Vụ khám bảo hiểm y tế 2 tháng 80 lần: Chuyển hồ sơ sang Công an để điều tra

GD&TĐ - Trưa 24/3, Cơ quan bảo hiểm xã hội TPHCM đã phát đi thông tin về việc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ vụ việc một bệnh nhân khám bệnh bảo hiểm y tế 80 lần trong 2 tháng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, qua số liệu cập nhật trên Hệ thống Thông tin Giám định bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội Tp.Hồ Chí Minh đã phát hiện trường hợp bệnh nhân tại Tp. Hồ Chí Minh đi khám chữa bệnh BHYT nhiều lần, có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT.

Qua đó, BHXH Tp. Hồ Chí Minh đã có thông báo tới Sở Y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh về nội dung này và đề nghị phối hợp rà soát, kiểm tra.

Cụ thể, bệnh nhân N.T.K. tại Tp. Hồ Chí Minh, đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Triều An. Từ ngày 01/01 đến 08/3/2021, bệnh nhân này có số lần khám chữa bệnh BHYT lên đến 80 lần, tổng kinh phí quỹ BHYT phải chi trả cho bệnh nhân này là hơn 60 triệu đồng.
Bệnh nhân K. đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại 18 bệnh viện khác nhau trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Gò Vấp (17 lần), Bệnh viện quận 7 (11 lần), Bệnh viện Thủ Đức (10 lần)…

Giám đốc BHXH Tp. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, ngoài việc kịp thời gửi thông tin cảnh báo tới Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh về việc có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT của bệnh nhân N.T.K để tránh hiện tượng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; BHXH Tp. Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh kịp thời thực hiện chuyển dữ liệu lên cổng tiếp nhận ngay sau khi kết thúc lần khám bệnh, hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú và nội trú của bệnh nhân; các cơ sở không phát sinh chi phí KCB BHYT trong ngày vẫn phải tuân thủ việc chuyển dữ liệu đúng quy định.

Ngay trong sáng nay (24/3), BHXH Tp. Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra làm rõ vụ việc, nhằm kịp thời cảnh báo để người tham gia chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về BHYT. 

Ông Phan Văn Mến cũng nhấn mạnh: Trong các văn bản pháp luật hiện hành về BHYT, không có quy định nào hạn chế số lần khám chữa bệnh của người tham gia. Trên thực tế, không phải trường hợp nào có số lượt khám chữa bệnh BHYT gia tăng đột biến cũng là trục lợi quỹ BHYT. Đơn cử, với những trường hợp mắc bệnh mãn tính,… trên cơ sở bệnh lý của người bệnh, theo chỉ định của bác sỹ, bệnh nhân có thể gia tăng số lượt KCB BHYT nhiều lần trong năm.

Nhưng đồng thời, qua Hệ thống Thông tin Giám định BHYT đã phát hiện những trường hợp bệnh nhân có số lượt khám chữa bệnh tăng đột biến; những trường hợp này qua kiểm tra, rà soát cho thấy có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT.

Đối với những trường hợp này, cần phải kiên quyết cảnh báo và xử lý nghiêm theo quy định, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT và sự nghiêm minh của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ