“Vũ điệu sắc màu”: Nơi hội ngộ giữa hội họa và âm nhạc

GD&TĐ - “Vũ điệu sắc màu" (Dancing color of nature) là triển lãm tranh của 2 họa sĩ Hoàng Định (Việt Nam) và Somsak Chaituk (Hà Lan gốc Thái Lan). Với 14 tác phẩm sơn dầu khổ lớn, họ đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật sự ngạc nhiên bởi sự phối hợp tài tình giữa hội họa và âm nhạc mà ở đó là những sắc màu riêng, hòa quyện, nâng tầm cho nhau.  

Tác phẩm “Giai điệu tím” của Hoàng Định
Tác phẩm “Giai điệu tím” của Hoàng Định

Trình làng mới lạ

Tên tuổi của cặp họa sĩ Hoàng Định - Somsak Chaituk không còn xa lạ đối với công chúng: Họ quyết định “bay đôi” bởi nhiều điểm chung: Từng tu nghiệp nhiều năm tại Hà Lan, đều theo xu hướng kết hợp Đông - Tây, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế về mỹ thuật đương đại, đều tìm tòi hội họa trong cảm hứng lớn về âm nhạc và đều muốn dành cuộc triển lãm này cho Thủ đô Hà Nội... Song một điều thú vị hơn là cùng đội hình, cùng hướng bay nhưng mỗi người vẫn một đường bay riêng mang đậm bản sắc và cá tính.

Nói về các tác phẩm của mình, họa sĩ Hoàng Định cho biết: “Các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra không phải là ghi chép lại một thế giới, mà tạo ra một thế giới hiển hiện, kết nối mạnh mẽ với bên ngoài, có thiên nhiên, có nghệ sĩ và có cả người xem, với đầy đủ các rung động từ những giai điệu du dương đến những âm thanh dữ dội; từ đồng lúa Bắc Bộ trong “Giao hưởng vàng” đến miền sông nước Nam Bộ trong “Hòa tấu vùng sông nước”; từ sự xào xạc trong “Giai điệu của tre” đến nhịp dập dìu của “Bản sonata bên hồ”, hay nét lãng mạn thanh xuân trong “Giai điệu mùa hè”. Tất cả đều chuyển động tạo ra những khoảng trầm bổng nhịp nhàng, tác động vào người xem, đối thoại với họ, và đưa họ vào một mối quan hệ thực sự tương tác với nhau”.

Tranh của họa sĩ Somsak Chaituk, khiến người xem cảm nhận như ông đang dệt màu. Từng sợi màu như những sợi vải được dệt vào nhau, xoắn xuýt nhưng không trộn lẫn, đủ phức tạp nhưng lại tách bạch, không rối rắm. Xem tranh của Somsak, dù là về cánh đồng hoa tuy líp hay ấn tượng với âm nhạc, mỗi người xem như trôi về một miền riêng mờ ảo của mình.

Họa sĩ Somsak Chaituk chia sẻ: “Mỗi bức tranh có rất nhiều lớp, có vẻ hòa trộn từ một khoảng cách xa, nhưng lại đem đến nhiều hơn các chi tiết sâu sắc của câu chuyện khi mọi người tiếp cận và nhìn ngắm thật gần về phía bức tranh. Điều này được thể hiện trong chi tiết, màu sắc và cấu trúc xúc giác của các nét vẽ.

Tôi sử dụng các đường chỉ mảnh để xây dựng hình ảnh. Các đường chỉ trông giống như các sợi vải, cùng kết hợp lại với nhau tạo nên cấu trúc dệt. Mỗi dòng được xác định và phải đạt được sự hoàn hảo trong màu sắc, hình dạng và vị trí trên vải. Các chi tiết tổng thể đôi khi lấy cảm hứng từ các họa tiết trang trí cổ điển Thái được sử dụng trong chạm khắc gỗ hoặc trong trang phục, như các tấm vải sarong của mẹ tôi”.

Tác phẩm “Âm nhạc cho đôi mắt” của Hoàng Định - Somsak Chaituk
  • Tác phẩm “Âm nhạc cho đôi mắt” của Hoàng Định - Somsak Chaituk

Vẽ âm thanh

Các tác phẩm hội họa của “Vũ điệu sắc màu” thuộc trường phái trừu tượng biểu hiện, được bố trí thành 2 không gian riêng biệt nhưng hoàn toàn kết nối với nhau khiến người xem vừa có thể trải nghiệm trọn vẹn những biểu đạt độc đáo của từng họa sĩ đồng thời vừa được thưởng thức một bản phối mà ở đó là những sắc màu riêng, hòa quyện, nâng tầm cho nhau.

Nếu trong âm nhạc, sự phối hợp giữa phương Đông và phương Tây, giữa nhạc thính phòng và nhạc dân tộc, giữa bảy nốt và ngũ cung còn trục trặc thì cặp song tấu Hoàng Định - Somsak Chaituk lại nhấn nhá cho nhau những nét “duyên” đến đặc biệt.

Chẳng hạn như, tranh của Hoàng Định chứa tinh thần lạc quan của vịnh Bắc Bộ Việt Nam còn của Somsak Chaituk dù sử dụng những gam màu ấm nóng rất Đông Nam Á, lại bộc lộ một chiều sâu lý tính đặc trưng của mỹ thuật Bắc Âu; Nét vẽ của Hoàng Định rất thoát, ngẫu hứng, gần như không muốn kết thúc trong khuôn khổ bức tranh, đối lập với sự tỉ mẩn đến lạ kỳ của Somsak.

Nhật xét về “Vũ điệu sắc màu”, nhà phê bình Chu Văn Sơn cho biết: “Âm nhạc vốn là nghệ thuật thính giác còn hội họa là nghệ thuật thị giác. Tự bản nguyên, vốn trong nhạc có họa, trong họa có nhạc, ấy vậy mà chúng cứ như hai vương quốc hoàn toàn biệt lập nhau. Song cũng từ khởi thủy đến giờ, các nghệ sĩ giàu sức sáng tạo vẫn không ngừng nỗ lực phá bỏ lằn ranh giới giữa chúng.

Trước đây, nỗ lực này của họa mới chỉ dừng ở mức tiếp cận nhạc như một đề tài (vẽ tĩnh vật thì nhạc cụ, chân dung thì nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, sinh hoạt thì các hoạt động âm nhạc khác...). Tức là họa mới vẽ về nhạc chứ chưa vẽ bởi nhạc. Làm sao để mỗi bức tranh là một bản nhạc trong hình sắc: Để màu sắc thì như đang rung rinh, tấu nhạc, còn nhạc thì như đang ngân lên trong sắc màu...

Muốn thế phải khai thác được âm thanh, tiết tấu, giai điệu, khúc thức, hòa âm... những ngôn ngữ đặc thù của âm nhạc để tạo thêm lợi thế cho ngôn ngữ của hội họa. Nghĩa là phải tạo ra cuộc hôn phối giữa họa và nhạc. Đó là một thách thức lớn đối với những tìm tòi đương đại. Đó cũng chính là “hướng bay” đầy say mê của Hoàng Định và Somsak Chaituk”.

Nhận xét ve triển lãm, PGS. TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật Vicas Art Studio cho biết: “Xưa nay, chúng ta mới chỉ lấy cảm hứng từ âm nhạc để vẽ tranh chứ đã mấy ai vẽ được âm thanh nhưng Somsak và Hoàng Định đã làm được điều đó. Ngắm tranh của họ tôi thấy những xào xạc của cây lá, những tiếng rít của cơn gió mạnh và còn nhiều âm thanh khác nữa, tùy vào cảm nhận của riêng của mỗi người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ