‘Vua thảo dược’ dưới chân núi Panan

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ loại thảo dược mọc hoang, lão nông Phạm Quốc Phong (huyện Đông Giang, Quảng Nam) đã “hô biến” cây chè Razéh thành thương phẩm được ưa chuộng.

Lão nông Phạm Quốc Phòng (xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam).
Lão nông Phạm Quốc Phòng (xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam).

Khởi nghiệp ở tuổi U50

Nhiều năm bôn ba khắp nơi, trải qua rất nhiều công việc nhưng cuộc sống của gia đình ông Phạm Quốc Phòng (xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam) vẫn lận đận. Sau khi nghỉ việc ở Nông trường Quyết Thắng (Quảng Nam), gia đình ông dắt díu nhau đến vùng đất rộng lớn dưới chân núi Panan để định cư, mong tìm cơ hội thay đổi cuộc sống.

Hơn 30 năm sinh sống ở vùng đất này, ông Phòng đã quá quen thuộc và nắm rõ từng công dụng của các loại dược liệu tại đây. Trong đó, chè dây Razéh là loại thảo dược chữa các loại bệnh liên quan đến dạ dày, đường ruột. Những người mất ngủ, phụ nữ mới sinh dậy khi uống chè dây Razéh có tác dụng an thần, khí huyết lưu thông, rất tốt cho sức khỏe.

Chè dây Razéh, hoa hồng đã giúp lão nông Phạm Quốc Phòng vực dậy kinh tế gia đình và địa phương.

Chè dây Razéh, hoa hồng đã giúp lão nông Phạm Quốc Phòng vực dậy kinh tế gia đình và địa phương.

Trước đây, cây chè dây thường mọc xen kẽ dưới tán rừng và được bà con người Cơ Tu sử dụng làm nước uống hàng ngày, chưa chú trọng trồng, chăm sóc như một loại thảo dược. Nhận thấy điều đó, ý định sản xuất sản phẩm độc đáo từ núi rừng nhen nhóm trong lão nông. Ở độ tuổi trên 50, ông này bắt đầu làm quen với khởi nghiệp và một thời gian sau, ông Phòng đã nhận được những “quả ngọt” đầu tiên. Năm 2016, lần đầu tiên ông xuất xưởng hơn 10 tấn chè dây Razéh ra thị trường trước sự ngạc nhiên của các cư dân vùng núi Panan.

“Chè dây Razéh nhiều nơi khác cũng có nhưng chỉ riêng xứ Panan này mới đặc biệt, ngon lạ lùng. Loại chè này có thể pha ra để 5 ngày cũng không bị ôi thiu, uống vào có vị đắng nhưng một lúc lại thấy ngọt dịu dễ chịu nơi đầu lưỡi. Và thực sự khi uống chè dây Razéh, hầu hết những người bị các bệnh về đường ruột, mất ngủ đều dứt bệnh, nên loại chè này trở thành thứ thảo dược được nhiều người săn tìm mua về sử dụng”, ông Phòng chia sẻ.

Với vai trò là trưởng thôn, ông Phòng khuyến khích người dân trong vùng thay đổi tư duy canh tác, mở hướng phát triển vườn cây dược liệu dưới tán rừng. Chính quyền xã Tư cũng ủng hộ ông Phòng và thống nhất chủ trương chuyển đổi mô hình từ trồng keo sang trồng chè dây Razéh vừa giúp người dân thoát nghèo, đồng thời xây dựng thương hiệu nông phẩm cho xứ Panan.

Ông Phòng hơn 2ha trồng chè dây, năng suất mỗi năm 15 - 20 tấn, thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Phòng hơn 2ha trồng chè dây, năng suất mỗi năm 15 - 20 tấn, thu lãi trên 100 triệu đồng.

Cơ hội đến tay, ông Phòng mạnh dạn vay vốn, gom góp tất thảy vốn liếng gia đình lên rừng tìm giống chè dây tốt nhất để di thực trồng ngay đồi cao trước nhà.

“Ước nguyện của tôi là tạo ra một loại thương phẩm mang thương hiệu của xứ Panan, quảng bá quê hương đến mọi người và quan trọng hơn là để bà con xã nhà nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của các loại thảo dược này. Tôi chia sẻ tất tần tật những gì mình biết giúp bà con từ cách trồng, chăm sóc các loại chè dây razéh, hoa hồng cổ, cho đến việc thu hoạch, tạo ra thương phẩm độc đáo của núi rừng ra thị trường”, ông Phòng hào sảng.

Xây dựng thương hiệu nông sản quê hương

Ở xứ Panan, lão nông Phạm Quốc Phòng được người dân gọi là “vua thảo dược”. Bởi ông là người đầu tiên tạo nên các sản phẩm độc đáo từ dược liệu của núi rừng, giới thiệu đến người tiêu dùng. Ông cùng vài hộ dân khác ở xã Tư di thực chè dây Razéh về nhà trồng, chăm sóc, tạo nên thương hiệu độc đáo như bây giờ. Du khách khi đến đây sẽ dễ dàng nhìn thấy hàng chục ha đất đồi ngút ngàn chè dây Razéh đón nắng như “của để dành” mà đồng bào Cơ Tu kỳ vọng.

Hiện gia đình ông Phòng có hơn 2ha trồng chè dây đang vào mùa thu hoạch. Ước tính năng suất thu hoạch mỗi năm 15 - 20 tấn, với doanh thu bình quân 180 - 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, ông Phòng thu lãi trên 100 triệu đồng.

Chè dây Razéh sau khi thu hoạch được sơ chế và đem đi phơi.

Chè dây Razéh sau khi thu hoạch được sơ chế và đem đi phơi.

Nhờ vậy, từ hộ khó khăn, ông Phòng trở thành người điển hình trong phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ dân khác trong vùng vươn lên thoát nghèo. Ông liên kết với 3-4 hộ dân khác trong thôn hình thành nhóm hộ cùng phát triển trồng cây dược liệu, cho thu nhập khá ổn định.

Trong kế hoạch của mình, ông Phòng đang tính đến việc đa dạng sản phẩm chất lượng từ chè dây kết hợp với cây hoa hồng cổ, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng cũng như tạo nên thương hiệu đặc trưng của vùng đất Panan này.

Nhờ trồng chè dây Razéh, nhiều hộ dân ở xứ Panan xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam) có thu nhập tốt, đời sống được cải thiện, nâng cao.

Nhờ trồng chè dây Razéh, nhiều hộ dân ở xứ Panan xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam) có thu nhập tốt, đời sống được cải thiện, nâng cao.

Không chỉ ông Phòng, nhiều hộ dân khác tại xã Tư cũng thoát nghèo từ cây chè dây. Hiện nay, các hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích vườn trồng, đồng thời đẩy mạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ dân khó khăn trên địa bàn cùng vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là cách mà những cư dân xứ Panan muốn trả ơn vùng đất đã ban tặng cho họ những loại thảo dược quý, giúp mở ra cơ hội đổi đời.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Tư cho biết, hiện địa phương có trên 20ha trồng chè dây razéh và cây hoa hồng cổ. Chính quyền xã cũng xem thảo dược là mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn giúp người dân thoát nghèo nên đã quy hoạch nhiều diện tích trồng dược liệu đồng thời phục vụ tham quan, học tập kinh nghiệm giữa cộng đồng. Địa phương cũng thành lập hợp tác xã nông nghiệp chuyên chế biến chè dây thành các sản phẩm trà, dược liệu. Qua đó, từng bước khẳng định thương hiệu chè dây Razéh trên thị trường và trở thành sản phẩm độc quyền của xã Tư với nhiều lợi ích kinh tế.

Trà hoa hồng Panan - sản phẩm mới được ông Phòng kết hợp từ hoa hồng và chè dây có công dụng làm đẹp da, tế tạo tế bào da chống lão hóa…

Trà hoa hồng Panan - sản phẩm mới được ông Phòng kết hợp từ hoa hồng và chè dây có công dụng làm đẹp da, tế tạo tế bào da chống lão hóa…

“Thời gian tới, địa phương sẽ mở rộng một số khu vực trồng chè dây, hoa hồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhu cầu thiết yếu đảm bảo mục tiêu “kép” vừa giúp người dân “sống được với nghề”, vừa có cơ hội phát triển du lịch sinh thái, phục vụ du khách”, ông Phúc nói.

Năm 2018, sản phẩm chè dây Razéh của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Tư được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh. Đến năm 2020, HTX cho ra đời sản phẩm “Chè dây Razéh túi lọc” được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và sản phẩm chè dây Razéh được nâng hạng đạt chuẩn 4 sao OCOP cấp tỉnh. Hiện năng lực chế biến của HTX là 1,5 tạ/ngày. HTX cũng giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động tại địa phương với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ