Dư luận những ngày gần đây lại thêm một lần phẫn nộ trước sự việc bé gái 4 tuổi bị chính mẹ đẻ và cha dượng bạo hành một cách dã man dẫn đến chấn thương sọ não.
Chắc hẳn nhiều người chưa thể hết xót xa khi chứng kiến hình ảnh của bé Đỗ Thị Kim Ngân (Bình Dương) nằm trên giường bệnh với khuôn mặt bầm tím, đôi mắt sưng húp vì bị đánh đập dã man cùng chi chít các vết thương tích trên khắp cơ thể.
Một đứa bé mới 4 tuổi chưa thể cảm nhận hết được tình yêu thương trong cuộc sống đã phải gánh chịu tất cả những nỗi đau và sự hành hạ tàn ác nhất do chính bố mẹ mình gây ra, đó là điều khiến dư luận phẫn nộ nhất.
Theo lời kể của người hàng xóm tốt bụng – một người xa lạ đã yêu thương, chăm sóc bé Ngân trong suốt những ngày bé nằm trong bệnh viện, thì sau rất nhiều trận đòn roi, dường như bé đã bị những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, bởi trong những giấc mơ, bé Ngân vẫn giật mình khóc thét, van xin rằng “Ba mẹ ơi đừng đánh con, đừng liệng con đi, đừng chích điện con…”.
Những câu nói trong cơn mê của bé Ngân dường như phần nào đã tố cáo tội ác và những hành động man rợ mà chính những người được bé gọi là ba, là mẹ đã đối xử với bé.
Trong xã hội ngày nay, ngược đãi người khác là một hành vi đáng bị lên án, nhưng ngược đãi trẻ em lại đáng lên án gấy trăm nghìn lần. Vì vậy, sau khi sự việc xảy ra, dư luận mong rằng sẽ có một hình phạt thích đáng đối với cặp vợ chồng Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long), là 2 người đã trực tiếp bạo hành bé Ngân rất nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên, về trường hợp này, Luật sư Hoàng Cao Sang - Văn phòng Luật sư Hoàng Việt nhận định: “Trong trường hợp này tôi cho rằng đã có đầy đủ căn cứ để khởi tố ba mẹ cháu bé về tội cố ý gây thương tích đối với hành vi đánh đập cháu bé đến bầm tím mặt và chấn thương sọ não”.
“Theo thông tin ban đầu thì chúng ta chưa có tỷ lệ thương tật nhưng vẫn có thể khởi tố được, bởi lẽ, phạm tội đối với trẻ em thì không cần xét là thương tật trên 11% mới khởi tố” – Luật sư Hoàng Cao Sang giải thích thêm.
Luật sư Hoàng Cao Sang - Văn phòng Luật sư Hoàng Việt. |
Theo Luật sư Hoàng Cao Sang, sau khi khởi tố, cơ quan điều tra sẽ đưa cháu đi giám định thương tật để xác định khung hình phạt. Nếu thương tật dưới 30% thì xét theo khoản 1, Điều 104 BLHS, mức hình phạt sẽ từ phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Nếu tỉ lệ thương tật của cháu bé từ 31%-60% thì xét theo khoản 2, Điều 104 BLHS, mức hình phạt tù sẽ là từ hai năm đến bảy năm.
“Vì trong trường hợp này, vì bố mẹ cháu bé đã đánh đập bé, và đã gây thương tích, nên đây không chỉ đơn thuần là hành vi ngược đãi trẻ em nữa, mà đó được coi là hành vi Cố ý gây thương tích. Và theo khoản 4, Điều 104 Bộ luật hình sự thì mức án cao nhất mà bố mẹ bé Ngân có thể đối mặt sẽ từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân” – Luật sư Sang nhấn mạnh.
Lý giải thêm, luật sư Hoàng Cao Sang cho biết, thông thường thì với tỉ lệ thương tật trên 11% mới bị khởi tố về tội cố ý gấy thương tích, nhưng trong một số trường hợp thì ko cần là xét đến tỉ lệ thương tích là trên 11% như trường hợp phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già, người ko tự vệ được, phạm tội nhiều lần...
Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc liệu bố mẹ của bé Đỗ Thị Kim Ngân có bị truất quyền nuôi con vì những hành vi bạo hành con đã gây ra hay không, luật sư Hoàng Cao Sang cho biết, hiện nay, trong luật chưa có điều khoản nào quy định về việc truất quyền nuôi con của bố mẹ.
“Tuy nhiên, nếu bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích, thì mức án cao nhất mà bố mẹ cháu Đỗ Thị Kim Ngân có thể phải đối mặt sẽ là mức án chung thân.
Trong trường hợp đó, bé Ngân sẽ được giao lại cho người thân, cho những người có nhu cầu nhận nuôi và sẽ được đảm bảo nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất, không phải chịu sự bạo hành như trước nữa” – luật sư Hoàng Cao Sang nhấn mạnh.