Vụ cướp… thong thả nhất

GD&TĐ - Năm 323 trước Công nguyên, Alexander Đại đế (356 - 323 TCN) băng hà tại Babylon. Di thể của ông đã biến mất một cách bí ẩn...

Ptolemy thắng lớn nhờ đặt cược chính trị vào vụ cướp xe tang.
Ptolemy thắng lớn nhờ đặt cược chính trị vào vụ cướp xe tang.

Để đưa ông trở về quê hương Macedonia an táng, tướng Arrhidaios mất 2 năm chuẩn bị cỗ xe tang nặng hơn 100 tấn, trang hoàng đầy vàng và đá quý.

Nếu quy ra hiện kim bây giờ, nó giá trị khoảng 5 - 10 tỷ euro, nhưng kẻ đã cướp chiếc xe này lại không màng gì đến khối tài sản đó mà nhằm mục đích khác.

“Đền thờ di động”

Alexander Đại đế là nhà chinh phạt hùng mạnh nhất phương Tây thời cổ đại. Dù qua đời rất trẻ, khi mới được 33 tuổi, ông đã xâm chiếm được gần như toàn bộ các lãnh thổ mà người châu Âu lúc này biết đến, trong đó có cả châu Á và châu Phi.

Nơi Alexander Đại đế kết thúc binh nghiệp là Babylon, trong cung điện của Quốc vương Nebuchadnezzar II (634 - 562 TCN), người xây dựng Vườn treo Babylon huyền thoại.

Đại đế đã chiếm được Babylon vào năm 331 TCN và rất thích cung điện có từ thời Quốc vương Nebuchadnezzar II này. Khoảng 14 ngày trước khi qua đời, ông tổ chức tiệc rượu tại đây và sau đó thì đổ bệnh, tạ thế vào ngày 11/6/323 TCN.

Đất tổ của Alexander Đại đế là Vương quốc Macedonia và theo truyền thống, ông phải được an nghỉ trong lăng mộ hoàng gia ở Kinh đô Aigai (nay là Vergina). Suốt 2 năm, di thể của ông được ướp và bảo vệ ở một chốn bí mật tại Babylon, chờ tướng dưới quyền là Arrhidaios chuẩn bị xe tang và đoàn hộ tống.

Cuối cùng, xe tang dành riêng cho Alexander Đại đế cũng hoàn thành. “Nó có vẻ ngoài kỳ vĩ và lộng lẫy đến mức không thể diễn tả hết bằng lời”, sử gia cổ đại Diodorus (Ý) viết.

Theo mô tả, cỗ xe này được thiết kế theo phong cách Ionic với khung hình chữ nhật rộng 3,7 x 5,5m, mái hình vòm, 4 góc mái gắn 4 tượng thần nâng cúp chiến thắng, xung quanh dựng nhiều cây cột tròn, đế gắn bánh xe và mạ vàng toàn bộ, trừ bánh xe.

Cỗ xe tang được khắc trang trí và treo, đính rất nhiều vật quý. Người ta ước tính, lượng vàng được sử dụng để trang hoàng nó lên tới 250l còn trọng lượng của cỗ xe là hơn 100 tấn.

Quan tài của Alexander Đại đế cũng bằng vàng, bên trên phủ lá cờ tím hoàng gia và bên cạnh đặt vũ khí của ông. Phương tiện kéo xe tang của Alexander Đại đế là 64 con la, đoàn hộ tống là đội quân 1.000 người, tất cả đều được tuyển chọn kỹ lưỡng.

Xe tang siêu xa hoa của Alexander Đại đế. Ảnh: Historyhit.com - 3dwarehouse.sketchup.com

Xe tang siêu xa hoa của Alexander Đại đế. Ảnh: Historyhit.com - 3dwarehouse.sketchup.com

Vụ cược thắng to

Sự qua đời đột ngột của Alexander Đại đế làm dấy lên làn sóng tranh giành quyền lực, lãnh thổ giữa các tướng lĩnh dưới quyền. Một trong những nguyên nhân chính khiến tướng Arrhidaios chậm đưa linh cữu của Đại đế về Aigai cũng vì bận rộn giải quyết các vấn đề chính trị trên vùng đất trải dài từ Bactria đến Athens và Cyrene.

Trong các tướng lĩnh của Alexander Đại đế, có 2 thân tín đắc lực được xem như cánh tay trái và cánh tay phải là Ptolemy và Perdiccas. Năm 321 TCN, Perdiccas đang làm nhiếp chính cho 2 tân vương là Philip Arrhidaeus III và Alexander IV, anh trai cùng cha khác mẹ và con trai mới lọt lòng của Alexander Đại đế; còn Ptolemy thì đang thống lĩnh Ai Cập.

Nếu xếp thứ tự, Perdiccas là nhân vật quyền lực nhất còn Ptolemy đứng thứ 2. Tuy nhiên, ngay sau khi Alexander Đại đế mất, Ptolemy đã tuyên bố không công nhận Perdiccas và hành xử như một vị vua độc lập.

Ngoài cố ý chiêu binh, cho quân chiếm đóng đến tận Cyrenaica (ngày nay là phía Đông của Libya), ông còn hạ thủ phó tướng Cleomenes, người ủng hộ Perdiccas.

Đối với cả Perdiccas và Ptolemy, thi hài của Alexander Đại đế đều đóng vai trò “cỗ di thể quyết định vị thế và quyền lực một cách hợp pháp”. Lo sợ Ptolemy “nẫng tay trên”, Perdiccas lập tức gửi mật chỉ tới Babylon, lệnh cho Arrhidaios đưa linh cữu tới Pisidia ở Tiểu Á, nơi quân đội hoàng gia đang đóng quân. Tại đây, ông sẽ đích thân đón và hộ tống đến Aigai.

Vì quá hiểu Perdiccas, Ptolemy đoán biết đường đi nước bước và, nhiều tháng trước khi “đền thờ di động” rời Babylon, ông đã móc nối được một chỉ huy tên là Arrhidaeus, xúi giục người này hướng đám đưa tang sang Damascus, thẳng tiến tới Ai Cập.

Với cỗ xe quá nặng và đoàn hộ tống đi bộ, đám đưa tang của Alexander Đại đế di chuyển cực chậm. Chẳng bao lâu sau khi tướng Arrhidaios hạ lệnh xuất hành, Perdiccas đã nhận được tin báo về âm mưu của Ptolemy và cho quân truy kích, ép đoàn người phải đổi lại hướng đi.

Tuy nhiên, lại một lần nữa, ông bị Ptolemy “đọc vị”. Trước khi đội truy kích của Perdiccas đến được Damascus, Ptolemy đã có mặt và dễ dàng cướp được cả xe tang lẫn đoàn hộ tống.

Mặc dù bị Ptolemy thúc giục, “đền thờ di động” vẫn di chuyển “chậm như rùa” và dĩ nhiên, đội truy kích do Perdiccas cử đi sớm đuổi kịp. Có điều, Ptolemy đã đưa theo hẳn một đội quân tinh nhuệ để đề phòng và họ dễ dàng chế ngự được những kẻ đuổi theo. Thất bại, đội truy kích chỉ đành tay trắng hồi kinh.

Cũng có một nguồn tin khác cho rằng, Ptolemy thành công “qua mặt” Perdiccas nhờ mánh khóe làm giả di thể của Alexander Đại đế. Ông đã cho đặt hình nộm vào chiếc xe tang lộng lẫy, để đoàn hộ tống rước về Aigai và chỉ chuyển di thể thật của Alexander Đại đế đến Ai Cập theo những cách vận chuyển thông thường. Mãi đến khi đón được đoàn hộ tống ở Pisidia, Perdiccas mới phát hiện và không cách nào trở tay kịp nữa.

Bất kể thế nào, Ptolemy cũng đã thành công cướp được xe tang của Alexander Đại đế và nghiễm nhiên trở thành kẻ thừa kế quyền lực hợp pháp. Không thể chấp nhận, Perdiccas phát động cuộc chiến đòi lại di thể của Đại đế và chuyện này châm ngòi cho sự kiện tồi tệ nhất là Cuộc chiến Kế vị Đầu tiên (First Successor War).

Nó kéo dài 40 năm, nhấn chìm Đế chế Hy Lạp trong 9 cuộc chiến lớn và kẻ chiến thắng cuối cùng chính là Ptolemy. Có thể nói, vụ cướp xe tang Alexander Đại đế là một canh bạc lớn và Ptolemy đã đặt cược thắng.

Về phần xe tang của Alexander Đại đế, nó được Ptolemy hộ tống đến Memphis, kinh đô của Ai Cập và nhập thổ theo đúng nghi thức cổ truyền của Macedonia. Theo sử gia cổ đại Pausanias (Hy Lạp), đầu thế kỷ III TCN, hài cốt của Alexander Đại đế được Ptolemy đích thân chuyển tới Alexandria song, không rõ vì sao, từ cuối thế kỷ IV sau Công nguyên, nó biến mất và đến tận bây giờ vẫn không rõ tung tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.