Vụ giết người phân xác chưa có lời giải ở Nhật Bản

GD&TĐ - Tháng 4/1994, cảnh sát tìm thấy 27 gói thi thể trong công viên Inokashira, Tokyo, từ đó mở ra cuộc điều tra vụ án mạng không có lời giải gần 30 năm.

Công viên Inokashira, nơi cảnh sát tìm thấy các mảnh thi thể của nạn nhân Kawamura.
Công viên Inokashira, nơi cảnh sát tìm thấy các mảnh thi thể của nạn nhân Kawamura.

Các mảnh thi thể rời rạc

Chân dung nạn nhân Seiichi Kawamura.

Chân dung nạn nhân Seiichi Kawamura.

Sáng sớm 24/4/1994, như thường lệ, một nữ lao công đến dọn thùng rác tại công viên Inokashira, thành phố Mitaka, nằm ở ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ở chiếc thùng đầu tiên, cô tìm thấy một túi rác màu đen được buộc chặt. Mở bên trong ra, cô nhìn thấy một ít thịt sống nên tưởng là cá sống và nhặt riêng về cho mèo ăn.

Sang đến thùng rác thứ 2, cô lại tìm thấy một chiếc túi màu đen. Thứ ở trong chiếc túi được cuốn bằng 4 lớp nilon. Sờ từ bên ngoài, vật bên trong khá mềm. Tưởng vẫn là cá sống, nữ lao công liền tháo các lớp quấn ra xem thử và vô cùng kinh sợ. Hóa ra, bên trong chiếc túi thứ hai là một bàn chân người.

Khi cảnh sát đến hiện trường, họ tìm thấy tổng cộng 27 phần thi thể nằm trong 7 thùng rác tại công viên Inokashira. Tổng trọng lượng khoảng 20 kg, trong đó chủ yếu là các bộ phận tay, chân và ngực, chiếm khoảng 30% cơ thể người.

Điểm đáng chú ý, tất cả các phần thi thể có kích thước bằng nhau và bằng khoảng 20 x 30 cm. Kích cỡ này phù hợp với miệng thùng rác nên cảnh sát nghi ngờ, trước đó, hung thủ đã đo kích thước thùng rác và phân mảnh thi thể dựa trên số đo này.

Trong các vụ án mạng, phân xác là phương pháp tiêu hủy bằng chứng tương đối an toàn nhưng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hung thủ đã không ngần ngại xẻ từng phần xương vốn rất rắn chắc của nạn nhân. Các phần thi thể được chia thành từng miếng vuông vắn.

Ngoài ra, không có giọt máu nào ở các phần thi thể hay các túi nilon đựng. Trên bề mặt túi, thậm chí là lòng bàn tay, lòng bàn chân nạn nhân, cũng không tìm thấy dấu vân tay, sợi vải là bằng chứng về sự tồn tại của hung thủ.

Với phương pháp phân xác và rút máu thi thể, cơ quan điều tra nhận định ban đầu hung thủ không chỉ có thủ đoạn tàn ác, man rợ, mà còn am hiểu kiến thức chuyên ngành pháp y hay y tế. Vì thi thể không toàn vẹn nên cảnh sát cũng không thể xác định danh tính nạn nhân. Cuộc điều tra đã rơi vào bế tắc ngay từ khi bắt đầu.

Hai ngày sau, ngày 25/4, một người phụ nữ đã đến đồn cảnh sát trình báo về việc chồng cô, Seiichi Kawamura, đã mất tích. Là kiến trúc sư, Kawamura đã không trở về nhà sau buổi liên hoan vào buổi tối ngày 21 cùng bạn bè.

Từ quần áo và vật dụng cá nhân của Kawamura, cảnh sát trích xuất ADN cho ra kết quả trùng khớp với thi thể. Từ đó, cơ quan điều tra xác định được danh tính của nạn nhân.

Mặc dù, cảnh sát đã biết nạn nhân là ai, nguyên nhân cái chết của Kawamura vẫn là một bài toán hóc búa. Mọi người xung quanh nhận xét chàng kiến trúc sư là người ôn hòa, không bao giờ gây hiềm khích với ai.

Kawamura đang làm chủ một công ty xây dựng hoạt động tốt, không nợ nần hay trốn thuế. Vợ chồng Kawamura đang nuôi dạy một cậu con trai 6 tuổi và một em bé sắp chào đời.

Những manh mối đáng ngờ

Thùng rác chứa các mảnh thi thể của nạn nhân Kawamura

Thùng rác chứa các mảnh thi thể của nạn nhân Kawamura

Trước khi xảy ra sự việc, vào tối 21/4, để ăn mừng một người bạn mới thăng chức, Seiichi Kawamura cùng bạn bè đi uống rượu tại một quán ăn trong khu phố Takadanobaba, Tokyo. Sau cuộc nhậu, cả nhóm kéo nhau đi hát karaoke rồi ra về vào khoảng 11 giờ đêm. Mọi người chia tay nhau ở ga Shinjuku, nơi gần quán ăn. Kể từ đó, Kawamura biến mất.

Cũng trong tối 21/4, người dân sống gần công viên Inokashira kể đã nghe thấy âm thanh của một vụ tai nạn ô tô nhưng cảnh sát không nhận được bất kỳ trình báo nào vào thời điểm đó.

Qua kiểm tra, xương của Kawamura không có dấu hiệu bị tổn thương nên cảnh sát kết luận nạn nhân không gặp phải va chạm mạnh trước đó. Điều này cũng loại bỏ khả năng nạn nhân gặp tai nạn xe hơi.

Qua việc phân tích các thành phần có trong xương, Kawamura cũng không bị đầu độc đến chết. Do máu trong cơ thể cũng đã bị rút hết nên không thể xuất hiện vết thi thể và không thể xác định trước khi chết, nạn nhân có bị đánh hay bị ngạt thở không.

Vết thương duy nhất trên người Kawamura là một vết cắt dưới xương sườn nhưng không bị thương vào xương mà chỉ chảy máu nên không gây tử vong. Qua cả điều tra lẫn phân tích, cảnh sát vẫn không thể tìm ra nguyên nhân cái chết của nạn nhân.

Tuy nhiên, khi đào sâu phân tích vụ án, cảnh sát nhận thấy nhiều điểm đáng ngờ. Bốn manh mối lần lượt được đặt lên bàn phá án.

Đầu tiên là phương pháp đóng gói các mảnh thi thể trong túi nhựa. Mỗi bọc thi thể đều được quấn bốn lớp túi. Hai lớp bên trong được bọc trong túi nhựa trong mờ có lỗ; hai lớp bên ngoài là túi nilon màu đen đục.

Đây là phương pháp đóng gói khá phổ biến trong các chợ cá tại Nhật Bản nên cũng là lý do ban đầu, nữ lao công nhầm gói bọc thi thể với gói chứa cá sống.

Ngoài ra, 27 bọc phân xác nhưng mới chỉ chiếm 30% thi thể. Cảnh sát vẫn chưa thể tìm ra những phần thi thể còn lại hay cách hung thủ xử lý những phần này.

Thứ hai, cảnh sát nhận định thông qua phân tích pháp y rằng công cụ được sử dụng để phân xác phải là thiết bị bằng gỗ, đơn cử như cưa cố định trên bàn chế biến gỗ.

Hung thủ không thể sử dụng cưa máy cầm tay như những kẻ giết người trong các bộ phim thông thường. Việc sử dụng cưa trên bàn gỗ có thể lý giải vì sao hắn ta có thể phân xác thi thể trơn tru, vuông vức với những đường cắt ngọt như vậy.

Tuy nhiên, nhược điểm của thiết bị này là tiếng ồn phát ra rất lớn, có thể kinh động mọi người xung quanh nên hung thủ có thể sẽ không chọn thủ tiêu xác nạn nhân vào ban đêm. Nhưng thật khó tưởng tượng cảnh hung thủ trắng trợn phân xác thi thể vào ban ngày, hơn nữa là tại thủ đô Tokyo.

Liên quan đến hiện trường phân xác, cảnh sát đặt ra nghi ngờ thứ ba về việc hút và rửa sạch tất cả máu của nạn nhân. Đây là một việc hoàn toàn không thể thực hiện trong các gia đình bình thường bởi nó không chỉ cần không gian lớn, mà còn tốn rất nhiều nước để rửa sạch và cọ rửa.

Từ manh mối này, cảnh sát đã lục soát tất cả các nhà máy sản xuất thực phẩm và thủy sản gần Kichijoji nhưng không thu được kết quả gì.

Vì vậy, họ quay ra phân tích thời gian mất tích của nạn nhân cũng là manh mối thứ 4. Từ lần cuối cùng Kawamura được nhìn thấy và thời điểm phát hiện ra thi thể cách nhau khoảng 30 giờ. Để xử lý thi thể gọn gàng trong thời gian này cần rất nhiều kiến thức chuyên môn, thậm chí là cần sự hỗ trợ của nhiều người.

Các vết đứt gãy trên các mảnh thi thể cũng cho thấy những khác biệt tinh tế. Phân tích từ mặt cắt ngang, các nhà chức trách nghi ngờ có ít nhất 3 người tham gia xử lý thi thể. Vì vậy, cái chết của Kawamura có thể gây ra bởi một băng đảng tội phạm.

Như vậy, dù thu thập được rất nhiều manh mối nhưng vụ án của Kawamura vẫn không hề có tiến triển. Vụ án này cũng trở thành một trong những vụ án chưa có lời giải nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Đến nay, có ba giả thuyết phổ biến và có vẻ hợp lý nhất về vụ án.

Vụ án rơi vào ngõ cụt

Giáo phái Aum Shinrikyo.

Giáo phái Aum Shinrikyo.

Giả thuyết đầu tiên có liên quan đến vụ tai nạn ô tô. Mặc dù, cảnh sát đã loại trừ phương án này nhưng dựa trên lời khai của những nhân chứng sống gần công viên, nhiều người vẫn tin rằng, Kawamura đã gặp tai nạn xe hơi.

Kẻ tấn công Kawamura có thể là thành viên của một băng đảng ngầm. Do đó, việc kêu gọi thêm 2 hay 3 người nữa tham gia vào việc xử lý thi thể không khó.

Cùng thời điểm này, giáo phái Aum Shinrikyo đang phổ biến tại Nhật Bản. Năm 1994, giáo phái này có gần 10.000 tín đồ. Một năm sau đó, họ đã thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trên tàu điện ngầm Tokyo gây chấn động toàn cầu. Do đó, giả thuyết thứ 2 là vợ chồng

Kawamura đã tham gia vào giáo phái Aum Shinrikyo nhưng sau đó quyết định rời bỏ nên bị giáo phái đe dọa và ám sát. Vì số lượng thành viên của giáo phái vô cùng hùng hậu và rất cuồng tín nên việc xuống tay với những kẻ mà họ cho là phản bội giáo phái là dễ hiểu.

Thậm chí, trước đó đã có nhiều trường hợp các cựu tín đồ của Aum Shinrikyo bị giết vì rời bỏ giáo phái.

Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa giáo phái Aum Shinrikyo và gia đình Kawamura. Phía giáo phái cũng không đưa ra bất kỳ phát ngôn nào liên quan đến vụ án.

Giả thuyết khác là Kawamura đã dính líu đến một vụ án gián điệp. Khu vực Kichijoji là nơi tập trung của nhiều người lao động nhập cư bất hợp pháp và là một trong những khu vực bị đánh giá thấp tại Tokyo.

Thời điểm xảy ra vụ án, A (nhân vật giấu tên) có ngoại hình gần giống với Kawamura thường bán hàng rong ở quanh Kichijoji. Anh thường tranh giành vị trí ngồi với người nước ngoài nên nhiều lần bị những thanh niên này đe dọa.

Lâu dần, mỗi khi A bán hàng, luôn có một vài thanh niên nước ngoài này nhìn chằm chằm và đi theo anh như một kiểu theo dõi. Trong khi đó, quầy hàng của những thanh niên này thì chẳng có hoạt động mua bán bao giờ nhưng vẫn đầy người ra vào, dáng vẻ lén lút.

Do đó, người dân địa phương đoán rằng gian hàng này chỉ là vỏ bọc cho hoạt động ngầm phía sau và A đã vô tình rơi vào tầm ngắm của bọn chúng. Lo sợ cho an toàn của bản thân, A quyết định thu dọn hàng hóa, trở về quê.

Ít lâu sau, vào tháng 4/1994, A tình cờ biết đến vụ án của Kawamura khi các phương tiện truyền thông đưa tin. Khi nhìn thấy hình ảnh của nạn nhân trên TV, A không khỏi toát mồ hôi lạnh vì người này nhìn “rất giống anh”. Giờ anh đã hiểu vì sao năm xưa, nhiều người qua lại quầy hàng của A đã gọi nhầm tên anh là Kawamura.

Chia sẻ với báo chí, A suy đoán có lẽ nhóm thanh niên kia đã nhầm anh với Kawamura và ra tay với Kawamura. Thời điểm đó, mọi người không chỉ phủ nhận, mà còn châm biếm suy đoán của A nhưng sau này họ đã phải suy nghĩ lại. Sau sự việc, A quyết định rời nhà đi biệt tích nhưng vài năm sau, cả gia đình anh đã bị sát hại. Chỉ còn mình anh là người may mắn sống sót.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ