Ba phó Ban trong đó có bà Hiền Ngân đã có đơn xin rút lui khỏi Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả tại TP.HCM
Trong đơn viết tay đề ngày 5/7 gửi đến Viện Công nghệ chống làm giả (trực thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam), bà Phạm Nữ Hiền Ngân (sinh năm 1981) xin miễn nhiệm chức vụ phó trưởng ban của Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả tại TP.HCM và đã được viện chấp thuận.
Trong đơn bà Ngân nêu: "Do cảm thấy không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao, không thể đảm nhiệm chức vụ phó trưởng ban".
Đây cũng là lý do khiến Phó trưởng ban Thường trực Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả tại TP.HCM Trương Văn Tiễn xin miễn nhiệm từ 7/7.
Cũng trong ngày 5/7, phó trưởng ban khác là ông Hoàng Văn Trường (sinh năm 1981) cũng đệ đơn lên Ban lãnh đạo Viện Công nghệ chống làm giả xin miễn nhiệm. Trong đơn, ông Hoàng Văn Trường cũng nêu lý do là “cảm thấy không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao, không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng ban”
Trước đó, ngày 4/7, ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát là người được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả tại TP.HCM cũng xin từ nhiệm với lý do cá nhân và sức khỏe.
“Trong quá trình thực hiện các thủ tục có liên quan để rút khỏi vai trò Phó trưởng ban, ông Thanh cũng xin thôi tham gia các hoạt động có liên quan”, ông Thanh nêu trong đơn.
Trong thông tin ngày ra mắt chiều 28/6/2019, Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả tại TP.HCM cho biết đã bình chọn và tìm ra 5 thành viên lãnh đạo là chủ những tập đoàn lớn và có tầm ảnh hưởng trong xã hội là TGĐ Tập đoàn ô tô Huy Hoàng; Tập đoàn Dr.Thanh; Tổng giám đốc Đài truyền hình KVTV và “nữ hoàng văn hoá tâm linh Việt Nam” Hiền Ngân.
Khi dư luận phản ứng và các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 lên tiếng về việc không liên quan tới Ban này thì đơn vị chủ quản là Viện Công nghệ chống làm giả đã có thông báo và cho rằng “trong chương trình ra mắt ban có một số cá nhân, đơn vị muốn hợp tác với Ban. Do đó đã đề nghị chúng tôi cho họ được tham dự là thành viên của Ban…. Vì là tổ chức mới được hình thành, một số cá nhân tham gia ban cũng chưa hiểu và chưa phân biệt được pháp nhân của Viện với các cơ quan hỗ trợ Nhà nước (nếu có) như Chính phủ, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường… nên đã phát biểu đưa thông tin thiếu chính xác. Do đó, chúng tôi nghiêm túc tiếp thu sự phán ánh của báo chí, để chấn chỉnh hoạt động của viện được tốt hơn”.
Như vậy đến nay, Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và Chống hàng giả TP.HCM đã có 4 phó ban xin miễn nhiệm chỉ sau vài ngày ban này thành lập - một tình huống khá hi hữu. Đáng chú ý, ngoài ông Trần Quý Thanh xin rút lui vì lý do sức khoẻ, thì 3 phó ban đều chung lý do "không đủ năng lực". Điều này đặt ra những băn khoăn về tiêu chí thành lập, tổ chức hoạt động cũng như công tác lựa chọn nhân sự của tổ chức này.
Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam thuộc Viện Công nghệ chống làm giả, trực thuộc Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam.
Viện Công nghệ chống làm giả thường xuyên tổ chức các chương trình tôn vinh thương hiệu doanh nghiệp rầm rộ, công khai. Tuy nhiên, các chương trình này bị đặt nhiều dấu hỏi về cách thức tổ chức, chất lượng đơn vị được vinh danh. Trong đó, tai tiếng nhất là vụ vinh danh Vinaca - doanh nghiệp sản xuất thuốc ung thư giả bằng bột than tre. Cựu tổng giám đốc Vinaca vừa bị xử phạt 22 năm tù về hành vi sản xuất loại thuốc giả này.