Vụ tranh chấp 5 triệu yên Nhật: Ai là chủ sở hữu?

Vụ 5 triệu yên chị Hồng nhặt được trong chiếc loa thùng cũ vẫn đang chờ phán quyết của cơ quan chức năng, đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về quyền sở hữu số tiền này...

Vụ tranh chấp 5 triệu yên Nhật: Ai là chủ sở hữu?

PV đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý để cùng phân tích về thẩm quyền giải quyết cũng như xác nhận ai là chủ sở hữu hợp pháp đối với số tiền 5 triệu yên người mua ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng "nhặt" được.

“Chiếm hữu ngay tình”

Trở lại vụ việc của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, 36 tuổi, quê Quảng Ngãi cách đây hơn một năm. Ngày 21/3/2014, chị Hồng và chồng đem thùng loa cũ (bằng kim loại vuông, cao khoảng 0,5m mà chị mua được trước đó) ra hẻm Trần Văn Quang (phường 10, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) tháo ốc vít, phân loại để lấy sắt, đồng... 

Bất ngờ chồng chị phát hiện bên trong có chiếc hộp gỗ dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15cm. Khi chiếc hộp được mở, vài tờ tiền bay ra và được một số người đứng gần đó nhặt.

Vụ tranh chấp 5 triệu yên Nhật: Ai là chủ sở hữu? - Ảnh 1

Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng.

Lời đồn về hai vợ chồng mua ve chai “trúng kho báu” lan rất nhanh. Chỉ vài giờ sau, nhiều người kéo đến nhà trọ của họ để xin tiền “lấy may”. 

Trong đám đông còn có nhiều thanh niên lạ mặt gây áp lực, buộc vợ chồng anh chị Hồng phải chia tiền. Quá hoảng sợ, vợ chồng chị đã trình báo công an và giao nộp toàn bộ số tiền có trong loa... Tổng cộng số tiền là 5 triệu yên Nhật.

Ngày 28/4/2014, Công an quận Tân Bình đã đăng báo tìm chủ sở hữu số ngoại tệ nói trên. Theo quy định, trong một năm nếu không ai đến nhận, công an sẽ quyết định chủ sở hữu số tiền theo pháp luật

Tuy nhiên, vào thời điểm chỉ còn hơn một tuần nữa, số tiền trên sẽ được định đoạt ai là chủ nhân thì bất ngờ có người lạ xuất hiện, tự nhận là chủ nhân của 5 triệu yên đó. 

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao đến “phút chót” chủ nhân này mới lên tiếng về khối tài sản là 5 triệu yên trong chiếc loa cũ? Sau khi cơ quan chức năng yêu cầu giải trình, nhưng người này không có căn cứ liên quan tới khoản tiền 5 triệu yên Nhật.

Được biết, mới đây Công an quận Tân Bình, TP.HCM đã chuyển hồ sơ vụ 5 triệu yên cho TAND quận Tân Bình TP. HCM giải quyết, nhưng TAND quận Tân Bình khẳng định việc này không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Luật sư Hoàng Minh Hiển, (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, với những tình tiết nêu trên, trong trường hợp này chị Hồng là người chiếm hữu ngay tình (chiếm hữu có căn cứ). 

Do đó, theo quy định của pháp luật, trong thời hạn một năm mà không có chủ nhân nhận lại khối tài sản là 5 triệu yên Nhật thì cơ quan chức năng phải trả lại cho chị Hồng và được trừ đi một phần phí. Cụ thể, áp dụng khoản 2 Điều 239 Bộ luật Dân sự (BLDS) để xác lập quyền sở hữu toàn bộ 5 triệu yên Nhật cho chị Hồng là hoàn toàn hợp lý, hợp tình.

Cũng theo quan điểm của luật sư Hiển, trong vụ việc này, thẩm quyền giải quyết là trách nhiệm của Công an quận Tân Bình TP.HCM.

Liên quan tới thẩm quyền giải quyết, ông Nguyễn Thanh Sơn Chánh án TAND TP. Vũng Tàu cho biết: Trong vụ việc này không có phát sinh tranh chấp, do đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và TAND quận Tân Bình trả lời như vậy là đúng với căn cứ của pháp luật.

Cần áp dụng luật tương tự để giải quyết

Để tìm hiểu rõ hơn ai là chủ nhân của khối tài sản 5 triệu yên Nhật, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phùng Trung Tập, được biết: Theo nội dung vụ việc đã viện dẫn, việc xác định khoản tiền 5 triệu yên Nhật có thuộc quyền sở hữu của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng hay không cần dựa trên những căn cứ pháp luật sau đây: Theo quy định về tài sản tại Điều 163 BLDS năm 2005 thì: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

Như vậy, khoản tiền 5 triệu yên Nhật không phải là “vật” mà là ngoại tệ được phép lưu thông tại Việt Nam, quy đổi được ra Việt Nam đồng (VN Đ), cũng được coi là “tiền”. Chỉ theo cách lập luận này mới có thể giải quyết được vấn đề đã viện dẫn. 

Tiếp đó, theo quy định tại các Điều 239: “Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”; Điều 240: “Xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy”; Điều 141: “Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên”, nhận thấy tất cả các điều luật đã viện dẫn, nhằm lựa chọn điều luật nào có thể áp dụng được vào trường hợp này là hợp tình, hợp lý nhất là cả một vấn đề không đơn giản. 

Vì các điều luật này chỉ quy định đối với “vật”, mà không quy định đối với “tiền” (tiền khác vật theo quy định tại Điều 163 BLDS đã viện dẫn). Tuy nhiên, việc xác định ai là chủ sở hữu của khoản tiền 5 triệu yên Nhật trong trường hợp này không phải là không có căn cứ pháp luật.

Căn cứ vào việc chị Huỳnh Thị Ánh Hồng là người mua phế liệu, chiếc thùng loa chị đã mua cùng với những phế liệu khác. Khoản tiền 5 triệu yên Nhật nằm trong thùng loa kim loại không phải là trường hợp vật bị chôn giấu, vật bị chìm đắm được tìm thấy, cũng không phải là trường hợp vật bị đánh rơi, vật bị bỏ quên, mà chị Hồng có được hộp loa thùng là do mua phế liệu. Theo đó, chị Hồng không phải là người “nhặt được” vật trong các trường hợp đã viện dẫn.

Hơn nữa, chị Hồng cũng không phải là người “nhặt” được vật do người khác đánh rơi hay bỏ quên. (Việc bỏ quên là của người nào đó quên tiền cất giấu trong thùng loa không xác định được). Vì vậy, chiếc loa thùng kim loại thuộc quyền sở hữu của chị Hồng từ thời điểm chị mua loa thùng đó. 

Còn khoản tiền có trong hộp loa thùng không phải là vật phụ, mà là tài sản độc lập (yên Nhật). Khoản 5 triệu yên Nhật trong hộp loa thùng không thể xác định được ai là chủ sở hữu, có thể xem như “vật” vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu.

Nhưng như trên đã biện luận về “vật” và “tiền”, các điều luật đã viện dẫn chỉ quy định áp dụng đối với “vật” mà không áp dụng đối với “tiền”. Vì vậy, giải quyết sự kiện này, cần phải “áp dụng tương tự về luật”, vì không có điều luật để áp dụng trực tiếp! Căn cứ để áp dụng tương tự về luật là khoản 2 Điều 239 BLDS năm 2005.

Trách nhiệm giải quyết thuộc Công an quận Tân Bình

Đồng tình với quan điểm của Chánh án Nguyễn Thanh Sơn, PGS.TS Phùng Trung Tập, Trưởng bộ môn Luật Dân sự, trường đại học Luật Hà Nội cho rằng: Vụ việc này chỉ giải quyết bằng con đường hành chính, theo đó, cơ quan nào thụ lý thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. 

Trong trường hợp này, Công an quận Tân Bình thụ lý từ đầu nên cơ quan này có trách nhiệm giải quyết và làm thủ tục để chuyển từ chiếm hữu sang sở hữu là chị Hồng và trả lại cho chị Hồng số tiền nêu trên.

Chị Hồng là chủ sở hữu của 5 triệu yên Nhật?

Theo PGS. TS Phùng Trung Tập, các căn cứ để áp dụng tương tự về luật là: Thứ nhất, yên Nhật là ngoại tệ được phép lưu thông tại Việt Nam và không phải là Việt Nam đồng (khi thanh toán phải quy đổi thành Việt Nam đồng), và được coi như “vật” (tài sản) lưu thông có điều kiện.

Thứ hai, chị Hồng không phải là người “nhặt được” khoản tiền 5 triệu yên Nhật, mà chị là người mua phế liệu (loa thùng) và tình cờ phát hiện có 5 triệu yên trong đó. Mà khoản tiền 5 triệu yên này không thể xác định ai là chủ sở hữu. 

Vì vậy, có thể áp dụng tương tự quy định đối với “vật” không xác định được chủ sở hữu. Do đó chị Hồng là chủ sở hữu của khoản tiền 5 triệu yên Nhật, theo quy định tại khoản 2 Điều 239 BLDS năm 2005.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò điểm trường Xuân Hòa. Ảnh: Đ. Đức

Hành trình chông gai đến 'mùa vàng' tri thức

GD&TĐ - Nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, ngành Giáo dục Quảng Trị đã đạt được những kết quả tích cực, vươn lên trở thành “điểm sáng” của Bắc Trung Bộ...