Gia đình, dư luận phẫn nộ
Gần 10 ngày sau vụ việc nữ sinh N.T.H.Y. bị đánh hội đồng ngay tại trường, vẫn rất đông người thân, hàng xóm tập trung tại ngôi nhà của gia đình Y. để hỏi thăm chia sẻ sự việc với gia đình của nữ sinh Y. Trong ngôi nhà cấp 4, anh Nguyễn Văn Doanh, chú ruột của nữ sinh H. Y. lắc đầu ngậm ngùi: Cháu Y. được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ cháu đang chăm sóc cháu trong viện nên mọi thông tin chia sẻ với báo chí đều ủy quyền cho tôi…
“Chiều ngày 22/3, khi cháu Y. đi học về, gia đình thấy quần áo cháu bẩn thỉu, nhem nhuốc, đầu tóc bù xù, mặt mũi nhợt nhạt, có biểu hiện sợ hãi nên hỏi han nhưng cháu sợ không nói gì. Gặng hỏi mãi cháu mới kể bị các bạn cùng lớp đánh. Song do hôm đó là buổi học cuối tuần nên gia đình đã đợi đến sáng thứ 2 tuần sau (ngày 25/3) đến trường để làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu nhà trường cùng cô chủ nhiệm. Sự việc quá đau lòng”, anh Doanh nói.
Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, nếu có căn cứ xác định 5 nữ sinh tham gia đánh, lột quần áo bạn học mà chưa đủ 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 (tội ít nghiêm trọng với hình phạt cao nhất theo Khoản 2 chỉ đến2 năm tù giam). Đối với tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, 5 nữ sinh nếu dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội rất nghiêm trọng (có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm) tương ứng với Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 134. Nghĩa là hành vi gây thương tích cho nữ sinh N.T. H.Y. phải có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì mới có thể xử lý hình sự cả 5 nữ sinh được.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường THCS Phù Ủng có nguyện vọng được xử lý nội bộ. Nhà trường cho biết đã đình chỉ học nhóm 5 nữ sinh đánh em Y. và xin cho 5 cháu tham gia đánh cháu Y. có cơ hội sửa sai. “Trước việc làm của nhà trường và nghĩ các cháu đang là học sinh cuối cấp, tôi không muốn làm to chuyện, để các cháu có thời gian học hành, chuẩn bị cho việc thi cử nên đã đồng ý với nhà trường có hướng xử lý nội bộ nhóm học sinh này. Tuy nhiên, đến chiều tối cùng ngày, có một người trong thôn cho tôi xem clip về việc cháu Y. bị đánh dã man, lột đồ ngay trong lớp học. Sau khi xem xong, tôi và người nhà cháu Y. rất bức xúc, bàng hoàng về vụ việc…”, anh Doanh chia sẻ.
“Cả gia đình không tin đó là sự thật, bố mẹ cháu Y. vừa xem vừa khóc, thương con. Gia đình tôi vô cùng phẫn nộ, đau đớn khi nhìn thấy hình ảnh cháu Y. bị nhóm nữ sinh cùng lớp lột đồ, đánh đập dã man ngay tại lớp học. Tại sao nhà trường lại nói vụ việc không nghiêm trọng?”, anh Doanh nghẹn ngào. Ngay sáng hôm sau (26/3), anh Doanh đã lên UBND xã trình báo sự việc, đồng thời đến trường yêu cầu Ban giám hiệu xử lý nghiêm vụ việc. Cũng theo anh Doanh, cháu Y. có kể lại đã nhiều lần bị các bạn cùng lớp đánh đập, nhưng do sợ hãi nên cháu im lặng, không kể lại cho gia đình.
|
Đề nghị khởi tố vụ án hình sự
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, đây là một vụ bạo lực học đường. Trách nhiệm không chỉ thuộc về 5 em học sinh đánh bạn mà liên quan cả Ban giám hiệu, bảo vệ, cô giáo chủ nhiệm lớp của Trường THCS Phù Ủng. “Học sinh bị đánh ngay trong nhà trường, Ban giám hiệu nhà trường, Hội đồng giáo viên nhà trường muốn che đậy đi sợ ảnh hưởng thành tích của trường, đây là bệnh thành tích. Đúng ra nhà trường cần làm rõ ngay sự việc, có cách giáo dục phù hợp, nếu cứ che đậy sự việc sẽ có những sự việc tương tự xảy ra”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, từ năm 2011 - 2018 cả nước có hơn 18.000 vụ việc vi phạm pháp luật học đường và các vụ xâm phạm bạo hành đối với học sinh tại các nhà trường. Đối tượng vi phạm lại là các thầy cô giáo, nhân viên và học sinh trong nhà trường. Trong đó, có 11.000 vụ đánh nhau gây thương tích, cụ thể có 10.000 vụ xảy ra ngay tại nhà trường, lớp học. Từ đó, để thấy được tình trạng đáng báo động, một hồi chuông về sự xuống cấp đạo đức trong môi trường giáo dục. “Đây là một bài học sâu sắc, không chỉ ngành Giáo dục mà toàn xã hội để định hướng lại giáo dục đối với sự phát triển của thế hệ trẻ, không chỉ giáo thức học thuật mà hướng các em thành con người hoàn thiện với những kỹ năng, ứng xử trong cuộc sống…”, ông Lê Như Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, nguyên nhân của sự việc có ảnh hưởng từ phía gia đình, nhà trường, sự gương mẫu của người lớn, phương tiện truyền thông Internet, phim bạo lực. Cùng với đó là chương trình giáo dục đôi khi nặng về kiến thức, chưa quan tâm hết mức về giáo dục đạo đức con người, trách nhiệm đạo đức công dân… “Vi phạm này có dấu hiệu của vụ án hình sự, nó xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây thương tích, làm nhục mạ người khác… Tôi đề nghị phải khởi tố vụ án hình sự, để làm rõ sự việc”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.