Vụ DongABank tiếp tục Truy tố ông Trần Phương Bình và thuộc cấp

GD&TĐ - Nhóm lãnh đạo Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) có quan hệ làm ăn và còn được nữ Giám đốc Công ty An Phát giúp che giấu số vàng bị thất thoát.

Trước vụ án này, ông Trần Phương Bình đã nhận 2 án tù chung thân
Trước vụ án này, ông Trần Phương Bình đã nhận 2 án tù chung thân

Do đó, họ chỉ đạo cấp dưới giải ngân nhanh, sai quy định cho người này dù tài sản bảo đảm không có giá trị pháp lý.

Nhờ quan hệ để vay tiền

Viện KSND TP Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ án thất thoát 184 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Tất cả bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng” theo Khoản 4, Điều 206 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.

Các bị can gồm Trần Phương Bình – nguyên Giám đốc DAB; Nguyễn Thị Kim Xuyến – nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB; Trần Đạo Vũ - nguyên Phó Tổng DAB kiêm Giám đốc chi nhánh Hà Nội; Lương Ngọc Quý – nguyên Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội; Nguyễn Thị Kim Đường - nguyên Phó Giám đốc DAB Chi nhánh Hà Nội; Nguyễn Thị Ngọc Anh, Võ Thị Bạch Hương, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thị Phương - đều nguyên nhân viên DAB chi nhánh Hà Nội; Phan Thúy Mai, cựu Giám đốc Công ty đầu tư và du lịch An Phát.

Theo cáo trạng, Công ty An Phát của Mai làm chủ đầu tư dự án bất động sản Đồi 79 mùa xuân tại huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Mai có quan hệ thân thiết với Ban Giám đốc DAB nên đề xuất vay tiền để chi cho dự án.

Từ năm 2007 đến 2014, Phan Thúy Mai đã lợi dụng quan hệ để vận động lãnh đạo Ngân hàng Đông Á chỉ đạo chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh các khoản vay, bỏ qua quy trình thẩm định tài sản. Nữ giám đốc còn làm giả tài liệu để giao dịch, lấy tài sản không đủ điều kiện mang đi thế chấp.

Cơ quan truy tố làm rõ, Phan Thúy Mai đã vay hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng Đông Á qua 19 hợp đồng. Lần đầu tiên vào tháng 5/2007, khi Mai được Trần Thị Kim Xuyến giới thiệu đến DAB chi nhánh Hà Nội vay tiền. Dù là lần đầu có quan hệ tín dụng với Công ty An Phát nhưng Xuyến với tư cách Phó Tổng Giám đốc đã gây sức ép, buộc chi nhánh Hà Nội giải ngân nhanh.

Ông Trần Phương Bình cũng phê duyệt việc cho vay dù thực tế, nhóm cấp dưới không thực hiện thủ tục công chứng và giao dịch đảm bảo. DAB chi nhánh Hà Nội cho Công ty An Phát vay 53 tỷ đồng, số tiền này được Mai dùng để trả nợ Ngân hàng VIB, nộp thuế đất và chi hoạt động của doanh nghiệp.

Vay mới trả nợ cũ

Bị can Phan Thúy Mai tại phiên tòa ở Hà Nội năm 2017
Bị can Phan Thúy Mai tại phiên tòa ở Hà Nội năm 2017

Tháng 1/2008, Mai tiếp tục vay tiền DAB chi nhánh Hà Nội để có nguồn trả lãi các khoản vay trước và dùng cho hoạt động của Công ty An Phát. Lần này, nhóm cán bộ DAB phê duyệt, cấp tín dụng cho An Phát vay 15 tỷ đồng dù không có tài sản đảm bảo.

Tại hợp đồng này, Viện kiểm sát xác định Phòng công chứng số 2 tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện công chứng hợp đồng vay dù không có tài liệu thể hiện sự thống nhất của đại hội đồng cổ đông Công ty An Phát, chỉ có biên bản họp của Hội đồng quản trị. Biên bản này được xác định do Phan Thúy Mai làm giả.

Cũng trong năm 2008, Mai chuyển trái phép 2 nền đất biệt thự từ sở hữu của Công ty An Phát sang tên mình và dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi vay 10 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á.

Số đất này bị xác định là tài sản do phạm tội mà có nhưng sau đó, Mai còn dùng để vay tiền, đảo nợ tại chính DAB. Năm 2009, Mai tiếp tục sử dụng biên bản họp Hội đồng quản trị giả của Công ty An Phát để ký nhiều hợp đồng vay vốn tại Ngân hàng Đông Á với số tiền 139 tỷ đồng.

Số tiền này chủ yếu được dùng để trả nợ, lãi của Mai và Công ty An Phát cho chính Ngân hàng Đông Á hoặc doanh nghiệp khác, chỉ có một phần được dùng đúng mục đích là đầu tư dự án bất động sản.

Năm 2011, cổ đông trong Công ty An Phát kiện Phan Thúy Mai ra tòa án nên bị can này không thể tiếp tục được giải ngân khoản vay. Để có tiền trả lãi, Mai nhờ Công ty thương mại và xây dựng Tràng An (đơn vị thi công dự án Đồi 79 mùa xuân) đứng tên, tiếp tục vay 18 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á, thế chấp bằng 9 giấy quyền sử dụng đất của An Phát.

Số tiền này được dùng để trả nợ trước tại chính DAB hoặc trả nợ cá nhân của Mai. Năm 2013, tranh chấp giữa các cổ đông của An Phát vẫn chưa được giải quyết nhưng Phan Thúy Mai vẫn đề nghị và được DAB chi nhánh Hà Nội cho vay 35,5 tỷ đồng. Khoản tiền này cũng được dùng để trả lãi, đảo nợ tại chính Ngân hàng DAB.

Đến nay, bị can Mai và Công ty An Phát không thể trả nợ nên Viện kiểm sát cho rằng hành vi của ông Trần Phương Bình cùng đồng phạm khiến Ngân hàng Đông Á chịu thiệt hại 184 tỷ đồng. Liên quan Công ty An Phát, năm 2017, Phan Thúy Mai bị TAND Hà Nội phạt 16 năm tù vì chiếm đoạt 2 đất nền biệt thự trị giá hơn 30 tỷ đồng của doanh nghiệp này rồi mang đi cầm cố, lấy tiền chi tiêu cá nhân. 

Vay vàng ảo

Phần mình, ông Trần Phương Bình cũng giúp Phan Thúy Mai nhiều lần vay tiền tại Ngân hàng Đông Á và trực tiếp phê duyệt gói tín dụng 500 tỷ đồng cho Công ty An Phát. Cựu Tổng Gám đốc cùng cấp phó Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo chi nhánh DAB Hà Nội giải ngân nhanh cho Mai, làm hồ sơ gấp, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo.

Cơ quan truy tố cho rằng, bị can Xuyến giúp Mai vay tiền vì có quan hệ và chính Xuyến góp 5% cổ phần vào Công ty An Phát để đầu tư dự án Đồi 79 mùa xuân. Trong khi đó, ông Bình giúp Mai vay tiền dù không đủ điều kiện vì muốn Công ty An Phát “đảo nợ cũ”, tránh cho DAB tăng nợ xấu.

Ngoài ra, năm 2008, Mai còn ký khống hợp đồng thể hiện Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của Ngân hàng Đông Á. Hợp đồng này có tài sản bảo đảm là 74 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát trị giá 430 tỷ đồng.

Thực tế không có khoản vay này, vàng cũng chưa được giải ngân. Việc ký hợp đồng khống để giúp ông Bình che giấu số vàng làm thất thoát của Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên, sổ sách Công ty An Phát thể hiện doanh nghiệp này đang phải chịu số tiền lãi do vay vàng phát sinh là 434.999 chỉ vàng.

Vì vậy, ông Bình “nể nang” Mai, giúp người phụ nữ vay tiền của DAB. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng không xử lý hợp đồng vay vàng khống nhưng đã khởi tố để xử lý trong một vụ án khác.

Nhóm cán bộ DAB chi nhánh Hà Nội thừa nhận biết Mai là khách hàng VIP, có quan hệ với ông Bình, bà Xuyến và được 2 lãnh đạo yêu cầu “tạo điều kiện” cho Mai. Nhóm này khai, việc giải ngân khoản vay khi chưa hoàn tất thủ tục về tài sản đảm bảo đều có sự đồng ý, chỉ đạo của ông Trần Phương Bình.

Cơ quan tố tụng cũng xác định để xảy ra vụ án có trách nhiệm của một số công chứng viên tại Hà Nội và Vĩnh Phúc khi thực hiện thủ tục công chứng thiếu giấy tờ nhưng họ không hưởng lợi, không bàn bạc cùng Phan Thúy Mai nên không bị xử lý hình sự.

Ông Trần Phương Bình trước đó đã nhận án tù chung thân năm 2018 trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của DAB.

Năm 2020, ông Bình nhận án tù chung thân thứ 2 trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của Ngân hàng Đông Á. Ngoài ra, ông còn bị điều tra trong việc thất thoát 1.500 tỷ đồng trong một giao dịch cho vay của ngân hàng này.

Liên quan vụ án tại Ngân hàng Đông Á, Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng bị phạt 30 năm tù về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ