Vụ bị can Trần Bắc Hà tử vong: “Đống rác” ở BIDV sẽ được dọn như thế nào?

GD&TĐ - Việc bị can Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tử vong do trọng bệnh trong quá trình bị giam giữ để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy sau cái chết của ông Trần Bắc Hà, “đống rác” còn lại sẽ được xử lý như thế nào?

Bị can Trần Bắc Hà khi còn là Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Bị can Trần Bắc Hà khi còn là Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

“Đống rác” liên quan đến Trần Bắc Hà

Ngày 18/7, thông tin về cái chết của bị can Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch BIDV được xác nhận, truyền thông đưa tin. Cái chết của bị can đặc biệt này được cho là do mắc trọng bệnh.

Như vậy, sau 35 năm công tác tại BIDV (1981 - 2016) với nhiều ồn ĩ về công, tội, cuộc đời của ông Trần Bắc Hà đã kết thúc. Ông Hà chính thức dính vòng lao lý khi Bộ Công an khởi tố, bắt giam (cuối tháng 11/2018) cùng với các bị can khác để điều tra về tội danh: Vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng…

Một trong những dự án được xác định có bàn tay “nhúng chàm” của bị can quá cố Trần Bắc Hà là dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Công ty Bình Hà tại các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh. Ở dự án này BIDV đã cấp gói tín dụng hơn 3.000 tỉ đồng. BIDV chi nhánh Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay dài hạn 2.190 tỉ đồng và ngắn hạn là 972 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, đã xảy ra một số sai phạm liên quan tới việc sử dụng nguồn tiền 860 tỉ đồng của Công ty Bình Hà vay vốn dài hạn tại Ngân hàng BIDV Hà Tĩnh. Sau đó, cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã vào cuộc điều tra.

Thực tế, hiện nay dự án nuôi bò… trên giấy này giống như một “đống rác”, bê bết, chủ đầu tư không phát triển được như phương án kinh doanh, nhiều diện tích trồng cỏ, hay làm chuồng trại được thay thế bằng việc… trồng chuối. Thực trạng của dự án này đã được Báo GD&TĐ phản ánh trước đây.

Theo báo cáo của Công ty Bình Hà, dự án nuôi bò năm 2016 lỗ hơn 200 tỉ đồng. Hiện công ty này không có khả năng trả nợ cho BIDV, gây tổng thiệt hại cho BIDV đến thời điểm hiện tại là hơn 890 tỉ đồng.

Các bị can còn lại trong vụ án liên quan đến Trần Bắc Hà là: Trần Lục Lang - cựu Phó Tổng giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa - cựu Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh - cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh vẫn đang được tiếp tục điều tra theo quy định hiện hành của pháp luật.

Sau “đống rác” nuôi bò của Công ty Bình Hà, bị can Trần Bắc Hà tiếp tục được xác định có vi phạm cấp duyệt tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng hàng trăm tỉ đồng. Đầu tháng 1/2019, cơ quan tố tụng tiếp tục khởi tố bổ sung tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” đối với bị can Trần Bắc Hà.

Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng mặc dù không đủ điều kiện để được cấp tín dụng, vay vốn kinh doanh nhưng vẫn được BIDV ưu ái cấp. Hành vi này đã gây thiệt hại lớn cho BIDV.

Ngoài hai thương vụ cấp tín dụng nghìn tỉ nêu trên, ông Trần Bắc Hà còn bị cơ quan có thẩm quyền xác định đã vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Công ty Bình Hà tại các huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh do BIDV đã cấp gói tín dụng hơn 3.000 tỉ đồng không phát huy hiệu quả.
Dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Công ty Bình Hà tại các huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh do BIDV đã cấp gói tín dụng hơn 3.000 tỉ đồng không phát huy hiệu quả.

Vụ án sẽ được xử lý như thế nào?

Vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm là vụ án liên quan đến bị can Trần Bắc Hà sẽ được xử lý như thế nào? Có ảnh hưởng gì không khi mà bị can được xác định là đứng đầu vụ án đã tử vong? Vụ án có đi vào bế tắc?

Chiều 19/7, trao đổi với Báo GD&TĐ, luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn luật sư Hà Nội phân tích: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Điều 230), đối với trường hợp bị can bị chết trong quá trình điều tra, cơ quan tiến hành hoạt động tố tụng phải có quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đó. Trong vụ án Trần Bắc Hà còn có nhiều bị can khác, vì vậy ở đây chỉ là đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Bắc Hà (do đã chết), còn vụ án vẫn được tiến hành điều tra bình thường.

Theo luật sư Thu phân tích, trong vụ án cơ quan công an đã khởi tố, Trần Bắc Hà như là nhân vật đứng đầu. Như vậy cái chết của bị can này có phần khiến cho hoạt động điều tra gặp khó khăn. Hành vi phạm tội của bị can, bị cáo dựa vào lời khai chỉ là một phần, quan trọng là các dấu hiệu, dấu vết tội phạm còn thể hiện tại các chứng cứ vật chất khác được cơ quan tố tụng điều tra, thu thập. Vì vậy, những đối tượng vi phạm pháp luật còn lại sẽ vẫn được chứng minh, xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

Luật sư Bùi Quang Thu cũng cho biết, bị can Trần Bắc Hà tử vong thì theo luật, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự không được đặt ra nữa. Nhưng trách nhiệm dân sự có thể không được bỏ qua. Cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn truy cứu trách nhiệm dân sự, tương ứng với tài sản để lại. Những người thừa kế có trách nhiệm phải đứng ra thực hiện các thủ tục để bồi hoàn thiệt hại.

“Khi một người chết đi để lại các nghĩa vụ dân sự, đầu tiên phải dùng tài sản do người chết để lại để giải quyết các nghĩa vụ dân sự. Nếu còn thừa mới chia thừa kế. Nếu nghĩa vụ lớn hơn số tài sản người khác thừa kế thì chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản để lại” - luật sư phân tích.

Tuy nhiên, khi trao đổi với các luật sư khác, có ý kiến cho rằng việc xử lý trách nhiệm dân sự với bị can đã chết trong giai đoạn điều tra là khó khăn. Cơ quan tố tụng phải đình chỉ điều tra đối với bị can (đã tử vong), vì đó khó có căn cứ để thu hồi tài sản cho Nhà nước trong trường hợp tài sản do phạm tội mà có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ