Liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79) bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, tại phiên tòa ngày 27.11, bị cáo Vũ khai mình có hai quốc tịch là Việt Nam và Antigua and Barbuda.
Theo luật sư (LS) Võ Thanh Khương, Đoàn LS TP.HCM, để có quốc tịch của nước ngoài thì người làm hồ sơ xin nhập hoặc xin cấp quốc tịch phải đảm bảo điều kiện và các quy định của pháp luật nước xin cấp quốc tịch. Thực tế hiện nay, người xin cấp quốc tịch ở một số quốc gia vẫn phải thông qua các kỳ thi để được cấp quốc tịch, hoặc khi họ là người có công với quốc gia đó, hoặc việc họ nhập quốc tịch có lợi cho quốc gia đó... sẽ được xem xét cấp quốc tịch theo quy định.
Đối với trường hợp để có được quốc tịch Antigua and Barbuda, theo tìm hiểu của PV, người xin cấp quốc tịch cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu theo quy định về cư trú. Cụ thể, ngoài điều kiện về tuổi tác, nhân thân và sức khỏe, người xin quốc tịch chính phủ này cần phải đóng góp vào quỹ phát triển quốc gia một lần 100.000 USD, hoặc đầu tư vào một dự án địa ốc được chính phủ phê duyệt tối thiểu 400.000 USD, hoặc đầu tư vào một doanh nghiệp đủ điều kiện…
"Trong vụ án của bị cáo Phan Văn Anh Vũ thì đây là trường hợp người Việt Nam (đang có quốc tịch Việt Nam) nhưng có thêm quốc tịch thứ hai, thứ ba. Đồng thời, pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định trường hợp người Việt Nam khi có thêm quốc tịch nước ngoài thì buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam", LS Khương cho biết.
LS Trần Tấn Tài, Đoàn LS TP.HCM cũng cho rằng, công dân Việt Nam có thể có thêm quốc tịch khác theo quy định của luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành, nhưng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam biết trong thời hạn 2 năm kể từ ngày người đó được nhập quốc tịch nước ngoài theo Điều 21 Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo LS Khương, người có 2 quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam thì có các quyền và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam. Ngoài ra, họ vẫn còn có thêm các quyền và nghĩa vụ đối với quốc gia mà họ có quốc tịch. Nếu họ vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến hành vi đó và theo quy định nêu tại Điều 12 luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
"Vì thế, trường hợp của bị cáo Phan Văn Anh Vũ, pháp luật Việt Nam vẫn có thể xử lý hình sự, vì hành vi này thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); hiện nay được quy định tại Điều 5 và Điều 6 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)", LS Khương nhận định.
Tương tự, LS Nguyễn Tri Đức, Đoàn LS TP.HCM cho rằng, người có 2 hay nhiều quốc tịch, người không có quốc tịch và kể cả người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều bị xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam. Các cơ quan chức năng được toàn quyền thực hiện các quy định của pháp luật để tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các đối tượng nói trên khi phạm tội mà không bị bất cứ trở ngại nào liên quan đến vấn đề quốc tịch thứ hai của đối tượng phạm tội như trường hợp bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
"Khi một người phạm tội đồng thời có hai quốc tịch thì được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế (theo Điều 12 luật Quốc tịch Việt Nam)", LS Trần Tấn Tài thông tin thêm.