Vừa xử phạt, vừa giáo dục học sinh THCS đi xe gắn máy, xe máy điện đến trường

GD&TĐ - Các phụ huynh cần quản lý, giám sát chặt chẽ khi nhiều học sinh THCS (dưới 16 tuổi) đi xe gắn máy, xe máy điện đến trường.

Lực lượng chức năng sau khi xử phạt sẽ thông báo cho nhà trường nơi học sinh theo học để có biện pháp xử lý tiếp theo.
Lực lượng chức năng sau khi xử phạt sẽ thông báo cho nhà trường nơi học sinh theo học để có biện pháp xử lý tiếp theo.

Hiện tượng phổ biến

Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Đồng Tháp) cho biết, trong những năm gần đây dù các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nhưng tình trạng học sinh vi phạm các quy định về trật tự ATGT vẫn ở mức cao. Đặc biệt là việc học sinh chưa đủ tuổi quy định nhưng đi xe gắn máy đến trường.

Theo thầy Hồng Minh Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), trường có khoảng 500/1.834 học sinh tự đi xe đến trường (tỷ lệ 27,2%). Thời gian qua, nhà trường có nhiều giải pháp đảm bảo ATGT như: Không tổ chức giữ xe gắn máy trong trường, yêu cầu phụ huynh cho học sinh đi xe đạp điện, xe đạp và ký cam kết không cho học sinh sử dụng xe gắn máy đến trường.

Nhà trường đã chủ động tuyên truyền và giáo dục học sinh bằng nhiều hình thức, tuy nhiên, thực tế vẫn có học sinh điều khiển xe gắn máy trong khi chưa đủ 16 tuổi.

“Tìm hiểu nguyên nhân, nhà trường cũng xác định được những lý do như: Gia đình học sinh đơn chiếc không có người đưa rước, nên đưa xe cho con lớn chở con nhỏ đi học. Có trường hợp cha mẹ đi làm ăn xa, các em ở với ông bà lớn tuổi, ông bà để tự các cháu đi học bằng xe gắn máy.

Ngoài ra, có một số phụ huynh cho rằng mua xe đạp điện tốn kém và mau hỏng, thêm 1 đến 2 năm nữa thì các em đủ 16 tuổi nên cho con đi bằng xe gắn máy sớm hơn. Nhà xa trường cũng là một trong các lí do phụ huynh đưa ra…”, ông Thái chia sẻ thêm.

Ông Lê Văn Thông - Hiệu trưởng Trường THCS Vị Thanh (huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang) cũng cho biết, tình trạng học sinh dưới 16 tuổi sử dụng các phương tiện xe đạp điện và xe máy điện (xe đạp điện nhưng không có bàn đạp) là phổ biến.

Nhiều năm qua, nhà trường chủ động phối hợp công an địa phương tư vấn và tuyên truyền học sinh và phụ huynh về việc không giao xe gắn máy, xe máy điện cho con khi chưa đủ tuổi.

Tuy nhiên, do trường ở vùng quê, người dân chủ yếu làm nghề nông và làm thuê, vào những vụ mùa cao điểm sạ lúa tháng 10 và tháng 11, phụ huynh không đưa con đến trường được nên giao xe máy điện (xe đạp điện nhưng không có bàn đạp) cho con tự lái.

Mặc dù nhà trường có cấm học sinh không được chạy xe gắn máy hay xe điện không có bàn đạp vào trường, nhưng các em lại gửi bên ngoài, rất khó quản lý.

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được phụ huynh đưa đến trường.

Học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được phụ huynh đưa đến trường.

Vừa phạt, vừa giáo dục

Việc học sinh THCS tự ý điều khiển xe mô tô, xe máy điện đến trường là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ) cho biết, thực tế không thể đảm bảo 100% học sinh không lái xe gắn máy đến trường. Một số trường hợp cá biệt, mặc dù nhà trường và gia đình đã giáo dục nhưng các em muốn chứng minh là người lớn, biết lái xe nên thể hiện, trốn tránh nhà trường gửi xe bên ngoài.

Với trường hợp vi phạm lần đầu, nhà trường sẽ nhắc nhở, giáo dục và phân tích để học sinh không tái phạm nữa. Trường hợp học sinh cố tình vi phạm nhiều lần thì trường mời phụ huynh, thậm chí mời thêm công an, địa phương vào để vừa xử phạt vừa giáo dục, đồng thời xem xét đánh giá xếp loại hạnh kiểm.

“Tuy nhiên, căn cơ nhất vẫn là cần sự phối hợp giáo dục và cam kết từ phụ huynh không giao xe khi con chưa đủ tuổi, từng bước vừa truyền thông vừa nhắc nhở, vừa kiểm tra giúp học sinh nhận thức tốt hơn khi tham gia giao thông”, bà Phương chia sẻ.

Tăng cường công tác truyền thông ATGT là cách làm ngành Giáo dục các địa phương đang nỗ lực triển khai. Tại Đồng Tháp, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp thực hiện triển khai ký cam kết bảo đảm ATGT trên toàn tỉnh với 423 cơ sở giáo dục, 288.352 học sinh, 288.352 cha mẹ học sinh và khoảng 19.000 cán bộ quản lí, giáo viên.

Ở Cần Thơ, ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Cần Thơ) cho biết, thời gian tới sở sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp địa phương và lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra thường xuyên và đột xuất, đồng thời tăng cường tuyên truyền cho phụ huynh về việc không giao xe máy cho con khi con chưa đủ tuổi.

Ngoài ra, sở cũng tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố xây dựng cổng trường an toàn và mở các lớp hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn.

Song song với giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, hiệu trưởng một số trường THCS cũng đề xuất các nhà quản lý, sản xuất chú ý đến nhu cầu sử dụng phương tiện của học sinh THCS vùng xa và có những tư vấn, hướng dẫn phù hợp.

Ông Lê Văn Thông - Hiệu trưởng Trường THCS Vị Thanh (huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang) bày tỏ: “Nếu cấm quá thì rất khó, đường quê di chuyển khó khăn mà lại cách xa trường, có nơi xa gần 5km. Các ngành chức năng cần phối hợp cùng đơn vị sản xuất tư vấn những chủng loại xe phù hợp, đảm bảo điều kiện an toàn cũng như đúng quy định, tạo điều kiện cho học sinh đến trường”.

“Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt cảnh cáo. Người giao xe máy điện cho người chưa đủ 16 tuổi điều khiển có thể bị phạt hành chính từ 800.000 - 2.000.000 đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ