Vụ cướp hoàn hảo
Khoảng 5 giờ 15 phút ngày 23/9/2009, bình minh vẫn chưa ló rạng tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển nhưng nhân viên kho bạc Västberga, chi nhánh của công ty G4S đã miệt mài làm việc. Nhiệm vụ của họ là trông coi an ninh và các máy đếm tiền đang hoạt động hết công suất.
G4S là một trong những công ty bảo mật lớn nhất thế giới có trụ sở tại London, Anh. Chi nhánh Västberga tại Stockholm là một trong 5 kho lưu trữ và phân phối tiền mặt lớn nhất do G4S điều hành tại Thụy Điển.
Nhìn từ xa, Västberga nổi bật hơn so với các tòa nhà xung quanh do thiết kế tầng trên cùng là giếng trời hình kim tự tháp bằng kính chống đạn. Đỉnh của kim tự tháp là logo G4S liên tục xoay tròn.
Kho tiền chính, nơi cất giữ toàn bộ số tiền, nằm ở tầng 2 nhưng phòng đếm tiền lại nằm ở tầng 6, tầng cao nhất. Các tầng nối với nhau bằng một chiếc máng nhỏ dùng để vận chuyển tiền.
Sau công đoạn đếm bằng máy, tiền từ Västberga sẽ được đưa tới các ngân hàng và máy ATM trên toàn quốc. Ngày hôm đó, bên trong tòa nhà sáu tầng của Västberga chứa hơn 150 triệu USD tiền mặt.
Khoảng 5 giờ, anh Oskar Lindgren, trưởng ca trực đêm, 34 tuổi, bước vào căn phòng đếm tiền được trang bị an ninh nghiêm ngặt. Quét mắt kiểm tra một vòng, Lindgren không phát hiện điều gì bất thường ngoài những chiếc máy đếm tiền đang hoạt động, phát ra âm thanh lách tách tẻ nhạt.
Tuy nhiên, khi dỏng tai lắng nghe, anh phát hiện tiếng cạch cạch phát ra từ giếng trời. Ban đầu, Lindgren tưởng âm thanh nghe được là tiếng xe tải giao hàng thường xuất phát vào thời điểm đó trong ngày. Nhưng càng ngày, âm thanh càng lớn. Anh yêu cầu đồng nghiệp tắt hết máy đếm thì phát hiện các bức tường đang rung lên.
Phía trên họ, bên ngoài giếng trời, một chiếc trực thăng màu trắng ngà đang hạ rất thấp, đến mức sát vào biển logo của G4S. Tiếng động lớn mà Lindgren nghe thấy chính là âm thanh cánh quạt của chiếc máy bay. Khi chạy ra ngoài kiểm tra, Lindgren phát hiện một ô kính giếng trời đã bị đập vỡ. Từ trên trực thăng, 3 người đàn ông mặc đồ đen, đội mũ bảo hiểm mô tô thả thang dây rồi trượt xuống ban công thông với tầng 5.
Giếng trời hình kim tự tháp tại chi nhánh Västberga của G4S tại Stockholm, Thụy Điển. |
Nhóm an ninh thường nói đùa nhau về tình huống những tên cướp đập phá giếng trời của kim tự tháp rồi xông vào tấn công. Họ không ngờ rằng câu chuyện đó cuối cùng đã trở thành sự thật.
Chứng kiến toán trộm định xông vào tòa nhà, Lindgren vội vàng kích hoạt hệ thống báo động khẩn cấp, kêu gọi nhân viên an ninh bảo vệ khu vực từ bên trong. Ở phòng đếm tiền, Lindgren yêu cầu nhân viên ném càng nhiều tiền mặt càng tốt xuống máng dẫn đến kho tiền an toàn hơn ở tầng 2. Số khác được giữ chặt bên trong những chiếc lồng kim loại có khóa móc.
Thế nhưng nhờ đột nhập từ trên giếng trời, đám cướp nhanh chóng lao vào bên trong từ ban công. Trên người chúng giắt thiết bị kích nổ, súng hạng nặng. Một tên trong nhóm ở lại trên tầng 6 và làm nổ giếng trời, khiến hệ thống điện trong tòa nhà bị ảnh hưởng và tắt ngúm.
Mang theo súng tiểu liên, những kẻ đeo mặt nạ phá thành công cánh cửa dẫn vào phòng chứa tiền ở tầng 2, thành trì cuối cùng của Västberga. Sau đó, chúng dùng thiết bị kích nổ phá khóa két sắt, dùng cưa phá các lồng sắt đựng tiền mặt rồi cuỗm hết toàn bộ số tiền ở bên trong.
Khi lực lượng cảnh sát thủ đô nhận được thông báo từ nhóm của Lindgren, họ vội vàng điều động 2 chiếc trực thăng từ sân bay Myttinge. Nhưng cảnh sát đã tìm thấy một bất ngờ nhỏ, chính là hai gói hàng gắn đèn led nhấp nháy ghi chữ “bomb”. Họ đành hoãn bay và gọi đội xử lý bom.
Nhóm thứ hai được điều động đến hiện trường bằng đường bộ thì bị cản lại bởi những dây xích sắt, đinh kim loại bốn gai được thiết kế để chọc thủng lốp xe ô tô giăng đầy đường phố như tơ nhện. Tất nhiên, đây là sự sắp đặt từ trước của băng cướp.
Khoảng 5 giờ 40 phút, cả nhóm quyết định kết thúc phi vụ với những bao tải chật ních tiền. Chúng leo thang dây, chất đầy trực thăng rồi bỏ trốn trước khi bình minh ló rạng.
Theo hướng Tây Nam Stockholm, chiếc trực thăng đáp xuống khu dân cư Norsborg, một tên trong nhóm cướp trèo ra ngoài. Chiếc trực thăng lại cất cánh và dừng lại lần thứ hai bên hồ Mälaren, phía Tây Stockholm. Tại đây, một vài tên khác vác theo một bao tải tiền, leo xuống một số tàu thủy đã chuẩn bị trước, và lao về phía đường chân trời tít tắp.
Sau đó, tên phi công tiếp tục cho máy bay di chuyển về một khu rừng ở phía Bắc Stockholm. Hắn ta vứt lại máy bay, thiết bị GPS rồi đi về thị trấn gần nhất, Täby để ăn uống nghỉ ngơi rồi trở lại Stockholm lúc 7 giờ tối.
CCTV ghi lại cảnh 3 tên cướp vơ vét tiền trong kho bạc. |
Kẻ chủ mưu nằm trong tầm ngắm
Vụ cướp không gây ra thương vong về người nhưng nhóm cướp đã cuỗm trọn 39 triệu kronor (khoảng 9 triệu USD) trong chưa đầy 20 phút. Lẽ ra chúng có thể lấy đi toàn bộ số tiền nếu trực thăng đủ rộng và chúng không quá mệt mỏi khi phải xách hàng bao tải tiền.
Stockholm lẫn Thụy Điển đều bị chấn động bởi sự việc. Những ngày sau đó, việc rút tiền mặt trở nên khó khăn do hệ thống lưu thông tiền tệ không đủ đáp ứng nhu cầu. Chính quyền cùng với cảnh sát thành phố làm việc hết công lực, tốc lực để tìm ra bọn cướp.
Trong khi đó, Cục Điều tra Hình sự quốc gia Thụy Điển (RKP) đã có đáp án. Trước đó, từ 27/8, RKP đã dành nhiều ngày theo dõi hoạt động của Goran Bojovic, chủ doanh nghiệp xây dựng Thụy Điển sau khi nhận được tin báo từ Bộ Ngoại giao Serbia về việc người này liên lạc với trùm mafia Thụy Điển, Milan Sevo, người vừa chuyển đến Serbia. Hai người họ đã lên kế hoạch thực hiện một vụ cướp quy mô lớn.
Qua theo dõi của RKP, từ đầu tháng 9, Goran, 38 tuổi, thường chạy bộ tại một bến du thuyền ở Stockholm và gặp gỡ hai người đàn ông khác để lên kế hoạch cho một phi vụ đã ấp ủ trong nhiều tháng. Kế hoạch cần ít nhất 10 người, hoạt động song song và liên tục nhằm đảm bảo mọi bước đi đúng hướng.
Cảnh sát tiếp cận hiện trường vụ cướp. |
RKP biết rằng Goran cùng đồng bọn sẽ thực hiện một vụ cướp bằng trực thăng vào một kho tiền lớn nhưng không có thời gian chính xác. Cơ quan điều tra đặt cược vụ việc sẽ xảy ra tại sân bay Stockholm Arlanda vào ngày 17/9 nhưng không có gì xảy ra, bất chấp RKP đã đặt cảnh giác cao độ.
Sự việc ngày 23/9 nằm ngoài dự đoán của RKP và nó diễn ra trôi chảy theo đúng kế hoạch của nhóm tội phạm. Thời điểm đó, đây là vụ cướp đầu tiên tại Thụy Điển sử dụng trực thăng, trùng khớp với những chi tiết trong kế hoạch của Goran nên RKP có thể chắc chắn về kẻ chủ mưu. Từ Goran, họ có thể lần ra những nghi can khác trong vụ án.
Sáng hôm đó, từ 2 giờ 55 phút, một tên trong nhóm cướp đã núp gần kho chứa trực thăng của cảnh sát Stockholm. Hắn ta gọi điện xác nhận với Goran có 2 chiếc trực thăng đang ở đây. Sau đó, đến khoảng 4 giờ 30 phút sáng, hắn đột nhập vào kho, thả 2 gói hàng vào nơi đậu trực thăng và kho nhiên liệu. Cả 2 gói đều nhấp nháy đèn led đỏ ghi chữ “bomb”.
Trong khi đó, ở Norrtalje, cách Stockholm 160 km, hai người đàn ông đánh cắp một chiếc trực thăng dân dụng mang số hiệu Bell 206 Jet Ranger màu trắng pha đỏ rồi cất cánh hướng về phía thủ đô.
Khoảng nửa giờ sau, ở phía Đông Stockholm, một chiếc ô tô hãng Toyota va chạm với một chiếc Audi, không có thương tích và rất ít thiệt hại. Hai người cầm lái chụp những bức ảnh ghi nhận dấu vết thời gian về những vết xước trên xe.
Còn tại Västberga, 3 người đàn ông khác đang tiến hành vụ trộm “tưởng như chỉ có trên phim”.
Thu lưới
Chân dung những kẻ phạm tội trong vụ cướp. |
Tất cả các thành viên trong nhóm đều sử dụng sim điện thoại trả trước để thông báo tình hình cho ông trùm Goran. Cảnh sát đã tìm thấy 14 sim điện thoại này, được sử dụng vài tuần trước vụ cướp và mất liên lạc sau buổi sáng ngày 23/9. Nhờ đó, cảnh sát đã vẽ lại toàn bộ âm mưu đồ sộ của nhóm cướp.
Tuy nhiên, chi tiết quan trọng nhất là ai lái chiếc trực thăng Bell 206 vẫn là một ẩn số. Sau khi gạn lọc từng chi tiết, họ đi đến kết luận, nghi phạm chính là Alexander Eriksson, nhà sản xuất phim truyền hình, đồng thời là chủ nhân chiếc Audi va chạm với xe Toyota trong buổi sáng xảy ra vụ cướp.
Mặc dù, ông ta liên tục phủ nhận mọi cáo buộc, chiêu trò của Eriksson đã bị phanh phui. Thực chất, vụ va chạm giao thông là dàn dựng. 2 thành viên trong nhóm đã cố tình gây ra vụ đâm xe trong khi một người đóng giả làm Eriksson và lái chiếc Audi của ông ta.
Việc họ chụp lại những vết xước trên xe kèm thời gian để cố tình làm bằng chứng ngoại phạm. Tuy nhiên, mánh lới này đã không qua được mắt của cơ quan điều tra. Hắn ta bị bắt khi cố gắng rời khỏi Thụy Điển đến quần đảo Canary.
Về nghi phạm rải bom ở kho chứa trực thăng của cảnh sát, RKP đã tiến hành thu thập mẫu ADN sót lại tại hiện trường và tìm ra nghi can thứ tư: Safha Kadhum. Kẻ này từng đánh cắp 2 bức tranh nổi tiếng trong Bảo tàng Quốc gia Thụy Điển năm 2000. Sau phi vụ trộm tiền, hắn ta đã cố gắng rời khỏi Thụy Điển nhưng bị bắt tại Dominica và bị dẫn độ về nước vào tháng 1/2010.
Còn về ông trùm Goran, RKP đã cài đặt thiết bị theo dõi trên điện thoại của hắn ta và thấy nó liên lạc trùng khớp vị trí với những chiếc điện thoại trả trước sử dụng trong vụ trộm. Lịch sử cuộc gọi cũng chỉ ra Goran đã liên lạc với các nghi phạm trong ngày xảy ra sự việc. Đồng thời, nhóm tội phạm đã tạo một trang web riêng để lên kế hoạch phạm tội.
Trong vụ án Västberga, cảnh sát Thụy Điển khởi tố 10 bị can. Trong đó, Eriksson bị tuyên án cao nhất là 7 năm tù. Ông trùm Goran nhận án 3 năm tù vì là người lên kế hoạch còn những người khác bị tuyên phạt 2 năm tù.
Giả thuyết cho rằng, số người liên quan đến vụ án lên tới 13 người nhưng phía cơ quan điều tra từ chối tiết lộ thông tin. Tuy nhiên, số tiền bị ăn trộm không bao giờ có thể thu hồi.
Sự kiện Västberga đã trở thành vụ cướp kho bạc đầu tiên sử dụng trực thăng trong lịch sử Thụy Điển với sự hỗ trợ điều tra không kém phần quan trọng từ phía Serbia.