Theo nhiều chuyên gia, có lẽ kết quả cuộc đảo chính sẽ hoàn toàn khác nếu như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không nhanh trí dùng ứng dụng FaceTime trên iPhone để kêu gọi người dân ra đường biểu tình chống phe đảo chính. Sau khi được liên lạc, người dẫn chương trình của đài CNN tiếng Thổ đã giơ chiếc điện thoại bắt cuộc gọi FaceTime của ông Erdogan ra trước ống kính máy quay, phát sóng trên toàn quốc. Ngay sau đó, quân đảo chính đã ập tới trụ sở của kênh CNN tiếng Thổ và buộc đài này phải đóng cửa trường quay.
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng dùng Twitter để gửi thông điệp của mình. Bản đồ thời gian thực (real time) của Facebook cũng được kích hoạt để người dân từ mọi nơi trên đất nước truy cập xem trực tuyến, bao quát tình hình đang diễn ra.
Hình ảnh Tổng thống Erdogan xuất hiện trên màn hình Facetime kêu gọi toàn dân đồng lòng đánh chặn đảo chính.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan, cả triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ra ngoài, tìm mọi cách để chặn xe tăng quân đảo chính rầm rập chạy trên đường phố. Họ vây quanh xe tăng, lôi binh sĩ lái xe tăng ra ngoài. Có người thì ném đá, người lại liều lĩnh dùng thân mình chặn xe tăng. Đảo chính đã thất bại và hình ảnh Tổng thống Erdogan nói qua FaceTime đã trở thành một trong những hình ảnh biểu tượng trong đêm.
Trước đây, khi muốn công bố một vấn đề nghiêm trọng hay truyền tải thông điệp kêu gọi toàn dân chống binh biến, các lãnh đạo đều xuất hiện trên truyền hình. Ngày nay, khi mạng xã hội lên ngôi, truyền hình không phải là lựa chọn duy nhất, đặc biệt là trong bối cảnh của Thổ Nhĩ Kỳ hôm đảo chính.
Khi các đài truyền hình bị đánh chiếm bất ngờ và chóng vánh, Tổng thống Erdogan không còn cơ hội tới các đài phát sóng. Nhiều kênh truyền hình trong đêm đảo chính đã phải ngừng hoạt động do trụ sở làm việc bị binh sĩ phe nổi dậy giành quyền kiểm soát. Đây được coi là một chiến lược khôn ngoan của thành phần đảo chính. Xét về mặt bản chất, đảo chính không phải là một cuộc cách mạng. Các cuộc đảo chính phụ thuộc vào diễn biến chiếm đóng và chuyển giao quyền lực càng nhanh càng tốt. Bên cạnh đó, đảo chính không thể hiện mong muốn của đa số dân thường, đảo chính chỉ là hành động chiếm quyền lực của một bộ phận. Việc giành quyền kiểm soát kênh truyền hình truyền thống giúp phe đảo chính ngăn chặn nguy cơ lãnh đạo đất nước liên lạc với toàn dân, ít nhất trong giờ khắc chuyển giao quyền lực quan trọng. Tuy nhiên, phe này đã không lường được tình huống FaceTime.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, ông Andrew Selepak - Giám đốc chương trình thạc sĩ mạng xã hội tại Đại học Florida - nhận định: “Twitter và mạng xã hội đã thành công trong ngăn chặn đảo chính”. Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, có thể nói mạng xã hội đã giúp ông Erdogan lật ngược thế cờ.
Hành động kêu gọi qua FaceTime tạo cảm giác gần gũi, chân thật với người dân. Họ cũng được trấn an khi xem một loạt tin nhắn trên Twitter, khẳng định chính phủ đang kiểm soát tình hình cho dù các đường phố tràn ngập hình ảnh bạo loạn đẫm máu.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, đã nhiều lần cả thế giới chứng kiến những sự kiện mà các hình thức liên lạc truyền thống bị cắt đứt và mạng xã hội trở thành một công cụ quan trọng. Gần đây nhất có cuộc biến động chính trị như Mùa xuân Arab năm 2010 và biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) năm 2014.