Trong vụ sạt lở đất vùi lấp 11 hộ dân với 53 người ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm 14 người mất tích. Trước đó, có 33 người đã được cứu sống (trong số này có 16 người bị thương). Những người may mắn sống sót kỳ diệu là do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết.
Khẩn trương tìm kiếm 14 người mất tích
Đến 23h đêm 29/10, hơn 400 cán bộ chiến sĩ Quân khu 5 gồm lực lượng công binh, thông tin, lực lượng vũ trang địa phương... vẫn đang khẩn trương tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng để có thể đưa xe cơ giới vào hiện trường trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại vẫn được lực lượng tại chỗ triển khai tích cực.
Trong đó, vụ sạt lở ở xã Trà Leng khiến 53 người bị vùi lấp, trong đó 33 người sống sót và bị thương, 6 người chết, còn 14 nạn nhân mất tích.
Vụ sạt lở ở xã Trà Vân khiến 20 người gặp nạn, trong đó 12 người bị thương, 8 người tử vong đã tìm thấy thi thể.
Từ sáng 29/10, hàng trăm bộ đội cùng máy xúc, xe ủi khẩn trương san gạt đất đá, mở đường vào hiện trường vụ sạt lở ở xã Trà Leng để tìm kiếm những người còn mất tích ở đây.
Trước đó, khoảng 17h30 chiều cùng ngày, sau khi 2 vị trí sạt lở nghiêm trọng trên QL40B được xử lý, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 cùng các phương tiện, thiết bị hỗ trợ tìm kiếm đã vào được gần hiện trường. Lực lượng tiếp cận thôn 1, xã Trà Leng sớm nhất gồm 20 công binh, quân y mang thùng cứu thương vào để cấp cứu nạn nhân.
Lúc này, một nhóm người dân trên đường khiêng 4 trẻ em bị thương ra ngoài cấp cứu đã gặp được lực lượng cứu hộ đang mở đường vào Trà Leng. Các cháu bé nhỏ nhất 5 tuổi, lớn nhất 15 tuổi đều bị đa chấn thương, gãy chân, tay. Bộ đội đã sơ cứu tại chỗ, điều xe cứu thương đưa các cháu vào bệnh viện.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhận ở thôn 1 từ chiều 28/10, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, tính đến chiều 29/10, tại xã Trà Leng, lực lượng chức năng đã cứu được 33 người, trong đó 16 người bị thương; tìm thấy 6 thi thể, còn 14 người chưa tìm thấy.
Thông tin ban đầu, 33 người may mắn sống sót do được nước bùn đẩy dồn về chân núi, sau đó trồi lên trên lớp đất nên thoát chết. Hiện, tất cả các nạn nhân bị thương đã được chuyển đến trạm y tế xã hoặc bệnh viện huyện để chữa trị.
Theo ông Cường, mọi công tác tìm kiếm, cứu nạn người dân được thực hiện rất khẩn trương. Tuy nhiên, khối lượng đất đá, bùn đất, cây cối, nhà cửa bị vùi lấp quá lớn, có vị trí chất cao 3 - 7m, trong khi đó việc tìm kiếm được thực hiện bằng tay, với dụng cụ thô sơ, thủ công nên gặp vô vàn khó khăn. “Hiện, còn rất nhiều người đang mất tích, những dấu hiệu về sự sống gần như không còn….”, giọng ông Cường chùng xuống.
Tại hiện trường vụ sạt lở, các lực lượng công an, bộ đội, dân quân và người dân địa phương tổ chức tìm kiếm các nạn nhân không phút ngừng nghỉ. Họ dùng tay không lật giở, di chuyển từng nhành cây, khúc gỗ, hòn đá, xúc từng lớp bùn đất tìm kiếm, lắng nghe dấu hiệu của sự sống.
Chị Hồ Thị Hà (trú thôn 2, xã Trà Leng) cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, chị cho 2 đứa con về nhà ông bà ngoại tại thôn 1 chơi. “Khi hay tin xảy ra sạt lở ở khu vực nhà ngoại, tôi cùng người dân chạy đến thì thấy bà ngoại và 2 cháu nằm trong đống bùn đất đổ nát, mọi người cứu được bà và 2 cháu ra. Còn ông ngoại cũng bị đất đè và đã tử vong”, chị Hà kể, giọng nghẹn ngào.
Giây phút kinh hoàng
Ông Cường kể, vào 8h sáng 28/10, ông nhận được tin từ Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng (hiện vẫn đang mất tích cùng 13 người khác - PV) điện thoại thông báo tình hình mưa lũ ở khu vực thôn 1 rất khủng khiếp. Khoảng 2 giờ sau, đất đá từ phía đỉnh núi, thượng nguồn sông Lăng đổ về như thác. Người dân được thông báo di dời về trụ sở UBND xã Trà Leng trú ẩn.
Trong khi người dân đang chuẩn bị đồ dùng cá nhân để di dời khỏi làng thì bất ngờ những khối đất đá khổng lồ ập xuống. Trong chớp mắt, tất cả nhà cửa 11 hộ dân bị vùi dưới khối đất khổng lồ.
Tại hiện trường, phương tiện liên lạc duy nhất với bên ngoài và báo cáo tình hình với trạm chỉ huy cứu nạn tiền phương chỉ là một chiếc bộ đàm. Những thông tin diễn biến công tác tìm kiếm, những thi thể được tìm thấy, những khó khăn, vướng mắc được ông Cường cập nhật liên tục. “Hiện, vị trí khu vực nhà ở của người dân đã được xác định, tuy nhiên phải có phương tiện, xe, máy thì công tác tìm kiếm mới sớm có kết quả hơn”, ông Cường nói.
Đứng lặng im trước hiện trường một hồi lâu, già làng thôn 1, xã Trà Dơn Nguyễn Ngọc Anh vẫn không tin những gì vừa xảy ra. Đêm hôm trước, nghe tin sạt lở ở thôn 1 xã Trà Leng, già Anh cùng hơn 50 người tức tốc đến hiện trường. Hơn 5 lần đoàn người kéo nhau đi rồi phải quay về do sạt lở, hết dùng thuyền rồi đi bộ, mất hơn nửa ngày mới vào đến nơi.
“Tôi thấy bà con nằm đó mà không làm gì được, cây cối, bùn đất… chôn vùi hết, nước cuốn đi hết. 4 người đang nằm trong bùn đất, cố gắng lôi ra được 2 người nhưng họ đã chết. Còn 2 người còn lại, tận mắt tôi nhìn thấy họ bị cuốn đi… ”, già Anh bàng hoàng nhớ lại.
Anh Hồ Quốc Khánh (trú thôn 1, xã Trà Leng) nhớ lại: “Trưa hôm qua trời mưa to, tôi đứng ở hiên nhà thì nghe tiếng động lớn nên hô mọi người bỏ chạy, lúc sau quay lại thì đã thấy cảnh tượng kinh hoàng. Tôi cùng mọi người vào cứu được 2 người, trong đó có một cháu nhỏ”.
Tranh thủ từng phút mở đường cứu nạn
Trước đó, sau hơn 10 giờ từ TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vừa đi xe máy, vừa cắt rừng đi bộ, vượt suối băng qua các vị trí sạt lở, PV Báo Giao thông có mặt tại hiện trường sạt lở vùi lấp 11 hộ dân ở thôn 1 xã Trà Leng. Toàn bộ vị trí ngôi làng trước đây giờ chỉ là một bãi đất đá. Ngôi làng như chưa từng tồn tại, nếu như phía bên trên ngọn đồi không có những tiếng người gào khóc gọi người thân và phía dưới, hàng chục chiến sĩ công an, bộ đội, dân quân ra sức tìm kiếm người mất tích.
Cách hiện trường sạt lở chừng 7km, phương tiện xe máy, nhân lực căng mình làm việc hết công suất, tranh thủ từng phút, từng giờ nỗ lực mở đường cứu nạn nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, càng vào gần hiện trường càng gặp khó khăn. Những khối đá tảng to bằng chiếc xe ô tô; những khối cây cổ thụ to 3 - 4 người ôm; bùn đất tràn lấp mặt đường cao như ngọn núi. Điện mất, sóng điện thoại không có.
Trực tiếp có mặt tại tuyến đầu mở đường cứu nạn, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã nhanh chóng đưa ra các phương án xử lý tình huống bằng các biện pháp linh hoạt.
Những thông tin về tình trạng sạt lở, đất đá, cây lớn vùi lấp tại các vị trí được tiền trạm gửi về, sau khi trao đổi nhanh với các lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, Cục QLĐB III, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra phương án sử dụng máy cưa xẻ lớn, xe xúc nâng thay cho máy múc để xử lý các vị trí sạt lở đất đá thông thường.
“Dù nhiệm vụ khó khăn, thách thức, thậm chí hết sức nguy hiểm, nhưng bằng mọi giá chúng tôi vẫn phải vừa đảm bảo an toàn, vừa quyết mở được đường cứu nạn vào tối nay”, giọng Thứ trưởng cương quyết.
Và rồi từng mét đường cứu nạn liên tục được khơi thông. Đường mở đến đâu, các phương tiện vật tư cứu hộ, cứu nạn được đưa đến đó...
Đã tìm thấy 5 thi thể vụ sạt lở ở Phước Sơn
Tới 20h tối 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 5 thi thể trong vụ sạt lở đất tại thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Đường vào xã Phước Lộc bị sạt lở nhiều nơi, gây ách tắc giao thông khiến các đoàn tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và huyện chưa thể tiếp cận hỗ trợ. Hiện, công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang dựa vào lực lượng tại chỗ của xã và người dân xã Phước Lộc. Đoàn tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cũng xuất phát từ 15h chiều nhưng đến 19h vẫn đang bị kẹt lại ở xã Phước Kim, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 15km. Đây cũng là cung đường duy nhất để vào xã Phước Lộc, những cung đường khác cũng đã bị chia cắt từ trước.
Theo thống kê đến 19h ngày 29/10, tại thôn 3 (thôn 6 cũ), xã Phước Lộc có 14 người mất tích do sạt lở, đã tìm được thi thể 5 người. Hiện, công tác tìm kiếm cứu nạn tại chỗ vẫn được triển khai. Đoàn tìm kiếm cứu nạn từ bên ngoài sẽ nghỉ tại xã Phước Kim và sáng mai sẽ tìm cách băng rừng đi tiếp.
Trước đó, do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn xã Phước Lộc có mưa lớn, khiến nhiều khu vực trong xã bị sạt lở. 14h chiều 28/10, một vụ sạt lở đã xảy ra tại thôn 3 xã Phước Lộc, khiến hàng chục người mất tích. Địa điểm sạt lở cách UBND xã hàng chục cây số, không có sóng điện thoại nên cán bộ thôn đã phải băng rừng nhiều giờ để báo cáo với chính quyền xã.