Vụ GS bị tố "gian lận trong nghiên cứu": Trường ĐH Bách khoa ĐHQGTPHCM lên tiếng

GD&TĐ - Trường ĐH Bách khoa -ĐH Quốc gia TPHCM đang lên lịch trong tuần này sẽ họp Hội đồng khoa học Khoa Kỹ thuật hóa học để xem xét vụ việc GS.TS Phan Thanh Sơn Nam- Trưởng khoa Hóa- bị tố "gian lận trong nghiên cứu".

GS.TS Phan Thanh Sơn Nam- Trưởng khoa Hóa - Trường ĐH Bách khoa TPHCM ( Ảnh: Facebook cá nhân)
GS.TS Phan Thanh Sơn Nam- Trưởng khoa Hóa - Trường ĐH Bách khoa TPHCM ( Ảnh: Facebook cá nhân)

Trường sẽ họp hội đồng khoa học trong tuần này 

Trao đổi với Báo GD&TĐ sáng 11/3,  PGS.TS Bùi Mai Hương - Trưởng phòng Quản trị thương hiệu - truyền thông, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, Nhà trường đang lên lịch để sớm họp Hội đồng Khoa học Khoa Kỹ thuật hóa học, nhằm xem xét sự việc liên quan đến GS.TS Phan Thanh Sơn Nam, người liên quan đến thông tin phản ánh "gian lận trong nghiên cứu".

PGS TS Mai Hương cho biết, qua thông tin trả lời trên mạng xã hội, Facebook trang cá nhân GS Nam, đây là thông tin liên quan đến thuần túy khoa học, kết quả khoa học đó là của nhóm GS Nam, không phải của nhóm nào khác. Khi gửi đăng thì phần trăm trích dẫn lại như thế nào là tùy vào ban biên tập của tạp chí  quyết định. Về phía GS Nam, thầy cho biết sẽ bổ sung thêm kết quả vào công trình đó. Nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến vấn đề chuyên môn, phải có Hội đồng khoa học chuyên môn kỹ thuật hóa học mới đánh giá được.

"Hôm nay, Nhà trường mới thông báo họp Hội đồng khoa học Kỹ thuật hóa học, ngay trong tuần này Nhà trường sẽ cố gắng họp Hội đồng khoa học để xem xét ý kiến về lĩnh vực chuyên môn. Phải có các chuyên gia, nhà khoa học có ý kiến chính xác về vụ việc, sau đó nhà trường mới có câu trả lời chính thức với báo chí", PGS Mai Hương nói.

Bà Mai cũng cho biết thêm, GS Nam đã có buổi làm việc với Trưởng phòng Khoa học công nghệ của trường. Bước tiếp theo là sẽ có buổi họp với Hội đồng khoa học Kỹ thuật hóa học để xem xét đánh giá về mức độ chuyên môn rồi mới đưa ra kết luận.

GS thừa nhận đây là “kinh nghiệm xương máu khi làm nghiên cứu”

Thông tin liên quan đến vụ việc của GS Nam xuất phát từ trên mạng xã hội. Ngay chiều 8/3, GS Nam đã chia sẻ, giải thích thông tin liên quan trên Facebook cá nhân. Theo đó GS đã lên tiếng thừa nhận sai sót trong một khâu làm thực nghiệm liên quan một số bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế.

GS Phan Thanh Sơn Nam xác nhận một số công bố của nhóm xảy ra tình trạng phần phụ lục (SI) của bài này có một số phổ NMR (phổ cộng hưởng từ hạt nhân, một phương pháp bổ sung quan trọng với hoá học hữu cơ) giống với NMR trong phần phụ lục của bài khác của chính nhóm này. Lỗi này chỉ xảy ra trong phần phụ lục - phần thông tin hỗ trợ cho bài báo chính, không phải phần chính của bài báo.

Ông cho biết nhóm nghiên cứu đang rà soát các bài đăng và hiện phát hiện có 4 bài bị lỗi này. Hiện nhóm đang đặt hóa chất lặp lại các thí nghiệm để có dữ liệu mới và cũng gửi thư xin tạp chí cho đăng bản đính chính cho phần phụ lục của 4 bài báo.

“Tùy theo tạp chí mà khi sai sót có yêu cầu đính chính hay không, tuy nhiên nhóm mình vẫn chủ động xin đính chính. Bất cứ phát hiện chỗ nào sai thì phải yêu cầu sửa hết. Trong khoa học sai một chút xíu cũng là sai”, GS Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, trong các bài này tác giả chính là người trực tiếp viết phần phụ lục. Sau đó, sẽ có một người hướng dẫn khác trong nhóm chịu trách nhiệm kiểm tra trước khi tới trưởng nhóm đọc lần cuối cùng. 

Trước đó, trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia có đăng tải bài viết liên quan đến GS Phan Thanh Sơn Nam, trong đó có nội dung tố ông gian lận kết quả nghiên cứu bằng cách tái sử dụng cùng một phổ cộng hưởng từ của cùng một lần đo cho nhiều kết quả khác nhau trong một số bài báo khác nhau không liên quan (xuất bản từ năm 2014-2020).

Trong bài viết chia sẻ trên trang cá nhân, GS Nam cho rằng đây là “kinh nghiệm xương máu khi làm nghiên cứu”. Ông Nam nhìn nhận: “Chuyện bài báo này có hình ảnh hay dữ liệu giống bài báo khác trong chính nhóm của mình, kể cả trong phần phụ lục, là sai. Xưa nay mình vẫn nhắc nhở học trò mình rằng chuyện này là sai. Nhóm mình đã sai thì phải tự sửa lại cho đúng”.

Ông Nam viết tiếp: “Với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu và là người có kiểm tra lần cuối bài báo, mình thành thật xin lỗi cộng đồng vì nhóm mình đã để xảy ra chuyện này. Cá nhân mình thành thật xin lỗi vì không đủ kiến thức và kỹ năng cũng như đã không tổ chức nhóm nghiên cứu thật tốt để ngăn chặn những lỗi nói trên. Cá nhân mình cũng thành thật xin lỗi vì đã không hướng dẫn học trò kỹ hơn nữa. Bao nhiêu bằng cấp, bao nhiêu kinh nghiệm, thì mình cũng cần phải học thêm cách làm việc cho nghiêm túc hơn nữa”.

Về hướng khắc phục trong tương lai, ông Nam cho biết sẽ phân công một tiến sĩ chịu trách nhiệm rà soát kiểm tra thật kỹ phần phụ lục của bài báo khi công bố. Ngoài ra, các nhóm nhỏ trong nhóm sẽ kiểm tra chéo với nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.