Vụ Ethanol Phú Thọ: Vì sao toà bác kháng cáo của Công ty Mai Phương

GD&TĐ - Tòa phúc thẩm cho rằng PVC là công ty Nhà nước nên khu đất do Trịnh Xuân Thanh mua tại Tam Đảo bằng tiền của doanh nghiệp này phải được trả lại.

Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.
Các bị cáo tại tòa phúc thẩm.

Yêu cầu bồi thường thay của chủ sở hữu khu đất hiện nay không có căn cứ chấp nhận.

Ông Đinh La Thăng không kháng cáo

Ngày 29/9, sau 3 ngày xét xử, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm vụ “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” gây thất thoát 543 tỷ đồng tại dự án nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.

Phiên tòa từng phải hoãn 2 lần do vướng dịch Covid-19. Trước đó, ngày 15/3, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm thể hiện, Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ và cho mời thầu xây dựng.

Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) lập liên danh đấu thầu nhưng bị từ chối vì không đủ khả năng. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch PVC xin được chỉ định thầu và ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch PVN, cũng tác động để PVC được chỉ định thầu. Nhờ vậy, liên danh của PVC thi công dự án nhưng năm 2013 phải dừng vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh còn lợi dụng chức vụ để dùng tiền của PVC mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, gây thiệt hại hơn 13,2 tỷ đồng cho PVC.

Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Đinh La Thăng 11 năm tù, tổng hợp 30 năm tù trong các vụ án trước bằng 30 năm tù (đây là mức án có thời hạn cao nhất với một người). Ngoài ra, bị cáo Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng GĐ PVB bị phạt 6 năm tháng tù; Trần Thị Bình - nguyên Phó Tổng GĐ PVN 36 tháng tù treo; Phạm Xuân Diệu - nguyên Tổng GĐ PVC 3 năm 6 tháng tù; Nguyễn Ngọc Dũng - nguyên Phó Tổng GĐ PVC 3 năm tù; Đỗ Văn Quang - nguyên Trưởng ban Kinh tế PVC 28 tháng tù; Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Phó phòng Đầu tư PVB 30 tháng tù; Khương Anh Tuấn - nguyên Phó phòng Thương mại PVB 30 tháng tù; Lê Thanh Thái - nguyên Trưởng phòng Kinh doanh PVB 24 tháng tù; Hoàng Đình Tâm - nguyên Kế toán trưởng PVB 30 tháng tù.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên 18 năm tù trong vụ án này, tổng hợp án cũ bằng chung thân. Đỗ Văn Hồng - nguyên Chủ tịch PVC Kinh Bắc nhận 4 năm tù, cộng 13 năm tù đã tuyên trong vụ Xơ sợi Đình Vũ bằng 17 năm tù. Về dân sự, ông Thăng phải bồi thường 200 tỷ đồng, Trịnh Xuân Thanh hơn 143 tỷ đồng, Vũ Thanh Hà 100 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại và hai đồng phạm khác không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do mắc bệnh hiểm nghèo mỗi người bồi thường 10 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm cũng cho rằng, khu đất tại Tam Đảo do Trịnh Xuân Thanh phạm tội mà có nên chủ sở hữu hiện nay là Công ty Mai Phương phải trả lại khu đất cho PVC.

Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án.
Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án.

Xin bồi thường thay

Sau phiên sơ thẩm, ông Đinh La Thăng không kháng cáo; Trịnh Xuân Thanh ban đầu kháng cáo toàn bộ bản án nhưng đã rút đơn. Có hai bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt và miễn trách nhiệm dân sự là Vũ Thanh Hà và Phạm Xuân Diệu. Ba bị cáo hiện đã chấp hành hết thời hạn án tù, kháng cáo xin miễn trách nhiệm dân sự gồm Nguyễn Xuân Thủy, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm. Riêng Lê Thanh Thái xin được hưởng án treo và miễn trách nhiệm dân sự.

Trong đơn kháng cáo, các bị cáo đưa ra các tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo... Họ cũng mong cấp phúc thẩm xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, điều kiện nhận thức chưa đầy đủ để chấp nhận giảm nhẹ hình phạt hoặc trách nhiệm dân sự.

Trong vụ, cơ quan tố tụng xác định Công ty Mai Phương được Trịnh Xuân Thanh thành lập, nhờ bố đẻ đứng tên chủ sở hữu kiêm người đại diện theo pháp luật. Công ty Mai Phương và khu đất sau đó được bán lại, Giám đốc hiện nay là ông Kiều Đào Lâm. Doanh nghiệp này kháng cáo, cho biết không đồng ý giao khu đất cho PVC vì họ mua bán ngay tình.

Tại tòa, ông Kiều Đào Lâm, xin bồi thường thay Trịnh Xuân Thanh khoản hơn 13 tỷ đồng cho PVC để giữ lại khu đất. Vị này trình bày: “Nếu được tòa chấp thuận, tôi xin thu xếp bồi thường ngay để tôi và Công ty Mai Phương được giữ lại quyền sử dụng mảnh đất 3.400m2 ở Tam Đảo và duy trì hoạt động”.

Theo ông, Trịnh Xuân Thanh chỉ gây thiệt hại hơn 13 tỷ đồng nhưng giá trị khu đất lớn hơn rất nhiều. Từ năm 2016, ông Lâm mua lại khu đất này với giá 45 tỷ đồng. Tòa án hỏi có đồng ý cho ông Lâm bồi thường thay, đại diện PVC cho biết không thể tự quyết nhưng cho hay, PVC mong muốn được: “Bồi thường sớm và đúng quy định”.

Bác kháng cáo

Được trình bày quan điểm, đại diện viện kiểm sát cho rằng, án sơ thẩm đã tuyên “có lợi” cho các bị cáo nên không thể giảm nhẹ trách nhiệm cho họ. Về khu đất tại Tam Đảo, viện kiểm sát cho rằng, nó được Trịnh Xuân Thanh mua bằng tiền của PVC.

Do đó, PVC là chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất trên, cấp sơ thẩm tuyên trả lại doanh nghiệp này là phù hợp. Vì vậy, kháng cáo của Công ty Mai Phương không có căn cứ chấp nhận.

Sau nghị án, thẩm phán Võ Hồng Sơn thay mặt Hội đồng xét xử tuyên, các bị cáo đều là người có năng lực và quyền hạn, giữ vị trí chủ chốt quan trọng trong tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, được tin tưởng giao cho quản lý vốn và tài sản quốc gia.

Các bị cáo chấp nhận cho PVC được chỉ định thầu dù biết doanh nghiệp này không đủ năng lực. Việc này khiến dự án Ethanol Phú Thọ dang dở đến nay, gây thiệt hại 543 tỷ đồng. Cấp sơ thẩm tuyên án hợp lý, đúng quy định nên không có căn cứ giảm nhẹ hình sự hoặc dân sự cho các bị cáo. Do đó, tòa phúc thẩm bác tất cả kháng cáo.

Kháng cáo của Công ty Mai Phương cũng bị bác. Lý do, mảnh đất tại Tam Đảo được mua bằng tiền của PVC rồi sử dụng trái pháp luật. PVC là công ty cổ phần có vốn của Nhà nước nên mảnh đất 3.400m2 là tài sản của Nhà nước. Tòa sơ thẩm tuyên PVC có quyền quản lý, sử dụng là hợp lý; yêu cầu bồi thường thay Trịnh Xuân Thanh để giữ lại khu đất không có căn cứ chấp nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.