Tim thấy thi thể là minh chứng nạn nhân đã tử vong
Vụ án “bác sĩ vứt xác phi tang” đã được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vào ngày 14/4/2014. Tuy nhiên do có một số vấn đề phát sinh về chuyên môn mà Hội đồng Xét xử không thể giải quyết được tại phiên tòa, nên đã quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Quá trình điều tra theo quyết định trả trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND TP Hà Nội, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã tiếp tục huy động nhiều lực lượng (CSGT đường thủy, CSĐT,..) truy tìm thi thể chị Huyền và bằng nhiều biện pháp liên tục trong nhiều tháng trên địa bàn của Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ngày 18/7/2014, quần chúng nhân dân phát hiện thấy xác chị Huyền nổi ven sông Hồng thuộc thôn Trung Quang (xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội), trong tình trạng phân hủy thối rữa thiếu đầu, mất cẳng tay và bàn tay, bàn chân…
Cơ quan điều tra Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm từ thi và ra quyết định trưng cầu giám định nguyên nhân chết và xác định gien nhằm xác định tung tích nạn nhân.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn đã xác định: Người phụ nữ trôi trên sông Hồng phát hiện ngày 18/7/2014 là mẹ đẻ của cháu Nguyễn Hữu Hoàng (với xác suất 99,83997%) và là con ruột của ông Lê Văn Viễn và bà Nguyễn Thị Hiền (với xác suất 99,999993%)
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo chữa cho bị cáo Đào Quang Khánh cho biết:
Do thời gian chết của nạn nhân trên 8 tháng và phần còn lại của tử thi trong giai đoạn phân hủy mạnh do đó không có đủ cơ sở xác định nguyên nhân chết của nạn nhân.
Cơ quan chuyên môn xác định không đủ cơ sở xác định việc thiếu các phần, bộ phận cơ thể chị Lê Thị Thanh Huyền là do quá trình phân hủy hay tác động. Không đủ cơ sở xác định chị Huyền chết trên cạn hay dưới nước.
Về các mẫu dạng mảng, khối, cục màu xám trắng bám dính ở ống quần gửi đi giám định có thành phần là các hạt cát (các hạt khoáng vật chủ yếu là thạch anh và các hạt khoáng vật khác có kích thước 0,1 - 1 mm) và các chất hữu cơ là các chất béo, các este, các axit béo.
Không đủ điều kiện xác định sự kết bám dính và sự hình thành của các mẫu dạng mảnh, khối cục màu xám trắng gửi giám định trên quần nạn nhân. Ngoài các mẫu dạng mảnh, khối, cục màu xám trắng gửi đi giám định trên quần nạn nhân không tìm thấy loại vật liệu nào khác.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cũng cho hay: Kết quả điều tra đến nay chưa xác định được nguyên nhân tử vong của chị Huyền. Việc tìm thấy thi thể nạn chỉ là một trong các chứng cứ chứng minh chị Huyền đã chết.
Mức án nào cho cựu giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường?
Đối với vụ án "bác sĩ vứt xác phi tang" gây chấn động dư luận, ngày 15/10, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã ra Cáo trạng số 490/VKS-P1A thay thế Cáo trạng số 110/VKS-P1A ngày 18/2/2014.
Theo cáo trạng mới, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bị truy tố về tội: Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt; Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác; Trộm cắp tài sản.
Cụ thể, cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Mạnh Tường về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” theo quy định tại Điều 246, khoản 2 và “Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242, khoản 3 – Bộ Luật hình sự.
Trước đó, ở tội danh “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, bị cáo Tường bị truy tố tại khoản 1 (có khung hình phạt từ 1 - 5 năm) thì nay bị truy tố tại khoản 3 (có khung hình phạt từ 7 - 15 năm).
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay: Với việc thay đổi khung hình phạt, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường phải đối mặt với mức án 20 năm tù giam cho 2 tội danh bị truy tố.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
2…..
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm tù giam.
Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.