Vụ ông Nguyễn Đức Chung giúp công ty Nhật Cường trúng thầu: Luật sư đưa ra bằng chứng mới?

GD&TĐ - Sáng 27/12, TAND Hà Nội xét xử ông Nguyễn Đức Chung trong vụ giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu 2 gói số hóa tài liệu của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội.

Gia đình ông Chung xin giao nộp vật chứng quan trọng

Tại phiên xử sáng nay, trong phần thủ tục phiên tòa, Thư ký phiên tòa đã thông báo bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Đức Chung) vắng mặt tại phiên tòa. Luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập tổ chuyên gia, các thành viên của tổ chuyên gia chấm thầu.

Bên cạnh đó, bà Phan Lan Tú (nguyên Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội) vắng mặt tại phiên tòa. Một luật sư cho biết đây là phiên tòa xét xử dài ngày nên đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục triệu tập bà Phan Lan Tú để xác định sự thật khách quan của vụ án.

Trước sự vắng mặt của một số người, đại diện Viện kiểm sát cho biết phiên tòa hôm nay có vắng mặt một số người nhưng họ đều có lời khai cụ thể nên không ảnh hưởng tới việc xét xử hôm nay.

Sau khi nghe ý kiến, Hội đồng xét xử cho biết sẽ căn cứ vào diễn biến phiên tòa để xem xét. Tuy nhiên, những người được đề nghị triệu tập đã có lời khai đầy đủ nên phiên xử vẫn được diễn ra.

Ngay trước phiên xử, Luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho ông Nguyễn Đức Chung) cho biết, gia đình cựu Chủ tịch UBND Hà Nội đề nghị được giao nộp chiếc iPad có chứa các thư điện tử được trao đổi qua email của bị cáo Chung, liên quan đến nội dung vụ án.

Luật sư Tú cho rằng, đây là vật chứng quan trọng nhưng lực lượng an ninh chưa cho phép mang vào tòa. Ông Tú đề nghị Hội đồng xét xử cho phép nộp chiếc iPad này để tòa xem xét, đánh giá.

Sau hội ý, Chủ tọa phiên toà đã chấp nhận đề nghị của luật sư. Hội đồng xét xử cho biết sẽ trao đổi với lực lượng an ninh để gia đình được cung cấp chiếc iPad trong quá trình xét xử.

Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT khai về túi quà có 300 triệu của Bùi Quang Huy

Là người đầu tiên bị xét hỏi, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) khai, từ ngày 15/5/2016, ông nhận các cuộc điện thoại của ông Chung đề nghị dừng gói thầu. Trong nội dung cuộc gọi thứ 3 vào sáng 16/5/2016, ông Chung nói lý do dừng thầu là để "đưa gói thầu số hóa mới vào nhằm đảm bảo chất lượng".

Lời khai của ông Tứ thể hiện, trước sự chỉ đạo của ông Chung, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội buộc phải cho dừng và tổ chức cuộc họp đề xuất cho ông Nguyễn Tiến Học (Phó Giám đốc Sở KH&ĐT) ký quyết định thông báo đến các nhà thầu về việc dừng này.

Ông Tứ cho hay, việc dừng gói thầu là sai quy định nhưng việc này không gây thiệt hại gì. Sau khi dừng thầu, ông Tứ tiếp tục chỉ đạo tổ chức một cuộc họp, nghe Công ty Nhật Cường trình bày những tính năng mới của gói thầu số hóa.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử.

Sau buổi làm việc, ông Tứ yêu cầu Công ty Nhật Cường trình bày thêm bằng văn bản để Sở KH&ĐT tham khảo. Đồng thời, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cũng gửi một văn bản xin ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung.

Khi được xét hỏi, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội khẳng định trong thời gian đương nhiệm và điều hành thực hiện gói thầu số hóa, ông không nhận phong bì của bên nào. Dù được cấp dưới trao đổi về việc Bùi Quang Huy đặt vấn đề "trích phần trăm" nhưng ông Tứ không nhận.

Cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội khai rằng bản thân có nhận một gói quà của Huy, trong gói quà có khoản tiền 300 triệu và một chai rượu. Khi được hỏi về chỉ đạo của ông Chung là đúng hay sai? Ông Tứ nói, không dám nhận xét mà để cho Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát phán quyết.

Trước khi kết thúc lượt xét hỏi, ông Tứ nói mình là cấp dưới, bị cáo Chung là cấp trên. Tính cách bị cáo Chung là người chỉ đạo quyết liệt, rất quyết đoán và “năm 2016, ông Chung ở Hà Nội như một ông trời”.

Ông Chung phủ nhận thân thiết với Bùi Quang Huy

Là người cuối cùng bị thẩm vấn trong chiều 27/12, ông Chung thừa nhận đã 3 lần gọi điện thoại cho Nguyễn Văn Tứ để yêu cầu dừng mở thầu gói số hóa dữ liệu cơ sở doanh nghiệp của Sở KH&ĐT năm 2016. Ông Chung khai rằng, khi chỉ đạo đã đề nghị phải thực hiện theo đúng thủ tục dừng thầu.

Cũng theo bị cáo Chung, cho rằng đối với gói thầu số hóa dữ liệu ở Sở KH&ĐT, UBND thành phố Hà Nội mới là chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định là Chủ tịch UBND Hà Nội. Việc chỉ đạo dừng mở thầu là thực hiện theo chức trách của Chủ tịch UBND Hà Nội và vị trí Trưởng ban chỉ đạo Công nghệ thông tin thành phố mà ông Chung đảm nhiệm năm 2016.

Tháng 8/2016, sau khi nhận được văn bản của Sở KH&ĐT đề xuất cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa dữ liệu, ông Chung đã giao bà Phan Lan Tú (khi đó là Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội) cùng ông Tứ nghiên cứu, báo cáo.

Khi được hỏi về mối quan hệ với Bùi Quang Huy, ông Chung khai đó là quan hệ xã hội và “không đến mức thân thiết”. Bị cáo cũng phủ nhận việc ông chủ Công ty Nhật Cường đã nhờ Chủ tịch Hà Nội can thiệp dừng mở thầu như cáo trạng quy kết.

Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội cũng phủ nhận cáo buộc đã đọc, trao đổi với Bùi Quang Huy qua email chunghinhsu@gmail.com sau đó chỉ đạo Sở KH&ĐT cho dừng mở thầu. Ông Nguyễn Đức Chung nói ngay từ giai đoạn điều tra rồi đến truy tố, bị cáo đều có quan điểm cho rằng mình bị khởi tố oan. Sau khi tiếp cận hồ sơ tố tụng, ông đã gửi đơn khiếu nại cho nhiều cơ quan và mong Hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng vụ án để đánh giá hành vi của bị cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.