Không biết người chồng có trả lời câu hỏi thăm dò của HSBC Expats để chọn Việt Nam là một trong 10 quốc gia đáng sống nhất không, nhưng theo những gì tôi biết về họ thì có lẽ cả 8 tiêu chuẩn HSBC đưa ra, từ việc làm thuận lợi, thu nhập tốt, giá cả sinh hoạt rẻ, con người thân thiện, môi trường văn hoá phong phú, thời tiết dễ chịu, thiên nhiên tuyệt đẹp, đất nước hoà bình - chắc hẳn vợ chồng bạn tôi đều cho điểm tích cực. Cũng như một vài người nước ngoài nữa mà tôi biết, họ đến Việt Nam và bị mê hoặc bởi cuộc sống ở Việt Nam, để quyết định chuyển đến Việt Nam sinh sống.
Nếu so với cuộc sống của bạn tôi ở Đức hay vài nơi khác thì cuộc sống quả dễ chịu hơn nhiều. HSBC thực hiện thăm dò hơn 18.000 người trên khắp thế giới để có kết quả như trên. 18.000 mẫu trả lời là con số tương đối lớn để cho ra một kết quả đáng tin cậy. Và tôi nghĩ, người Việt chúng ta nên tự hào với kết quả đó.
Nhưng nếu nghĩ sâu xa hơn chút, có những câu hỏi nào mà HSBC không đặt ra? Hay liệu điều tra đó có đúng với người Việt? Chắc chắn sẽ còn nhiều điều đáng suy ngẫm.
HSBC không đưa thành câu hỏi riêng về môi trường, mà nếu có, tôi biết chắc bạn tôi sẽ cho điểm trừ. Hai vợ chồng đều than phiền vì không khí ô nhiễm, khói ô tô, xe máy trong thành phố ngày càng dường như đặc quánh lại. Người dân ở bãi giữa sông Hồng hay hai bờ sông đốt rác gần như ngày nào cũng gặp và luôn có mùi khét do nhựa cháy, rác và đồ nhựa thải ra ngày càng nhiều, họ gặp cả ở những bờ sông xa nhất mà họ hay đi bộ tới.
HSBC cũng không có câu hỏi về thủ tục hành chính, nạn nhũng nhiễu ở các cơ quan công quyền, nạn tham nhũng vặt - những thứ mà người nước ngoài ít gặp nhưng người Việt phải đối mặt trong đời sống hàng ngày, chắc chắn câu trả lời cũng sẽ là có cải tiến nhưng vẫn còn quá nhiều việc phải làm.
Và vì đây là cuộc điều tra cho người nước ngoài sống ở Việt Nam, nên cũng không có những câu hỏi về những đại án nghìn tỷ thua lỗ, về đường sắt Cát Linh -Hà Đông chậm đã 5 - 7 năm, về thuốc ung thư giả, về những vụ tai nạn giao thông do rượu bia hay ma tuý, về những bọc “hàng trắng” tuồn vào Việt Nam, về những thông tin giật gân câu khách trên báo chí, về sự lộn xộn, vô bổ của không ít cuộc tranh luận hay xu hướng trên mạng xã hội, về sự mất lòng tin hay những trăn trở ưu tư của rất nhiều người dân Việt Nam…
Cuộc sống có nhiều thay đổi suốt 30 năm qua sau đổi mới và mỗi người đều kỳ vọng rằng, những đổi thay tích cực sẽ tiếp tục theo đà đã có. Để những cuộc điều tra như của HSBC không chỉ nói lên rằng, Việt Nam là nơi đáng sống với người nước ngoài, mà còn đúng với mọi người Việt, trong một hành trình không ai bị bỏ lại sau.