Vụ gian lận điểm thi Kỳ thi THPT quốc gia: Buộc thôi học nếu điểm thật thấp hơn điểm chuẩn

GD&TĐ - Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia, ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết: Sở đã có thông báo kết quả đến các thí sinh trong diện chấm thẩm định và gửi danh sách thí sinh về các trường đại học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám nơi ở của ông Nguyễn Khắc Tuấn - người đã bị khởi tố vì nâng điểm cho thí sinh ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình. Ảnh: Công Luân/Người đưa tin
Cơ quan điều tra thực hiện lệnh khám nơi ở của ông Nguyễn Khắc Tuấn - người đã bị khởi tố vì nâng điểm cho thí sinh ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình. Ảnh: Công Luân/Người đưa tin

Rất khó để tuyển sinh thêm

Ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, sau khi chấm thẩm định theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở đã có danh sách điểm thi thật của 64 thí sinh liên quan đến gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong số đó, một thí sinh không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Theo đó, Sở đã xử lý theo quy định và đúng thẩm quyền của mình.

Cũng theo ông Bùi Trọng Đắc, Sở đã thông báo kết quả chấm thẩm định cho các thí sinh. Đồng thời gửi danh sách kết quả này về các trường đại học theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. “Hiện chúng tôi mới gửi cho các trường khối Công an và Cục Đào tạo của Bộ Công an. Các trường còn lại, chúng tôi đang phối hợp để làm” - ông Đắc nêu rõ.

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, sẽ thực hiện đúng quy chế của Bộ GD&ĐT nếu có sinh viên là thí sinh nằm trong danh sách vụ gian lận điểm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Khi được hỏi, nhà trường có tuyển sinh bổ sung những thí sinh có điểm lân cận không may bị mất cơ hội trúng tuyển, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết: Nhà trường sẽ xem xét số đó nhiều hay ít. Về mặt kỹ thuật thì rất khó xét thêm thí sinh, bởi lẽ điểm cắt của đại học khác. Một đường cắt có thể thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm sinh viên vào trường nên rất khó cho các trường. Mặt khác hiện nay, các em đã học qua một năm rồi, nếu có vào trường cũng không thể nào theo được năm học này. Vì vậy nhà trường sẽ cân nhắc việc này để bảo đảm quyền lợi cho người học.

Xử lý theo đúng quy định

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định sẽ xử lý theo đúng quy định nếu nhận được danh sách kết quả điểm thi thật của thí sinh ở Hòa Bình sau khi chấm thẩm định, nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Tuy nhiên, theo PGS Hoàng Minh Sơn, hiện nay nhà trường vẫn chưa nhận được danh sách điểm thi thật của các thí sinh ở Hòa Bình trong diện phải chấm thẩm định nên chưa biết có hay không những sinh viên này. Giả sử có sinh viên trong diện phải chấm thẩm định, sau khi có kết quả, nếu điểm thi thật thấp hơn so với điểm chuẩn đầu vào, nhà trường sẽ đối chiếu với quy chế để xử lý. Những thí sinh đó sẽ không tiếp tục được theo học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Phần nhiều là các thí sinh không có lỗi. Trong công tác tổ chức cần rút kinh nghiệm để có sàng lọc về mặt kỹ thuật một cách tối đa, đảm bảo công bằng cho thí sinh. Thứ nữa là những người vi phạm cũng đỡ bị tổn thất về tiền bạc, thời gian và nhà trường cũng không có sự xáo trộn” 
GS.TS Nguyễn Hữu Tú  

PGS Hoàng Minh Sơn nêu rõ, sẽ không tuyển bổ sung bởi khi đưa ra điểm chuẩn, nhà trường không chỉ căn cứ vào chỉ tiêu mà còn có một số yếu tố khác. Khi tuyển sinh nhà trường cũng lấy dôi dư một chút so với dự định cần tuyển. Vì thế, một vài trường hợp vì nhiều lý do khác nhau mà không tiếp tục theo học thì cũng không ảnh hưởng đến số lượng sinh viên của nhà trường.

Trước đó, từ kết quả điều tra, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an và chiếu theo Quy chế thi hiện hành, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định các bài thi. Kết quả cho thấy, có 64 thí sinh (trong đó 63 thí sinh của năm 2018 và 1 thí sinh của năm 2017) có điểm chấm thẩm định giảm hơn so với điểm đã công bố. 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm đã bị thay đổi điểm; trong đó môn điểm bị giảm nhiều nhất là 9,25 điểm; có thí sinh sau khi chấm thẩm định bị giảm điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm. Đây là sự can thiệp làm sai lệch kết quả thi nghiêm trọng và người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là những thí sinh này; cùng với đó là hiệu ứng rất không tốt trong xã hội.

Trả lời báo chí về tiêu cực thi cử tại Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Không có vùng cấm trong xử lý tiêu cực thi cử. Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phương thức xử lý. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an và chiếu theo quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi, được sử dụng thay thế cho kết quả thi THPT quốc gia 2018 của các thí sinh liên quan đã công bố vào tháng 7/2918. Kết quả này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, GD nghề nghiệp tuyển sinh.

Cũng theo ông Mai Văn Trinh, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả chấm thẩm định nói trên của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi; tiến hành xét công nhận tốt nghiệp lại; thông báo đến các trường ĐH, CĐ trong hệ thống mà các thí sinh liên quan đang theo học để xử lý theo quy định. Bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), Cục Đào tạo (Bộ Công an) và các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên để nắm bắt thông tin, chủ động liên hệ với Sở GD&ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả chấm thẩm định của các thí sinh nói trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.