Vụ thảm sát bằng dao tại Pháp: Lãnh đạo các nước lên tiếng

GD&TĐ - Một kẻ dùng dao đã giết chết 3 người tại một nhà thờ ở miền nam nước Pháp hôm qua (29/10) và đã chặt đầu một phụ nữ 60 tuổi. TT Pháp Emmanuel Macron gọi đây là “một cuộc tấn công khủng bố của chủ nghĩa Hồi giáo”.

Một số người tưởng niệm các nạn nhân xấu số tại Nice, Pháp.
Một số người tưởng niệm các nạn nhân xấu số tại Nice, Pháp.

Một kẻ di cư 21 tuổi người Tunisia đã cầm dao bên mình khi bị cảnh sát tiếp cận. Tên này đã bị cảnh sát bắn và bị thương nặng – công tố viên chống khủng bố Jean – Francois Ricard của Pháp cho biết.

Theo ông Ricard, trong nửa giờ điên cuồng ở nhà thờ Đức Bà ở trung tâm thành phố Nice, kẻ tấn công đã dùng con dao dài 30cm để cắt cổ một phụ nữ 60 tuổi. Thi thể một người đàn ông là nhân viên 55 tuổi của nhà thờ cũng được tìm thấy gần đó. Một phụ nữ khác 44 tuổi chạy khỏi nhà thờ đến một nhà hàng cũng qua đời vì nhiều vết dao.

Ông Ricard cho biết “những người bị nhắm mục tiêu vì lý do duy nhất là họ có mặt trong nhà thờ này vào thời điểm đó”. Thị trưởng Christian Estrosi của thành phố Nice nói với các nhà báo ở hiện trường rằng kẻ tấn công “liên tục nhắc lại câu Allahu Akbar (Chúa vĩ đại nhất) ngay cả khi đang được điều trị ở bệnh viện.

TT Macron mau chóng đến Nice và tuyên bố tăng cường giám sát tại các nhà thờ. Lực lượng tuần tra đã tăng nhân lực từ 3.000 lên 7.000 người. An ninh tại các trường học cũng được thắt chặt.

TT Mỹ Donald Trump, người đứng đầu LHQ Antonio Guterres cũng như các nhà lãnh đạo châu Âu, Ả rập và Israel đều lên tiếng phản đối vụ việc trên.

“Trái tim của chúng tôi đồng cảm với người dân Pháp. Mỹ ở bên đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi trong cuộc chiến này” – TT Trump nói trên Twitter – “Các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan này phải dừng lại ngay lập tức...”.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết “Chúng tôi lên án mạnh mẽ vụ tấn công xảy ra hôm nay trong nhà thờ Đức Bà ở Nice”. Nước này bày tỏ tình đoàn kết với Pháp và gửi lời chia buồn tới thân nhân 3 người thiệt mạng trong vụ tấn công.

Tại những nơi khác ở Trung Đông, các nhà lãnh đạo Ả rập và Hồi giáo đã có sự phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo của họ và các hành vi bạo lực với vỏ bọc bảo vệ tôn giáo. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết “đứng bên nước Pháp với tư cách chính phủ và người dân trong cuộc chiến chống lại vụ việc mang hận thù này”. Qatar lên án mạnh mẽ và nhắc lại việc bác bỏ bạo lực và khủng bố, đặc biệt là ở nơi thờ tự, bất kể vì động cơ nào.

Trong khi đó các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhanh chóng bày tỏ tình đoàn kết với Pháp, đồng thời cam kết đối đầu với “những kẻ tìm cách kích động và gieo rắc hận thù”.

“Tôi lên án vụ tấn công kinh khủng và tàn bạo vừa diễn ra ở Nice và tôi ở bên nước Pháp với cả trái tim” - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói – “Chúng tôi sẽ vẫn đoàn kết và kiên quyết khi đối mặt với sự man rợ và cuồng tín”.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.