Vụ thay thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội: Tự tung, tự tác

Vụ thay thủy tinh thể ở Bệnh viện Mắt Hà Nội: Tự tung, tự tác

(GD&TĐ) - Ngày 7/10, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp báo thông tin xung quanh đơn tố cáo của cán bộ Bệnh viện Mắt Hà Nội trong việc đánh tráo thủy tinh thể và dịch nhầy khi phẫu thuật Phaco cho bệnh nhân. Một lần nữa, Chánh thanh tra Sở Y tế khẳng định việc thay thủy tinh thể, dịch nhầy từ hãng này sang hãng khác là có, nhưng đây là chỉ những sơ suất về thủ tục hành chính.

Lỗi thuộc về bác sĩ phẫu thuật, bộ phận hành chính 

Theo Phó GĐ Bệnh viện Mắt Hà Nội Nguyễn Thu Hương: Phẫu thuật thay thủy tinh thể cho bệnh nhân được thực hiện theo quy trình: Bác sĩ điều trị khám - tư vấn chọn thủy tinh thể và dịch nhầy, bệnh nhân ký giấy cam kết. Tuy nhiên, trong quá trình phẫu thuật, do hết loại thủy tinh thể mà bệnh nhân đăng ký hay bác sĩ phẫu thuật thấy thủy tinh thể của hãng khác phù hợp với bệnh nhân hơn sẽ chủ động thay thế… “Trong trường hợp thay thế thủy tinh thể, tem sẽ được dán vào hồ sơ bệnh án của bệnh nhân”, bà Hương cho biết. 

Sẽ không có gì để nói nếu như việc thay thủy tinh thể được thông báo cho bệnh nhân hoặc thể hiện rõ trên phiếu thu. Nhưng tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, 703 ca phẫu thuật thay thủy tinh thể trong năm 2011 không biết gì về việc thay đổi trên bởi bệnh nhân không nhận được thông báo, phiếu thu tiền cũng đóng dấu thủy tinh thể (IQ) và dịch nhầy (Duovisc) của Mỹ. 

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, việc làm trên của Bệnh viện Mắt Hà Nội là sai phạm. “Bác sĩ phẫu thuật đã không thông báo với bệnh nhân/người nhà bệnh nhân, bộ phận tài chính chỉ làm một con dấu đóng cho tất cả các ca phẫu thuật. Sở Y tế đã tịch thu con dấu và yêu cầu bệnh viện chấn chỉnh lại hoạt động trên”, ông Cường khẳng định.

“Cửa sổ tâm hồn” của người bệnh trông chờ vào y đức của bác sĩ
“Cửa sổ tâm hồn” của người bệnh trông chờ vào y đức của bác sĩ
 

Lợi bệnh viện - Hại bệnh nhân

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế và BHXHVN, Bệnh viện Mắt Hà Nội đã xây dựng quy trình thanh toán trọn gói đối với phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể là  4,5 triệu/ca, 6,5 triệu/ca và 18 triệu/ca. Việc xây dựng quy trình trên đã được cơ quan chức năng thẩm định. Nhưng điều đáng nói ở chỗ, quy trình trên không ghi mức giá cụ thể cho từng loại thủy tinh thể, dịch nhầy cũng như vật tư tiêu hao khác. Đây chính là kẽ hở để Bệnh viện Mắt thực hiện thay đổi thủy tinh thể và dịch nhầy trên 700 ca. 

Theo bà Hương, giá thủy tinh thể IQ, Hoya hay Focus không có sự chênh lệch đáng kể (từ 3.220.000đ - 3.243.000đ/thủy tinh thể) nên có thay đổi thì giá thành cũng như chất lượng vẫn đảm bảo. Nhưng với dịch nhầy, loại Douvis của Mỹ có giá 593.000đ/hộp sử dụng cho một bệnh nhân; Dịch nhầy Suncoat (Mỹ): 548.000đ/hộp sử dụng cho 1 - 2 bệnh nhân) và dịch nhầy của Ấn Độ Hyprosol có giá 245.000đ/hộp sử dụng cho 2 - 5 bệnh nhân thì rõ ràng có sự chênh lệch đáng kể về giá thành. 

Theo BS Cung Hồng Sơn (Phó GĐ Bệnh viện Mắt Trung ương),  3 loại thủy tinh thể mà Bệnh viện Mắt Hà Nội sử dụng là loại đơn tiêu cự nên không có sự khác nhau nhiều về chất lượng. Với dịch nhầy của Mỹ, Đức, Ấn Độ có sự khác nhau về độ quánh. Dịch nhầy của Ấn Độ có độ quánh kém nhất. Do vậy, những bác sĩ tay nghề “non” sẽ phải dùng nhiều hơn trong quá trình xé  bao và đặt thủy tinh thể. 

Được biết, trong danh mục đấu thầu thuốc và vật tư y tế, mỗi lọ dịch nhầy đi kèm 1 kim. Như vậy, việc dùng chung dịch nhầy cho nhiều bệnh nhân sẽ tăng khả năng mắc bệnh truyền nhiễm. Lý giải việc làm trên, bà Hương cho biết “Chúng tôi hấp kim rồi mới dùng cho bệnh nhân khác”. Vậy câu hỏi đặt ra một ca phẫu thuật chỉ kéo dài từ 7 - 10 phút, bác sĩ mổ liên tục, như vậy, bệnh nhân phải nằm trên bàn mổ đợi bệnh viện hấp kim? - thì bà Hương không trả lời được.

Ngoài ra, để tiện cho việc hạch toán lỗ - lãi, Bệnh viện Mắt Hà Nội đã đánh đồng tất cả ca phẫu thuật với nhau ra con số chung là 6,5 triệu/ca. Việc làm trên lợi cho bệnh viện nhưng lại hại bệnh nhân bởi họ không được lấy lại tiền thừa (dù ít hay nhiều). Sai sót ở Bệnh viện Mắt Hà Nội đã rõ ràng, nhưng câu hỏi khiến đại diện các cơ quan thông tấn quan tâm là Sở Y tế Hà Nội sẽ xử lý như thế nào ngoài việc yêu cầu bệnh viện chấn chỉnh lại, trách nhiệm của Phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) ở đâu khi những sai sót trên kéo dài mà không phát hiện ra… chưa được ngành Y tế trả lời. 

Việc thay đổi thủy tinh thể trong quá trình phẫu thuật là bình thường nhưng BV Mắt T.Ư luôn yêu cầu bác sĩ phải thông báo cho bệnh nhân/ người nhà bệnh nhân đồng thời đổi lại phiếu (kèm theo chữ ký xác nhận của bệnh nhân/ người nhà bệnh nhân). Dựa trên phiếu thay đổi thủy tinh thể, dịch nhầy, người bệnh sẽ phải đóng thêm tiền hoặc được trả lại tiền.

BS Cung Hồng Sơn (Phó GĐ BV Mắt Trung ương)

Hoài Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ