Vụ vận chuyển 47.000 USD qua biên giới: Trùm buôn lậu Mười Tường lĩnh 8 năm tù

GD&TĐ - Ngày 23/2, TAND tỉnh An Giang tiếp tục xét xử vụ Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) cùng 4 đàn em về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, SN 1969), Phạm Thanh Sang (Sang “ma cây”, SN 1982), Hồ Tuấn Linh (Phong, SN 1981), Nguyễn Văn Lê (Ba Lê, SN 1984), Nguyễn Văn Minh (Minh “đen”, SN 1991). Tất cả các bị cáo đều ngụ xã Đa Phước, (huyện An Phú, An Giang).

Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND tỉnh An Giang nhận định các bị cáo Phạm Thanh Sang, Hồ Tuấn Linh, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Minh đều thừa nhận vận chuyển tiền cho Hạnh.

Trong khi đó, Hạnh không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện KSND tỉnh An Giang cho biết có đủ căn cứ xác định Hạnh là người tổ chức, chỉ đạo 4 bị cáo khác vận chuyển trái phép 470.000 USD về Việt Nam.

Về vai trò, đại diện Viện Kiểm sát nhận định Hạnh có nhân thân xấu, từng có tiền án về tội buôn lậu nhưng sau đó về địa phương, bị cáo không ăn năn hối cải mà vẫn bất chấp pháp luật, lợi dụng sự quản lý không chặt chẽ trong công tác quản lý biên giới của các cơ quan chức năng để chỉ đạo các bị cáo khác vận chuyển số lượng lớn tiền trái phép qua biên giới nhằm thu lợi.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử.

Từ những lý do trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Hạnh là người chủ mưu, giữ vai trò chính trong vụ án. Hành vi của bị cáo làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý ngoại hối nên cần có mức án nghiêm nhằm giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

Về phía các bị cáo còn lại, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng đây là người làm thuê cho Hạnh, biết việc làm sai nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo và giữ vai trò người thực hành, giúp sức nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm đồng phạm với vai trò ngang nhau.

Căn cứ vào nội dung vụ án, Hội đồng xét xử TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh mức án 8 năm tù. Các bị cáo Phạm Thanh Sang, Hồ Tuấn Linh, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Minh cùng nhận mức án 4 năm tù.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên phạt hành chính với bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh số tiền 50 triệu đồng.

Theo cáo trạng, khoảng 9h20’ ngày 24/6/2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri (khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc), phát hiện 4 người đi trên xuồng máy chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam, có biểu hiện nghi vấn.

Thấy lực lượng chức năng, 4 người này quay lại, tấp xuồng máy vào bờ rồi chạy về phía Campuchia. Một người trong nhóm ném túi nilon lại, bên trong có 470.000 USD. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hành chính và tạm giữ số tiền trên.

Qua giám định, 4.700 tờ USD mệnh giá 100 USD là tiền thật, tương đương 10,9 tỷ đồng. Sau đó, 2 người trong nhóm là Sang và Linh ra đầu thú.

Ở vụ án khác, 2 người còn lại trong nhóm 4 người nói trên là Lê và Minh bị bắt, điều tra trong vụ án buôn lậu 51kg vàng xảy ra ngày 30/10/2020. Cả hai sau đó tự thú và khai nhận trước đó có tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh.

Sang, Lê và Minh khai, khoảng năm 2018 làm thuê cho Mười Tường, còn Linh làm thuê cho chị của Mười Tường. Trong thời gian trên, 4 bị cáo này thường tham gia vận chuyển hàng hóa, tiền tệ cho bà trùm Mười Tường từ Campuchia về Việt Nam và được trả tiền công từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Ngày 24/6/2019, Mười Tường chỉ đạo Sang cùng Minh, Linh, Lê qua Campuchia gặp người tên Cốp, Tuot (người Campuchia) nhận USD vận chuyển về Việt Nam. Cả nhóm đang trên đường vận chuyển tiền về thì bị lực lượng chức năng phát hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.