Vụ chìm tàu dọn đường vào Nhà Trắng cho John F. Kennedy

"Không có vụ PT 109, nước Mỹ sẽ không có Tổng thống John F. Kennedy", Dave Power, một phụ tá thâm niên của Tổng thống Kennedy, đã tuyên bố như vậy. PT 109 chính là vụ chìm tàu phóng ngư lôi tuần tra mà Kennedy làm thuyền trưởng năm 1943 trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Vụ chìm tàu dọn đường vào Nhà Trắng cho John F. Kennedy
Kennedy (phải) và bố năm 1938.

Kennedy (phải) và bố năm 1938.

Vụ việc đã biến Kennedy thành anh hùng thời chiến và dưới bàn tay lão luyện của ông bố Joseph P. Kennedy, vụ chìm tàu đã trở thành bệ phóng giúp đưa con trai ông vào Nhà Trắng.

Chuyện xoay quanh vụ PT 109 và gia đình Kennedy đã được tác giả William Doyle kể lại trong cuốn sách mới hấp dẫn "PT 109: An American Epic of War, Survival and the Destiny of John F. Kennedy" (PT 109: Trang sử thi chiến tranh nước Mỹ: Sống sót và định mệnh của John F. Kennedy".

Một lần John F. Kennedy có cuộc hẹn hò tại câu lạc bộ Stork ở New York tháng 2-1944. Kennedy ăn tối với cô bạn gái là tổng biên tập một tạp chí thời trang - Florence Pritchett và phóng viên tạp chí Life - John Hersey cùng vợ của anh này là Frances Ann Cannon, từng là bạn gái cũ của Kennedy.

Khi nghe Kennedy kể về chuyến phiêu lưu tới quần đảo Solomon ở Nam Thái Bình Dương, anh phóng viên Hersey đã nghĩ ngay tới việc đưa câu chuyện lên tạp chí. Sau khi hoàn thành tác phẩm mang tên "Sống sót", Hersey rất ngạc nhiên khi tạp chí Life không đăng bài viết.

Bố của Kennedy, ông Joe Kennedy, rõ ràng không hài lòng khi Mỹ có ít ấn phẩm hấp dẫn về giới thượng lưu Mỹ. Ông muốn tìm một tờ báo có thể vươn tới nhiều cử tri Mỹ - những người có thể giúp đưa người nhà Kennedy vào chính trường. Sau đó, ông đã có một ý tưởng được nhận định là một nước cờ xuất sắc. Ông đã thương thảo với tạp chí Reader"s Digest, để đánh bóng tên tuổi con trai ông - John Kennedy - thành một người hùng của nước Mỹ sau những sự kiện xảy ra ở Solomon.

Bài báo của Hersey rất phù hợp với mục đích tự quảng bá của gia đình Kennedy. Sau khi bài báo được đăng trên tờ Reader"s Digest, tháng 6/1944, ông Joe đã cho in hàng nghìn bản và phát với số lượng lớn tại các khu vực bầu cử quan trọng. Ông hy vọng bài báo sẽ khiến cử tri quên rằng con trai ông thực ra thiếu kinh nghiệm chính trị. Đây là bước đầu tiên mà ông Joe thực hiện để theo đuổi giấc mơ 18 năm trời là có một cậu con trai trong Nhà Trắng.

Chuyến phiêu lưu cùng PT 109

Câu chuyện "Sống sót" của Kennedy bắt đầu từ hè năm 1939, khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan, khởi đầu cho Thế chiến II. Năm đó, Kennedy mới hơn 20 tuổi và đang chu du thế giới. Kennedy đã tới vô số quốc gia trong thời gian bố mình làm Đại sứ Mỹ ở Anh.

Năm 1939 tại London, John Kennedy đã gặp Vua và Nữ hoàng Anh cùng cô con gái 13 tuổi, Công chúa Elizabeth. Họ hàn huyên quanh tách trà. Kennedy viết thư "khoe" với bạn: "Mình nghĩ là cô gái thích mình và giờ mình sẽ không ngạc nhiên nếu cô gái bị mình hấp dẫn".

Năm 1941, Kennedy quyết định gia nhập quân đội và với uy tín của bố, Kennedy đã được phong hàm thiếu úy hải quân dự bị của Mỹ. Kennedy luôn thích ra khơi và có một thuyền nhỏ để rong ruổi trên biển. Tổng thống tương lai của Mỹ rất thích chiếc tàu phóng ngư lôi hay còn gọi là tàu tuần tra (PT) mà hải quân trưng bày hè năm 1941 tại cảng Edgartown, Massachusetts. Thần tượng Kennedy chính là Winston Churchill.

Vụ chìm tàu dọn đường vào Nhà Trắng cho John F. Kennedy - ảnh 1 Kennedy chỉ huy chiếc PT 109.

Joe Kennedy muốn giúp con trai nên ông đã nhắm tới một người nổi tiếng lúc đó: thiếu tá hải quân John Bulkeley, chỉ huy đội tàu phóng ngư lôi số 3 đang hoạt động ở Philippines. Ông Bulkeley được giao nhiệm vụ tăng cường khai thác đội tàu PT và một hạm đội gồm 200 chiếc sẽ được phái tới Thái Bình Dương. Sau khi gặp ở khách sạn Plaza trong căn phòng của ông Joe, Bulkeley đã đồng ý với yêu cầu của ông Joe là đưa Kennedy lên tàu phóng ngư lôi để đánh bóng tên tuổi và giúp anh thu hút lá phiếu của cử tri sau chiến tranh.

Tháng 2/1943, John Kennedy được phân về một đội tàu hoạt động ở Nam Thái Bình Dương. Tháng 3/1943, Kennedy tiến tới quần đảo Solomon. Tháng 4 cùng năm, Kennedy được làm chỉ huy chiếc tàu phóng ngư lôi PT 109 nặng 56 tấn, dài 24 mét, có trang bị vũ khí. Chàng sĩ quan hải quân trẻ tuổi nhanh chóng nhận thấy cuộc sống trong vùng chiến ở Nam Thái Bình Dương dù non nước hữu tình nhưng cũng đầy hiểm nguy, khó khăn và thiếu thốn.

Thức ăn đều là đồ đóng hộp: thịt giăm bông, xúc xích Vienna, trứng sấy khô và tương đậu nướng. Cà phê và thuốc lá là những thứ xa xỉ. Họ phải uống thuốc aspirin và vitamin A với liều mạnh để tăng tầm nhìn ban đêm. Kennedy tìm mọi cách xin xỏ chỉ huy cung cấp cho tàu những kẹo, trứng tươi, kem, bánh mỳ và pho mát. Chỉ huy tàu PT Leonard Nikoloric nói với tác giả William Doyle: "Thứ duy nhất mà tàu PT thực sự làm hiệu quả là tăng chi phí mà chính phủ phải cấp cho tàu".

Sứ mệnh của đội tàu tuần tra ngư lôi là di chuyển sát với một tàu khu trục Nhật Bản ở Solomons trong bóng tối và sau đó tấn công bằng tên lửa. Thủy thủ tàu PT sau đó sẽ nhanh chóng tận dụng làn khói mà một máy phát đằng đuôi tàu tạo ra để trốn thoát trước khi đối phương bắn trả. Nhiệm vụ của họ ở Solomon là đánh đắm tàu chở quân và đồ tiếp tế của Nhật, phá đường băng, tàu và máy bay của kẻ thù.

Đêm 2/8/1943, tàu PT 109 đang phục kích tàu Tokyo Express. Tàu PT 109 nằm ở vị trí tách khỏi đội hình với các tàu khác và dường như đang trôi theo hướng riêng. Tàu không có liên lạc bằng vô tuyến, không có dẫn đường bằng radar trong khi con tàu chiến khổng lồ của Nhật lừng lững trước mặt.

Bỗng nhiên tàu khu trục Amagiri của Nhật Bản cắt ngang qua mũi tàu PT109 theo đường chéo làm Kennedy ngã nhào xuống, va vào vách ngăn thép. Hai thủy thủ mất tích. 7 người bị rơi xuống vùng biển đầy cá mập trong tiếng la hét hoảng loạn.

Còn 11 người, họ bấu víu vào vòm tàu bị lật úp, lênh đênh cả đêm trên biển Thái Bình Dương, xung quanh là các hòn đảo của kẻ thù. Không thức ăn, không nước uống, không sóng vô tuyến, không bè cứu sinh, không thuốc men. Tất cả đã bị bắn tứ tung trên mặt biển. Tàu trôi dạt chậm về phía nam. Lúc 14 giờ ngày hôm sau, khi nhận thấy tàu sắp chìm, họ quyết định bỏ tàu và bơi vào bờ. Theo lệnh của Kennedy, họ tìm cách tiến tới đảo Plum Pudding - hòn đảo có vẻ như không có quân Nhật. Kennedy dùng răng giữ dây buộc áo cứu sinh của một thủy thủ bị bỏng nặng và cõng người này trên lưng, bơi về phía hòn đảo cách đó gần 6 km.

Sau 4 giờ bơi mà không gặp phải nguy hiểm, họ mệt lả, kiệt sức khi tới được hòn đảo hoang vắng, họ phải bò vào các bụi cây để trốn tàu của Nhật. Trên đảo không có thức ăn, nước uống, không có gì có thể tận dụng được để duy trì sự sống. Hòn đảo là một cái bẫy tử thần có đường kính vẻn vẹn 91 mét. Kennedy quyết định bơi ra ngoài để tìm xem có tàu PT nào đi ngang qua không. Nhưng do dòng nước mạnh, Kennedy không thể bơi khỏi đảo. Kennedy cố gắng bơi tới đảo Naru và Olasana với quãng đường cả đi và về là 4 km để tìm thức ăn. Cuối cùng, Kennedy đã dẫn cả đội tới đảo Olasana vì ở đây có cây dừa và nước uống được.

Vụ chìm tàu dọn đường vào Nhà Trắng cho John F. Kennedy - ảnh 2 Kennedy (giữa) cùng đồng đội trong khóa huấn luyện của Hải quân Mỹ.

Sống sót

Thủy thủ đoàn PT 109 cuối cùng đã được cứu thoát sau 6 ngày ăn dừa để sống sót khi được một người giám sát bờ biển Australia hoạt động trong khu vực nhìn thấy. 11 thủy thủ người Mỹ được tìm thấy trong tình trạng đói lả và mất nước.

Kennedy được ghi công vì đã giữ cho cả nhóm thủy thủ sát cánh bên nhau sau khi tàu bị đâm lật úp và luôn tìm cách đưa cả nhóm về với đơn vị. Hành động này không giúp Kennedy được tặng huân chương hay ghi nhận đặc biệt, nhưng đã giúp bảo vệ 10 thủy thủ.

Tháng 11/1943, Kennedy bị chẩn đoán mắc bệnh sốt rét, viêm ruột kết và đau lưng dưới, đồng thời thiếu cân trầm trọng. Cuộc chiến của Kennedy kết thúc tháng 3/1946 sau 7 tháng ở vùng chiến sự. Lúc này, ông Joe bắt đầu chuẩn bị con đường vào Nhà Trắng cho con trai. Ông là một doanh nhân, một nhà đầu tư tàn nhẫn, lợi dụng sự giàu có của mình để leo lên thứ bậc thượng lưu trong xã hội Mỹ. Ông luôn khao khát tìm kiếm danh tiếng, tiền bạc, tài sản và sức mạnh chính trị, xã hội cho gia đình. Ông luôn biết mình muốn gì: tiền bạc và địa vị cho gia đình. Ông là một bậc thầy trong thao túng tiền bạc, con người và luôn xuất sắc trong các trò chơi không có luật lệ. Ông thường nhắc đi nhắc lại một câu thần chú với các con: "Con là ai không quan trọng. Điều quan trọng là người ta nghĩ con là ai".

Khi John Kennedy trở về nhà, ông Joe đã bắt đầu nghiên cứu cách tận dụng vụ chìm tàu PT 109. Khi bài viết "Sống sót" xuất hiện trên mặt báo, một trong số những thủy thủ còn sống nói: "Phóng viên Hersey làm cho bạn cảm thấy mình như anh hùng chỉ vì bạn đã giữ được mạng sống của mình". Trong khi đó, Kennedy không phải là một quân nhân chuyên nghiệp cũng không phải là một cựu quân nhân chuyên nghiệp. Khi được hỏi trở thành anh hùng thời chiến như thế nào, Kennedy nói: "Dễ thôi mà. Họ đã đánh chìm tàu của tôi".

Cậu em trai Bobby Kennedy (RFK) trở thành quản lý chiến dịch tranh cử của anh trai. Bối cảnh của vụ PT 109 mạnh đến mức nó củng cố chiến dịch lấy lòng cử tri của Kennedy mà anh chàng không cần phải nhắc đến bản thân mình nhiều. Nhờ vụ đó mà con đường tiến vào Nhà Trắng của Kennedy đã thành công.

PT 109 đã đi vào âm nhạc Mỹ với sáng tác mang tên PT 109 của Jimmy Dean. Bài hát leo lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng nhạc pop, thứ 3 trong bảng xếp hạng nhạc đồng quê năm 1962.

Đảo Plum Pudding về sau được đổi tên thành đảo Kennedy. Người ta cũng làm cả tàu đồ chơi PT 109 - thứ quen thuộc với các cậu bé thời bấy giờ.

Vụ PT 109 đã trở thành chất liệu cho một bộ phim của Hollywood năm 1963. Đích thân ông Joe Kennedy đã đàm phán hợp đồng với Hãng phim Warner Brothers và tham gia phát triển bộ phim cho đến khi bị đột quỵ. Diễn viên chính cho bộ phim do Tổng thống Kennedy chọn: Cliff Robertson. Bộ phim ra mắt tháng 6/1963, 5 tháng trước khi Tổng thống Kennedy bị ám sát.

Vụ chìm tàu dọn đường vào Nhà Trắng cho John F. Kennedy - ảnh 1
Kennedy chỉ huy chiếc PT 109.
Vụ chìm tàu dọn đường vào Nhà Trắng cho John F. Kennedy - ảnh 2
Kennedy (giữa) cùng đồng đội trong khóa huấn luyện của Hải quân Mỹ.
Theo Tiền phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Làm trắng răng bằng cách chà mặt trong của vỏ chuối lên hàm răng mới đánh sạch trong khoảng 2 phút mỗi ngày. (Ảnh: ITN).

Bất ngờ công dụng của vỏ chuối

GD&TĐ - Vỏ chuối có rất nhiều công dụng mà có thể bạn chưa bao giờ nghĩ tới. Bài viết này chia sẻ với bạn những cách tận dụng vỏ chuối vô cùng thông minh.

Học sinh tham gia hoạt động mừng xuân trước kỳ nghỉ Tết. Ảnh: L.T.

Ngóng Tết

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, tuần học giáp Tết Nguyên đán, giáo viên luôn nhận được những câu hỏi xoay quanh thời gian nghỉ Tết của học trò.