sinh các lớp 3, 4, 5 về trung tâm học để nâng cao chất lượng giáo dục...
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 đối với cấp Tiểu học, việc dạy và học cho HS dân tộc thiểu số cần chú ý: Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; Tổ chức tốt việc tập huấn, hướng dẫn, hội thảo chuyên đề trong quá trình triển khai các phương án dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh qua các hoạt động dạy học tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục; Trong điều kiện không thể dạy học tăng buổi trong tuần, hoặc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1, các trường có thể điều chỉnh giảm nội dung, thời lượng dạy học các môn học khác để tập trung dạy học tiếng Việt cho học sinh. |
Trang báo được thực hiện với sự phối hợp của Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT)
Thúy Hằng