Vừa nội soi qua mũi vừa mở hộp sọ để loại bỏ khối u não

GD&TĐ - Khối u phát triển âm thầm trong nhiều năm, gây chèn ép nhiều cấu trúc quan trọng trong não.

Các bác sĩ thăm khám lại cho người bệnh. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ thăm khám lại cho người bệnh. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ đã triển khai cùng lúc 2 phương pháp nội soi qua đường mũi và vi phẫu mở sọ, cứu sống bệnh nhân.

Ông V.A.P. (dân tộc Giáy, 65 tuổi, Lào Cai) vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với tình trạng suy giảm thị lực nghiêm trọng do chèn ép dây thần kinh thị giác, kèm theo các triệu chứng đau đầu, buồn nôn và dấu hiệu suy tuyến yên kéo dài.

Đây là những biểu hiện điển hình của u tuyến yên tiến triển. Tuy nhiên, do khối u phát triển âm thầm trong nhiều năm, người bệnh chỉ phát hiện bệnh khi kích thước u đã quá lớn, gây chèn ép nhiều cấu trúc quan trọng trong não.

Ngay khi nhập viện, người bệnh được chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI). Kết quả cho thấy một khối u tuyến yên có kích thước 6×5 cm, đã xâm lấn sâu vào các vùng quan trọng.

Theo TS.BS Nguyễn Duy Tuyển, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, u tuyến yên là một bệnh lý phổ biến. Tuy nhiên, khi khối u đạt đến kích thước lớn và xâm lấn sâu, việc loại bỏ toàn bộ khối u mà vẫn bảo toàn chức năng thần kinh là một thách thức.

Với khối u kích thước lớn, xâm lấn vào nhiều vùng quan trọng, phương pháp nội soi qua đường mũi không thể lấy hết toàn bộ khối u, đặc biệt là ở các điểm khuất. Vì vậy, các bác sĩ lần đầu tiên phối hợp đồng thời hai đường mổ: Mở sọ và nội soi qua đường mũi, giúp loại bỏ triệt để khối u mà vẫn bảo toàn các cấu trúc thần kinh quan trọng. Sau phẫu thuật, toàn bộ khối u đã được loại bỏ và vẫn bảo toàn các dây thần kinh quan trọng.

U tuyến yên là sự phát triển, tăng trưởng bất thường bên trong tuyến yên. Tuy nhiên, đa phần các khối u tuyến yên đều là dạng lành tính (không phải ung thư), phát triển với tốc độ chậm. Song, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan trước căn bệnh u tuyến yên. Hiện nay, nguyên nhân u tuyến yên vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số loại u tuyến yên có thể liên quan đến các đột biến hoặc thay đổi ngẫu nhiên ở DNA, vật liệu bên trong tế bào cấu tạo nên gen.

Các biến đổi này khiến những tế bào bên trong tuyến yên tăng trưởng vượt tầm kiểm soát, hình thành một khối. Các thay đổi về mặt di truyền có khả năng truyền từ bố mẹ sang con, nhưng điều này thường diễn ra một cách ngẫu nhiên. Một người sẽ có nhiều nguy cơ bị u tuyến yên hơn nếu gặp phải một trong những tình trạng kể trên. Tuy nhiên, ngay cả khi không có điều kiện di truyền liên quan thì nguy cơ mắc bệnh u tuyến yên vẫn có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ