Không thể nộp nhầm
Cụ thể, tại biên bản làm việc của Cục A83 (Bộ Công an) với GS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) ngày 13/8/2013 có ghi nhận một số thông tin liên quan đến cuốn luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế.
Theo nội dung biên bản, GS.TS Nguyễn Văn Nam cho biết: Năm 2003, GS Nam là Chủ tịch Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Cuốn luận án của ông Quế nộp cho các thầy trong hội đồng đều được đóng bìa cứng vì đây là nguyên tắc đối với nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu và do chuyển phòng làm việc nhiều lần, GS.TS Nguyễn Văn Nam chưa tìm thấy cuốn luận án gốc của ông Hoàng Xuân Quế năm 2003.
Ngoài ra, biên bản có ghi: “Theo quan điểm của GS Nguyễn Văn Nam, việc ông Quế cho rằng, đã nộp nhầm cuốn luận án tại Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là không đúng. Vì luận án tiến sĩ là một công trình khoa học phải có sự nghiên cứu công phu, chuẩn bị chu đáo nên không được phép có sự nhầm lẫn như vậy. Theo GS Nam, luận án tiến sĩ là một sản phẩm khoa học đáng trân trọng nhất của một nhà khoa học, cho nên không thể nộp nhầm được”.
Quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký theo phân công quản lý trong lãnh đạo Bộ. Quyết định này cũng được ban hành theo đúng Quy định quản lý văn bằng, chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/12/2002 của Bộ trưởng GD&ĐT. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 12 quy định: “Cấp có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ nào thì có quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ đó”. Hiện nay, Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng tiếp tục quy định: “Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì có trách nhiệm thu hồi và hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ” (theo Khoản 2, Điều 22).
Trước đó, tại biên bản làm việc giữa Phòng 5 Cục A83 (Bộ Công an) với ông Lê Thanh Huy - con trai PGS.TS Lê Đình Hợp (PGS.TS Lê Đình Hợp là phản biện 2 trong hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế) có ghi: Khoảng trưa ngày 26/6/2013, ông Hoàng Xuân Quế đi một mình đến nhà ông Lê Thanh Huy tại địa chỉ 116A, đường Võ Thị Sáu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại đây, ông Hoàng Xuân Quế có nói cho xin lại cuốn luận án tiến sĩ do ông Quế thực hiện mà PGS.TS Lê Đình Hợp là phản biện 2. Sau đó, ông Lê Thanh Huy đã gọi điện cho PGS.TS Lê Đình Hợp (bố của ông Huy) và được PGS đồng ý.
“Sau khi vào nhà, tôi và anh Quế (lúc đó đi tay không, không mang theo túi hoặc cặp sách) cùng lên tìm lại giá sách của gia đình trên tầng 4. Sau một hồi không tìm thấy, tôi đã để anh Quế tự tìm và đi xuống nhà. Một lát sau, anh Quế nói đã tìm thấy cuốn luận án và nói mượn lại vì có một số việc cần. Anh Quế đã đự đọc nội dung và đề nghị tôi xác nhận cuốn luận án và việc cho anh Quế mượn lại luận án; đồng thời đề nghị ký xác nhận vào một số trang trong cuốn luận án (các trang này do anh Quế tự lật và bảo tôi ký vào). Kể từ ngày lấy lại cuốn luận án, anh Quế không còn liên lạc gì với tôi nữa” - ông Lê Thanh Huy thuật lại trong biên bản làm việc với Công an A83.
Cũng theo ý kiến của ông Lê Thanh Huy (được viết trong biên bản), trong quá trình bàn giao cuốn luận án cho ông Hoàng Xuân Quế, ông Huy không để ý gì đến nội dung trong luận án và chỉ ghi xác nhận và ký vào một số trang trong cuốn luận án.
|
Rộng đường dư luận
Trước đó, Báo Giáo dục & Thời đại đã có bài viết phản ánh về kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đối với ba cuốn luận án mà ông Hoàng Xuân Quế cung cấp. Bộ GD&ĐT cho biết, ba cuốn luận án này có một số điểm không đúng quy định, không có sự đồng nhất và không đủ sự tin cậy.
Cụ thể như sau: Hai cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng, trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng; Một cuốn có 180 trang, hai cuốn còn lại có 179 trang; Lề một số trang của ba cuốn luận án và số lỗ ghim ở các trang trong ba cuốn luận án không đồng nhất; Một số trang sử dụng phông chữ Times New Roman, trong khi quy định của Bộ phải sử dụng phông chữ VnTime (Roman). Những trang này có số lỗ ghim khác số lỗ ghim tại các trang liền kề và trùng với các trang mà Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Kinh tế kết luận là sao chép.
Bộ GD&ĐT khẳng định, Quyết định số: 4674/QĐ-BGDĐT về việc thu hồi bằng tiến sĩ ngành kinh tế của ông Hoàng Xuân Quế đã được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trình ký theo đúng thủ tục hành chính, đúng quy định tại Điều 20, Thông tư số 01/2009/TT- TTCP ngày 15/12/2009 của Thanh tra chính phủ về Quy trình giải quyết tố cáo.
Cụ thể, Theo Điểm b Khoản 1 Điều này quy định: Ngay sau khi có kết luận về nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải căn cứ kết quả xác minh, kết luận nội dung tố cáo để xử lý như sau: Trường hợp đã có kết luận về hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về nhiệm vụ, công vụ thuộc thẩm quyền xử lý của người giải quyết tố cáo thì tiến hành các thủ tục theo quy định để ban hành Quyết định xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, Quyết định áp dụng các biện pháp khác để xử lý hành vi vi phạm, buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật.