Với cách làm thiết thực này, đến nay công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc Khmer rất thuận lợi; bà con cũng rất vui vì cán bộ nói rành tiếng của mình!
Mong bà con hiểu chủ trương, chính sách
Từ nhiều năm qua, đông đảo cán bộ, công chức ở Trà Vinh đã tích cực tham gia học tiếng Khmer. Vượt xa hơn sự hiểu biết về các con chữ hay lời ăn tiếng nói, họ đã hòa mình vào đời sống của bà con, để qua đó, hiểu và gần dân hơn. Lý do tỉnh Trà Vinh triển khai dạy tiếng Khmer cho cán bộ, công chức vì đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỉ lệ lớn (với 31% dân số của tỉnh).
Do vậy, ngay từ những năm đầu tái lập tỉnh, vấn đề tuyên truyền, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… đã đặt ra những yêu cầu bức thiết.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu và yếu về trình độ Ngữ văn Khmer của đội ngũ cán bộ, công chức được xác định như một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả công tác của đội ngũ này khi tiếp xúc và làm việc với đồng bào Khmer.
Hầu hết đồng bào Khmer ở Trà Vinh đều có thể nói tiếng Việt, nhưng chỉ ở mức giới hạn. Mỗi khi xảy ra các việc tranh chấp hoặc cần giải thích, phổ biến, tuyên truyền với họ về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.
“Có những cuộc họp, sau khi nghe triển khai các nội dung về sản xuất nông nghiệp bà con Khmer ai cũng gật gù. Thấy vậy, cứ tưởng họ đã biết và đã nắm vấn đề, nhưng khi hỏi kỹ lại họ nói không hiểu hoặc chỉ biết chút chút, khiến công tác tuyên truyền gặp vô số khó khăn” - Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Công tác dân tộc tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy Trà Vinh), cho biết.
Từ thực tiễn trên, để cho dân biết, dân bàn, dân làm theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thì biện pháp nhanh nhất đồng thời mang lại hiệu quả cao nhất là cán bộ, công chức phải gần dân, bám dân; phải cùng ăn, cùng ở và cùng làm với dân.
Muốn làm được việc này, đối với vùng đồng bào các dân tộc thì trước hết những cán bộ ở cơ sở, cán bộ làm công tác tuyên truyền hay dân vận đều cần phải biết tiếng nói và chữ viết của đồng bào.
Học để hiểu bà con
Ngay sau khi Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ra đời, tỉnh Trà Vinh tiến hành mở các lớp đào tạo Ngữ văn Khmer cho cán bộ, công chức của tỉnh.
Đến nay, chỉ tính riêng Sở Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị mở 15 lớp đào tạo tiếng Khmer cho hơn 700 học viên là cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh.
Để tránh ảnh hưởng đến thời gian làm việc của cán bộ, công chức, các lớp học được mở vào buổi tối (3 buổi/tuần). Quy trình đào tạo áp dụng tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT, học viên được giảng dạy 4 học phần gồm: Nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc lớp học, tổ chức thi đầu ra, học viên đạt chuẩn mới được cấp chứng chỉ.
Thông thường, bà con Khmer chỉ dùng tiếng Việt khi giao tiếp với người Kinh; còn trong sinh hoạt gia đình họ sử dụng tiếng mẹ đẻ. Đây cũng là lúc họ kể nhau nghe về những buồn vui trong đời sống, những câu chuyện đồng áng, những tâm tư nguyện vọng cũng như những “tiếng lòng” cần bộc bạch và chia sẻ.
Trước đây, mỗi khi có việc cần xuống nhà dân, cán bộ, công chức nghe bà con trao đổi với nhau thường “mù tịt” trong khi việc giao tiếp bằng tiếng Kinh lại có giới hạn.
Từ sau khi tham gia các lớp đào tạo Ngữ văn Khmer, đội ngũ cán bộ, công chức người Kinh có thể nắm vững kiến thức giao tiếp, nghe bà con nói chuyện, biểu thị cảm xúc bằng tiếng Khmer đã có thể hiểu, nắm bắt.
Từ đây, công tác dân vận, phong trào, tuyên truyền… đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Các chính sách được triển khai kịp thời, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân.
Ông Thạch Kim, ở huyện Trà Cú, cho biết: “Bây giờ, mỗi khi giao tiếp với cán bộ người Kinh, thấy họ sử dụng tiếng Khmer, chúng tôi rất hãnh diện, vì cảm thấy mình được dành cho sự tôn trọng. Cũng nhờ vậy, chúng tôi biết được rằng Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm cũng như chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc”.
Nói về chủ trương đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, ông Hà Thanh Sơn cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức về trình độ nhân dân nơi mình đến tuyên truyền cùng những phong tục, tập quán của địa phương ấy.
Nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn, bởi vì đời sống, trình độ đồng bào… khác nhau cho nên tuyên truyền huấn luyện phải khác nhau.
Cán bộ tuyên truyền đi làm việc chỗ nào cần học tiếng ở đấy, để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hòa mình với đời sống đồng bào, có gần gũi như thế mới được đồng bào tin cậy, mến phục, mới gây được mối thiện cảm bền lâu.
Ông Hà Thanh Sơn chia sẻ thêm: “Tôi học tiếng Khmer từ năm 2006, đến nay có thể viết và nói chuyện rành rọt. Khi đã hiểu lời ăn tiếng nói, chúng tôi như hòa mình vào đời sống của bà con, giờ tôi có cảm giác mình cũng là một đồng bào Khmer.
Đặc biệt, thông qua các lớp học, đội ngũ cán bộ, công chức hiểu biết sâu hơn về phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer tại địa phương.
Qua đó góp phần phục vụ tích cực công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer…”