Sử sách nước ta chép rõ những tấm gương giữ lễ thầy trò của các bậc vua chúa. Tiêu biểu nhất là người thầy Chu Văn An thời nhà Trần. Ông là người được “Đại Việt sử ký toàn thư” mô tả: “Tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ.
Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”. Do đó, ngoài việc được bổ nhiệm làm Tư nghiệp Quốc tử giám, ông còn được vua Trần Minh Tông mời dạy thái tử học.
Khi thấy vua Trần Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, Chu Văn An khuyên can không được vua nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. “Thất trảm sớ” dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Vua Trần Dụ Tông muốn đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiểu được chí khí của ông, Hiến Từ thái hoàng thái hậu (vợ vua Trần Minh Tông) đã bảo vua Dụ Tông: “Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?”.
Các nhà chép sử nước ta thời Lê, đề cao Nho học, đánh giá Chu Văn An là: “Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.
Các chúa Trịnh cũng rất trọng các thầy học của mình. Sách cũ kể lại chuyện Nguyễn Hoàn là thầy của Trịnh Sâm khi còn là Thế tử, Trịnh Sâm có viết đùa mấy chữ “Thượng thư, Quốc sư, Hoàn Quận công” đưa cho Nguyễn Hoàn. Đến khi Trịnh Sâm làm chúa, Nguyễn Hoàn đem tờ giấy ấy dâng lên, Trịnh Sâm bèn ban cho thầy tước Hoàn quận công. Nguyễn Hoàn lần lượt giữ các chức Bồi tụng (Phó tể tướng) rồi Tham tụng (Tể tướng), từng ba lần được chúa Trịnh ủy quyền thay chúa đi tế Nam Giao.
Trịnh Sâm có người con lớn là Trịnh Tông, nhưng do là con của thứ phi nên Trịnh Tông không yêu quý bằng người con nhỏ Trịnh Cán. Mãi 9 tuổi, Trịnh Sâm mới cho Trịnh Tông học với hai vị Tả, hữu Tư giảng là Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản. Sau Lý Trần Thản chết, Nguyễn Lệ được bổ làm Trấn thủ Sơn Tây, do âm mưu giành quyền cho Trịnh Tông nên bị Trịnh Sâm bắt giam. Đến khi Trịnh Tông được quân tam phủ tôn lập, Nguyễn Lệ được cho làm Thượng thư bộ Lại, coi việc Tham tụng.
Một người thầy nổi tiếng khác thời vua Lê chúa Trịnh là Thám hoa Vũ Thạnh. Sử sách không ghi ông từng trực tiếp dạy vị chúa Trịnh hay Thế tử nào, nhưng từng làm quan đến chức Bồi tụng. Do can gián chúa Trịnh về chuyện ân sủng hoạn quan, ông bị bãi quan, về mở trường dạy học ở trại Hào Nam (nay là khu vực làng Thịnh Hào, Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội). Học trò đông hàng nghìn người, có tới hơn bảy mươi người làm quan trong triều.
Học trò của ông làm quan nhiều đến nỗi, một lần nhà có giỗ, các học trò làm quan tại triều đều về họp ở nhà ông. Bất chợt, Trịnh phủ đòi các quan vào hầu, mà không có một người nào chực hầu cả. Chúa hỏi, kẻ lại phòng mới thưa thực là các quan về lễ giỗ nhà ông thầy ở Hào Nam. Chúa cũng tôn trọng người thầy nổi tiếng này, cho đợi đến hôm sau, xong việc mới triệu các quan vào hầu.
Thời Nguyễn, Nguyễn Đăng Tuân cũng là người thầy được vua Thiệu Trị rất trọng vọng. Khi Nguyễn Đăng Tuân đã về nghỉ hưu, năm 1840, vua Minh Mạng qua đời, ông về triều viếng tang. Gặp lại thầy dạy cũ, vua Thiệu Trị muốn bổ ông làm Thượng thư bộ Lễ, nhưng ông khẩn thiết xin từ, chỉ dâng lên bài biểu, vừa để tạ ơn, vừa để xin vua hãy chú trọng đạo hiếu và đạo trị nước. Vua Thiệu Trị càng cảm kích, lại ban chỉ mời ông về kinh làm chức Sư bảo để dạy dỗ cho các Hoàng đệ và Hoàng tử.
Khi thấy mình đã già yếu, ông lại cố xin nghỉ, nhà vua đành ban cho vàng bạc, đồng thời cấp thuyền công để đưa ông về quê. Khi vua cấp thêm bổng lộc, ông đều từ chối, nói rằng mình “không đến nỗi thiếu thốn”.
Cuối năm 1844, Nguyễn Đăng Tuân mất tại quê nhà, thọ 72 tuổi, được truy tặng chức Thiếu sư, nhà vua sai địa phương cấp tiền để lo việc tang, cho quan đến tế, đồng thời lại sai lấy thơ vua làm và soạn sự trạng khắc vào bia đá, dựng nơi làng của ông.
Sách “Đại Nam thực lục” có ghi lại nhận xét của vua Thiệu Trị về Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân: “Trẫm khi chưa lên ngôi, mỗi lúc rỗi, ngoài giờ Hoàng khảo dạy chính sự liền cùng (Đăng Tuân) giảng luyện văn tịch, bàn bạc cổ kim, phần nhiều có thành hiệu rõ rệt. Các hoàng đệ bấy lâu nhờ sự khuyên nhủ giúp đỡ, đức cũng theo tuổi tiến lên...”.
Chúng ta cũng từng nghe chuyện vua Hàm Nghi khi rời kinh thành khởi sự chống Pháp, đến năm 1888, bị quân Pháp bắt được tại Tuyên Hóa, Quảng Bình, nhà vua nhất định không nhận mình chính là vua nước Nam. Phải đến khi quân Pháp đưa thầy giáo cũ của vua là Nguyễn Nhuận đến gặp, thấy vua Hàm Nghi liền đứng thẳng dậy vái tay chào, chúng mới biết đích xác rằng người mà chúng bắt được chính là vị vua trẻ tuổi, yêu nước.
Vua Thành Thái khi mới lên ngôi, Nguyễn Trọng Hợp là phụ chính. Ông xin mở đặt nhà Kinh diên, khuyên vua chăm học, rồi lại khuyên vua nên ngự đi du lãm trong một hai tháng một lần để hiểu chuyện dân tình. Sau khi Nguyễn Trọng Hợp đã về quê nhà ở Kim Giang, Hà Nội nghỉ hưu, năm 1902, vua Thành Thái ra Bắc tuần, đã đến tận nhà Nguyễn Trọng Hợp để thăm hỏi. Thấy ông yếu, vua thân nhấc dậy cho vào ngồi, hỏi han hồi lâu và ban cho tấm gấm rồng màu vàng sẫm cùng một đồng kim tiền.