Nước suối dâng cao, tất cả đành phải sống chung với lũ và tìm cách thích nghi để theo kịp chương trình...
Lũ chồng lũ
Hơn nửa tháng sau khi trận lũ đổ về nhưng thầy trò Trường THCS Tạ Khoa (xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) vẫn chưa thể quên khi cả đêm phải thức trắng để… chạy lũ.
Đêm ngày 3/9, thầy trò Trường THCS Tạ Khoa háo hức đón đợi ngày khai giảng đầy ý nghĩa sau 2 năm dịch bệnh bùng phát. 20 giờ 30 phút, sau bữa cơm tối, mưa đổ về ngày càng nặng hạt, đến chừng 23 giờ thì mưa lớn hơn. Cầm đèn pin chiếu rọi ra phía sân trường, nước đã lên gần đầu gối.
“Mưa càng ngày càng to. Đến hơn 23 giờ, tôi thấy nước ngập sâu hơn. Khi đó, tôi đi một vòng, gọi giáo viên và tất cả học sinh cùng chạy. Tất cả lên hết dãy nhà 3 tầng, khoảng 15 phút sau là nước lênh láng, ngập sâu”, thầy Tiếm nhớ lại.
Từng chứng kiến trận lũ đổ về năm 2018, bằng kinh nghiệm và linh cảm của bản thân, thầy Hiệu trưởng Vũ Văn Tiếm hớt hải chạy đi “khua” tất cả giáo viên có mặt tại trường dậy để chạy lũ. Sau đó, thầy cô tỏa đến từng phòng khu nội trú để “dựng” học sinh dậy trong đêm.
Nước dâng cao, bùn đất cũng kéo về dày đặc, “bủa vây” cả sân trường. Có chỗ nước dâng cao lên hơn 2m khiến toàn bộ bàn, ghế, trang thiết bị dạy và học ở tầng 1 của Trường THCS Tạ Khoa ngập trong biển nước. Các thiết bị điện tử hư hỏng, 2 tấn gạo của học sinh nội trú ngập nước. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Yên - cho biết: “Sau khi Trường THCS Tạ Khoa bị ngập nước, phòng xuống kiểm tra và chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh toàn bộ khuôn viên. Khoảng 18 giờ ngày 4/9, công việc dọn dẹp cơ bản xong.
Tuy nhiên, trường chưa kịp khô, nước và bùn đất vẫn lênh láng. Để bảo đảm cho khai giảng năm học mới diễn ra an toàn, đúng tiến độ, chúng tôi đã phối hợp với xã chỉ đạo ban giám hiệu nhà trường tổ chức khai giảng trong nhà văn hóa bản Nhạn Ngọc”.
Từ ngày mùng 4 – 14/9, ngôi trường này đã “gánh” 3 cơn lũ. Nước từ lòng suối dâng cao, tràn vào trường khiến cả cô, trò và bà con dân bản mệt mỏi. “Giờ nước vẫn chưa rút, lượng bùn đất tràn vào nhiều, không thể dọn nổi. Mấy lần gọi, nhờ dân bản rồi, nên giờ thành ra cũng ngại. Khổ nỗi, mưa chưa dứt nên cứ gọi nhờ dọn dẹp được hôm nay, hai ngày sau lại có mưa, dọn cũng bằng thừa”, thầy Tiếm chia sẻ.
Cửa kính tầng 2 buộc phải đục thông để làm lối đi cho học trò. |
Bắc cầu cho em
Chiều 20/9, nước và bùn đất vẫn ngập cả gang tay khắp sân trường. Chẳng thể để học sinh lội bùn vào lớp, thầy cô đành bắc cầu cho các em đi đường vòng để lên 12 phòng học ở hai dãy nhà 3 tầng.
Sau lời gợi ý của thầy hiệu trưởng, hơn 20 giáo viên toàn trường đã chung tay, cùng nhau bì bõm suốt một ngày trời để làm chừng 15m cầu cho các em đi. “Chúng tôi tận dụng ghế, cánh cửa của dãy nhà đã xuống cấp không sử dụng trước đó để làm cầu. Các em phải đi luồn ra phía đằng sau dãy nhà 3 tầng. Cửa kính chỗ lan can tầng 2 của dãy nhà cũng buộc phải phá làm lối cho các em lên thẳng tầng 2. Ở hai dãy nhà, vẫn sử dụng 12 phòng (tầng 2 và 3) để cho các em học”, thầy Tiếm nói.
“Chúng tôi giao trường xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy. Học sinh đi về trong ngày thì đại diện thôn bản sẽ cử người phụ trách việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Còn 30 học sinh vùng cao, sẽ bố trí ở tạm tại nhà văn hóa. Bà con dân bản cử người ra cùng nhà trường tổ chức nấu ăn cho trò”, ông Hà thông tin thêm.
Sau 3 đợt lũ, cả trường có 12 phòng ở, 1 phòng chờ, nhà kho (2 phòng), 7 phòng của dãy nhà ở bán trú, bếp và nhà ăn ngập nước, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và đi lại. “Lũ rút, chúng tôi rất lo và thấy trách nhiệm của mình phải cao hơn để đảm bảo an toàn cho trò. Lũ về, cuộc sống của thầy - trò đều bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng bù lại, tình đồng nghiệp, thầy trò thêm ấm áp. Tất cả đều có trách nhiệm với tập thể và học sinh”, thầy Tiếm bộc bạch.
Từ 19/9, trường bắt đầu cho học sinh đi học trở lại để đảm bảo tiến độ chung. Trước mắt, nhà trường xác định sẽ phải xử lý hệ thống thoát nước; hệ thống điện và tổng dọn dẹp khu nhà vệ sinh. “Về lâu dài, phải xử lý dòng suối: Khơi dòng, giọ thép ở kè đập phía giáp đường và nâng cao kè chắn lũ. Khi lũ tràn có thể xả để tiêu thoát nước. Hướng lâu dài, chúng tôi cũng đang phối hợp với xã tìm đất xây trường mới và đề xuất nếu như có chủ trương đầu tư”, ông Hà nói thêm.