Vun trồng những “trái ngọt”

GD&TĐ - Gần 20 năm gắn bó và đồng hành với các em nhỏ ở điểm trường Đồng Tâm, Trường Tiểu học Dương Tự Minh (Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên), cô Nông Thị Thìn đã dìu dắt, nâng bước để bao lớp trẻ học tập và lớn lên.

Điểm trường Đồng Tâm – Trường Tiểu học Dương Tự Minh (Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên).         					Ảnh: Ngô Tiến
Điểm trường Đồng Tâm – Trường Tiểu học Dương Tự Minh (Động Đạt, Phú Lương, Thái Nguyên). Ảnh: Ngô Tiến

Xây móng vững chắc cho trò

Năm học mới 2020 - 2021, điểm trường Đồng Tâm đón 3 HS lớp 1, 10 em học lớp 2. Mỗi lớp ngồi quay về một phía, nhưng tất cả đều trật tự, chăm chú. Hình ảnh cô giáo hướng dẫn và các em nhỏ ngoan ngoãn làm theo khiến không khí ở điểm trường xa xôi nơi đây thật bình yên, ấm áp. 

Điểm trường Đồng Tâm chỉ dành cho khối lớp 1 và lớp 2 - những em nhỏ người Mông chưa thể đi xa và cũng chưa có đủ điều kiện, khả năng theo học với các bạn ở Trường Tiểu học Dương Tự Minh ngoài trung tâm xã. Học tại điểm trường, nếu gia đình không kịp đưa đón các em đã có cô Thìn trông giúp. Và quan trọng hơn nữa, cô Thìn sẽ giúp các bạn nhỏ học tiếng Việt, từ đó chuẩn bị một nền tảng cần thiết cho việc học ở những lớp lớn hơn.

Bao năm, cô Nông Thị Thìn vẫn cần mẫn rèn từng nét chữ để tạo hành trang cho các con bước vào đời.
Bao năm, cô Nông Thị Thìn vẫn cần mẫn rèn từng nét chữ để tạo hành trang cho các con bước vào đời.

“Khó khăn nhất là những ngày các em bắt đầu vào lớp 1, bởi các em chưa nghe nói sõi tiếng Việt. Tôi phải dùng vốn tiếng Mông tự học của mình để giao tiếp với các em, vừa làm cô giáo vừa làm phiên dịch luôn” - cô Nông Thị Thìn chia sẻ. Mục tiêu “thiết thực” nhất của cô Thìn là sau năm lớp 1, các em có thể nghe nói tương đối thành thạo tiếng Việt, đến năm lớp 2 sẽ bồi đắp kiến thức cần thiết để các em kịp chuẩn bị nền tảng, sẵn sàng cho việc học lên tiếp ở trường trung tâm xã.

Trò chuyện cùng cô và tận mắt chứng kiến mới hiểu thêm phần nào những khó khăn, đồng thời cũng cảm nhận được rõ hơn niềm vui của công việc dạy lớp ghép cắm bản. Vì điều kiện đặc thù, việc tiếp cận, làm quen, giao tiếp, dạy bảo cho trẻ thực sự là một thử thách. Đã thế, phải dạy lớp ghép nên cô càng vất vả, đôn đáo để có thể tranh thủ kèm cặp được từng em. Nhưng bù lại, theo cô Thìn, các em rất ngoan, ý thức tự lập tốt, biết tự giác chứ không dựa dẫm, chờ đợi. 

Người con của bản

Lớp ghép ngày ngày đều ngân vang tiếng con trẻ.
 Lớp ghép ngày ngày đều ngân vang tiếng con trẻ.

Đồng Tâm là xóm đặc biệt khó khăn của xã Động Đạt, huyện Phú Lương, với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống kinh tế còn khó khăn, hầu hết các gia đình chỉ có người già và trẻ em ở nhà, các cặp vợ chồng trẻ chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. Chính vì thế, bọn trẻ lại càng “dính” cô Thìn hơn. Nhiều lúc, gia đình muốn tìm con cái lại hỏi cô giáo, bởi cô sẽ là người biết cháu nào đang làm gì, ở đâu. “Có khi mình còn biết rõ tính cách, tâm lý của mỗi đứa trẻ hơn cả bố mẹ chúng” - cô Thìn nói. 

Bám lớp từ năm 2002 đến nay, cô Thìn trở thành một thành viên của bản Mông. Người dân dành cho cô sự yêu mến, tin cậy. Không chỉ trong việc dạy dỗ bảo ban trẻ nhỏ, mà trong hầu hết các công việc cần thiết trong đời sống thường ngày, dân bản đều hỏi ý kiến cô Thìn. Có những việc, có cô vận động là dân làng đồng thuận và làm theo ngay. Có những chuyện, cũng nhờ cô giải thích mà dân làng tránh được điều không hay, không tốt. 

“Nếu không thực sự tâm huyết, hiểu dân và gần dân, cô Thìn khó được mọi người trong bản tín nhiệm đến như vậy. Cô thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần, được đồng bào coi như người con của bản” - cô giáo Hà Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Tự Minh chia sẻ.

Đánh giá cao những cống hiến của cô Thìn với công tác giáo dục của địa phương, ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Động Đạt khẳng định: “Với những khó khăn của một bản như Đồng Tâm, rất cần một cô giáo tận tâm, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ như vậy. Cô Thìn đã dành tất cả để chăm lo cho trẻ nhỏ nơi đây”.

Nhìn những ánh mắt trong trẻo và những nụ cười giòn tan của các em mới hiểu công sức và tấm lòng mà cô giáo dành cho học trò. Đó là trái ngọt sau bao ngày cô Thìn vất vả chăm chút, vun trồng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ