Vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma: Những ai ở Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ, ngày 16/9, cho biết đã có kết luận thanh tra vụ VN Pharma, đồng thời chuyển sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý cán bộ có liên quan đến sai phạm thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy những sai phạm nghiêm trọng ở Bộ Y tế trong câu chuyện liên quan đến VN Pharma.

Vũ “nhôm”trong phiên tòa phúc thẩm đại án DongA Bank. Ảnh: IT
Vũ “nhôm”trong phiên tòa phúc thẩm đại án DongA Bank. Ảnh: IT

Nhiều thiếu sót nghiêm trọng

Thanh tra Chính phủ khẳng định: Thuốc chữa bệnh là một loại hàng hóa đặc biệt, nhưng thời gian qua ngành Y tế còn để xảy ra những thiếu sót, vi phạm trong khâu cấp số đăng ký thuốc; cấp phép nhập khẩu thuốc; cấp phép hoạt động về thuốc; nguyên liệu làm thuốc cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam… “Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân” - kết luận thanh tra nêu.

Khi phát hiện vi phạm liên quan đến hồ sơ hành chính của thuốc H-Capita, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã niêm phong lô thuốc, không cho lưu hành thuốc ra thị trường, thu hồi số đăng ký 7 thuốc, thu hồi giấy phép nhập khẩu 3 thuốc và thu hồi giấy phép hoạt động của Công ty Helix.

“Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2009TT-BYT còn bất cập, nội dung chưa đầy đủ. Đây là một trong những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý dẫn đến việc trong hồ sơ xin cấp số đăng ký có tài liệu bị làm giả nhưng không được phát hiện kịp thời. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý dược (QLD) thời điểm năm 2009 trong việc tham mưu xây dựng và ban hành thông tư. Lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời kỳ 2011 - 2014 cũng chịu trách nhiệm chính trong việc thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung thông tư… Việc chậm sửa đổi Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn và chuyên gia thẩm định thuộc trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD thời kỳ 2010 - 2014” - kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Đối với 3 loại thuốc (H-Capita, H-Epra 40 và H- Lastapen 500mg), kết luận cho thấy trong 3 năm (2012, 2013, 2014), Bộ Y tế đã cấp 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, cũng không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trong đó có 3 thuốc như đã nêu.

Kết luận Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ: Từ việc Bộ Y tế ban hành Thông tư số 47/2010/TT-BYT không đúng nội dung với Quyết định số 151/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng dẫn đến việc cấp giấy phép nhập khẩu 200.000 hộp thuốc H-Capita và cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita vào Việt Nam là vi phạm Quyết định số 151 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm thuộc lãnh đạo Bộ Y tế, Cục QLD.

Chuyển Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma trước tòa
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma trước tòa  

Thanh tra Chính phủ kết luận Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược, Cục trưởng Cục QLD chịu trách nhiệm với vai trò là người tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng đã để xảy ra những thiếu sót, vi phạm qua các thời kỳ.

Từ những sai phạm như đã nêu, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xử lý: Kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo Bộ Y tế để xảy ra những tồn tại, vi phạm. Bộ Y tế chỉ đạo kiểm điểm và có biện pháp xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cho phép nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita Caplet 500mg của Công ty Austin Hồng Kông vào Việt Nam.

Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận. Đồng thời, cũng chuyển kết luận đến Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an để có thêm thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác điều tra liên quan đến việc VN Pharma nhập khẩu thuốc, bán thuốc H-Capita.

Trục lợi trên nỗi đau người bệnh

Vụ buôn bán thuốc ung thư giả tại VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bị phát hiện đã khiến dư luận bức xúc, hoài nghi về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Việc lợi dụng niềm tin của bệnh nhân ung thư để trục lợi là một tội ác bị dư luận lên án.

Theo cáo trạng, Nguyễn Minh Hùng đặt mua của Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C) thuốc H-Capita 500mg Caplet (viết tắt là thuốc H-Capita) chứa hoạt chất Capecitabine, dùng để chữa các bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng mang nhãn mác Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada (viết tắt là Công ty Helix Canada) để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam với giá 0,9 USD/viên.

Nhiều tài liệu liên quan đến lô thuốc trên bị làm giả, nhưng Tổ thẩm định Bộ Y tế vẫn đánh giá hồ sơ đạt yêu cầu và đề nghị Cục QLD cấp phép nhập khẩu đơn hàng.

Về nguồn gốc lô thuốc H-Capita giả, Cơ quan tố tụng xác định: 9.300 hộp thuốc H-Capita do VN Pharma nhập khẩu không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Các thùng hàng thuốc H-Capita có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN xác định: Mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào.

Về chất lượng của lô thuốc H-Capita, Hội đồng giám định Bộ Y tế đã kết luận: “Lô thuốc có nhãn mác thuốc H-Capita 500mg Caplet có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”.

Cơ quan tố tụng xác định giá trị lô thuốc là hơn 5,3 tỷ đồng, nhưng các bị can trong vụ án đã phù phép nâng khống thêm giá mua là hơn 6,8 tỷ đồng. Tổng giá trị lô thuốc sau khi bị nâng khống thêm là hơn 12,1 tỷ đồng. Đây là khoản thu lợi bất chính của các bị can ngay trong giai đoạn mua thuốc, bởi khi nhập khẩu các bị can đã khai báo giá thuốc nhập khẩu là 75 USD/hộp (trong khi giá thực tế chỉ là 27 USD/hộp) và nộp thuế nhập khẩu theo giá này; đồng thời kết quả đấu thầu lô thuốc cung cấp vào các bệnh viện có giá là 31.000 đồng/viên (chênh lệch 12.000 đồng/viên so với giá mua thực tế).

Tòa án nhân dân TPHCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu thuốc ung thư giả này từ ngày 24 - 30/9. Nguyễn Minh Hùng và 11 bị can là đồng phạm sẽ bị xét xử về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo Khoản 4, Điều 157 Bộ luật Hình sự. Mức hình phạt cao nhất trong khung bị truy tố là tử hình.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế thì ông Nguyễn Quốc Triệu là Bộ trưởng Bộ Y tế từ tháng 8/2007 đến tháng 8/2011. Người kế nghiệm ông Triệu là bà Nguyễn Thị Kim Tiến (từ tháng 8/2011 cho đến nay). Tìm hiểu của Báo GD&TĐ cho thấy ông Trương Quốc Cường đảm nhiệm chức danh Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế từ tháng 7/2007 đến tháng 11/2016. Ngày 21/11/2016, ông Trương Quốc Cường được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Người kế nhiệm ông Trương Quốc Cường ở Cục Quản lý dược là ông Vũ Tuấn Cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.