Vụ thổi giá thiết bị y tế ở BV Bạch Mai: Bệnh nhân có được hoàn tiền?

GD&TĐ - Sau những lùm xùm về vụ nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp 5 lần giá trị thực ở bệnh viện Bạch Mai, dư luận đặt câu hỏi, liệu những bệnh nhân từng bị “móc túi” bởi hành vi này có được hoàn tiền?

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

"Móc túi” bệnh nhân

Kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (xuất xứ từ Pháp) được các bên liên kết “thổi giá” cao gấp nhiều lần giá trị thực. Trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các đối tượng đã câu kết, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

Như vậy, với giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng thì chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Với giá khai khống là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca. Trong các năm từ 2017 - 2019, Bệnh viện Bạch Mai đã chi trả tổng cộng 550 ca, số tiền chênh lệch mà các đối tượng được hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh là khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Trả lời báo chí về sự việc này, ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Bệnh viện vẫn đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, cung cấp hồ sơ liên quan đến các gói thầu với doanh nghiệp để phục vụ điều tra, làm rõ sự việc. Theo ông Hùng, Bệnh viện mua thiết bị có đơn vị thứ 3 là công ty chuyên môn đủ chức năng thẩm định giá nên nếu có sai phạm thì chủ yếu liên quan đến đơn vị cung cấp và trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá.

“Chúng tôi tiếp nhận các thiết bị y tế dựa trên giấy tờ, hồ sơ và giá thiết bị mà các bên đưa ra để có căn cứ lựa chọn. Bệnh viện không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Khi hồ sơ đầy đủ, có lợi nhất theo nguyên tắc lấy từ thấp đến cao, bảo đảm chất lượng thì sẽ được lựa chọn” – ông Dương Đức Hùng cho hay.

Bệnh nhân bị “móc túi” có được hoàn tiền?

Khi vụ việc được phanh phui và cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều người hi vọng, số tiền chênh lệch 18 triệu đồng/ca của 550 ca bệnh đã điều trị bằng robot Rosa trong khoảng thời gian 3 năm (2017 - 2019) sẽ được hoàn trả cho các bệnh nhân.

Nêu quan điểm về vấn đề này, trả lời báo chí, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em cho rằng, “rất khó để có thể trả lại tiền cho những người dân đã điều trị, đã chết… Trong khoảng thời gian ấy, có biết bao nhiêu người dân đã bị móc túi, thậm chí chết do không đủ khả năng chi trả tiền chạy chữa mà phải xin về chờ chết. 

"Những cá nhân liên quan vụ việc hiện đã bị cơ quan công an bắt giam và chờ xử lý theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bây giờ bảo hoàn lại tiền cho những người dân còn sống, còn chứng từ, sổ sách thì còn có thể làm được nhưng những người đã chết rồi hoặc không còn lưu sổ sách thì làm thế nào có thể chi trả lại được?”, BS Nguyễn Trọng An nói.

Chia sẻ về giải pháp quản lý trang thiết bị y tế, ông S.H.L - Phó Giám đốc một bệnh viện cho biết, để đảm bảo quyền lợi của mình, người bệnh khi sử dụng dịch vụ y tế tại các cơ ở y tế hoàn toàn có thể yêu cầu đội ngũ y, bác sỹ tư vấn về phí dịch vụ, chi phí điều trị, khám chữa bệnh, cái nào bảo hiểm sẽ chi trả, cái nào cần phải tự thanh toán để có những cân nhắc phù hợp.

Khi có những băn khoăn, thắc mắc hay bức xúc liên quan đến dịch vụ y tế, người bệnh hoàn toàn có thể phản ánh ý kiến, nguyện vọng qua hòm thư truyền thống hay các hình thức điện tử để Bệnh viện xem xét, giải quyết. Ngoài ra, nếu thấy dịch vụ y tế có những vấn đề khác, người bệnh hoàn toàn có thể phản ánh với Cơ quan chức năng để họ vào cuộc, xác minh nội dung người dân phản ánh.

Theo Bộ Y tế, thị trường trang thiết bị y tế trên thị trường Việt Nam hiện đang tăng trưởng mạnh, chủ yếu là nhập khẩu. Thời gian qua, đã diễn ra tình trạng nâng khống, thổi giá trang thiết bị tại một số cơ sở y tế. "Bệnh" thổi giá trang thiết bị y tế đang là vấn nạn nhức nhối, cần phải có thuốc đặc trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ