Vụ bắt cóc học sinh gây chấn động nước Mỹ

GD&TĐ - 27 học sinh và tài xế lái xe bus bị bắt cóc ở thành phố Chowchilla, bang California, sau đó tự giải thoát. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những vụ bắt cóc lớn nhất nước Mỹ cả về quy mô lẫn số lượng nạn nhân.

Tài xế Edward (ở giữa) được học sinh, phụ huynh nhà trường tin tưởng, yêu quý.
Tài xế Edward (ở giữa) được học sinh, phụ huynh nhà trường tin tưởng, yêu quý.

Chuyến xe “định mệnh”

Chiều ngày 15/7/1976, tài xế Frank Edward Ray Jr, 55 tuổi, lái xe đưa đón 31 học sinh Trường Dairyland Union, thành phố Chowchilla, bang California, Mỹ trở về nhà sau trại hè kéo dài 6 tuần. Chiếc xe di chuyển nhẹ nhàng trên những con đường thưa thớt người qua lại. Sau khi thả 5 học sinh tại trạm dừng chân, ông Edward tiếp tục tăng tốc đưa 26 học sinh về nhà trước khi trời tối.

Tại Trường Dairyland Union, ông Edward đều được học sinh, phụ huynh biết đến và tin tưởng. Sinh ra và lớn lên tại thành phố Chowchilla, ông quen biết hầu hết các phụ huynh. Một số học sinh trên xe hôm đó là con cái của bạn bè ông. Chiếc xe chở theo những đứa trẻ mệt nhoài sau kỳ trại hè đang mong ngóng được trở về nhà cùng gia đình.

Tuy nhiên, khi xe đi đến một ngã ba vắng vẻ, một chiếc ô tô màu trắng đột ngột lao ra phía trước khiến tài xế phải giảm tốc để tránh va chạm. Ngay sau đó, chiếc xe dừng lại giữa đường, ba người đàn ông bịt mặt nhảy xuống, chĩa súng trường về phía xe bus, buộc ông Edward phải dừng hẳn xe lại. Nhóm người leo lên xe, dùng súng uy hiếp ông Edward nhường lại vị trí tài xế và tự lái xe vào một con mương cằn cách đó một cây số.

Sau đó, chúng áp tải nhóm học sinh và tài xế lên hai chiếc xe. 12 đứa trẻ được dẫn vào chiếc xe tải màu trắng. Edward cùng 14 đứa trẻ khác lên chiếc xe màu xanh lục đậu phía sau. Có một vách ngăn sau ghế lái và các cửa sổ được bịt kín. 27 con tin bị bắt cóc chỉ trong thoáng chốc.

Trong khi đó, tại thành phố, các phụ huynh bắt đầu lo lắng khi thấy con chưa về nhà. Họ biết rằng, ông Edward vốn là người đúng giờ nên đã gọi điện báo thầy hiệu trưởng Lee Roy Tatom. Thời điểm đó là khoảng 4 giờ 15 phút chiều.

Ban đầu, thầy Roy cho rằng xe bus bị hỏng dọc đường nên cử nhân viên kiểm tra các điểm dừng của xe và gara gần đó nhưng không thấy tung tích. Chiếc xe dường như đã “bốc hơi” khỏi thành phố. Nhận thấy có điều không ổn, thầy Roy liền gọi điện báo cảnh sát.

Bên trong chiếc xe tải nhốt con tin.
Bên trong chiếc xe tải nhốt con tin.

Các đội tuần tra lập tức được phân công tìm kiếm quanh khu vực. Nhưng đến 7 giờ 30 phút tối cùng ngày, một người dân địa phương mới tình cờ phát hiện chiếc xe bus đỗ ở đầm lầy. Cách đó là hai vết lốp xe trượt dài.

Nghi ngờ nhóm học sinh bị bắt cóc, cảnh sát địa phương đã phối hợp cùng cảnh sát bang California cử người lùng sục toàn bộ khu vực này. Chính quyền bang California đã cử hai chiếc trực thăng tham gia cuộc tìm kiếm số người mất tích lớn nhất lịch sử bang và tăng cường tuần tra dọc theo đường cao tốc California.

Tối hôm đó, phụ huynh của các nạn nhân tập trung ở các tòa nhà công cộng để tổ chức lễ cầu nguyện. Họ cũng được lấy lời khai phục vụ cho quá trình điều tra nhưng không thu về manh mối nào.

Người dân địa phương truyền tai nhau những lời đồn đoán vô căn cứ nhưng vô cùng bí hiểm. Lũ trẻ có thể đã bị bắt cóc, thậm chí bị sát hại, bởi một kẻ giết người hàng loạt vì chỉ những kẻ máu lạnh mới có thể làm việc này. Cũng có thể, một nhóm cướp địa phương đã bắt cóc lũ trẻ, thu hút sự chú ý của cảnh sát vào vụ án để tranh thủ thời gian... cướp ngân hàng.

Bên cạnh đó, có cả sự nghi ngờ dành cho tài xế Edward. Nhưng cảnh sát lập tức phủ nhận tin đồn này vì nếu hành động, ông Edward sẽ không bao giờ chọn nhóm học sinh mà ông thân thuộc. Hơn nữa, người đàn ông này có tính cách dễ mến, tốt bụng, thường xuyên giúp đỡ người khác và không có liên hệ với bầt kỳ tổ chức, băng đảng nào. Ông Edward không có bất kỳ mục đích nào để bắt cóc nhóm học sinh.

FBI được tăng cường để hỗ trợ cảnh sát địa phương. Phóng viên các tờ báo, đài truyền hình từ khắp nơi đổ về thành phố đưa tin. Người dân được kêu gọi cung cấp các manh mối có giá trị giúp tìm ra nạn nhân và kẻ chủ mưu.

Đường xuống chiếc xe tải giam giữ các nạn nhân chôn sâu dưới lòng đất.
Đường xuống chiếc xe tải giam giữ các nạn nhân chôn sâu dưới lòng đất.

Cuộc tháo chạy ngoạn mục

Cùng lúc đó, ông Edward và những đứa trẻ đã di chuyển trên xe suốt 11 tiếng đồng hồ trong bóng tối và cái nóng như thiêu đốt. Ba kẻ lạ mặt đưa họ đến một mỏ đá ở thành phố Livermore, cách Chowchilla khoảng 160km. Ông Edward ước đoán, thời điểm họ bị áp tải xuống xe là 3 giờ 30 phút sáng.

Ông là người đầu tiên bước ra ngoài. Một trong ba tên hỏi tên ông, người kia bắt ông cởi quần và giày. Hắn ta đưa ông một chiếc đèn pin, yêu cầu đi xuống một hố sâu gắn thang gần đó. Phía sau Edward, lần lượt từng đứa trẻ bị hỏi tên, lấy đi những tài sản có giá trị và theo tài xế xuống hầm tối.

Đường hầm hẹp dẫn xuống một chiếc xe tải cũ kỹ, bị chôn vùi dưới mặt đất khoảng 6m như một phần của dự án bãi rác sau Thế chiến thứ hai. Bên hông xe có hai ống thông gió bằng nhựa màu trắng xuyên qua lớp đất để đón không khí trên bề mặt.

Các cạnh và trần xe bị cong vênh do sức nặng của đất và bụi bẩn xung quanh. Trên xe chất đầy nệm, khăn trải giường, khoai tây chiên, bim bim và nước uống. Phía cuối xe có khoét một số lỗ tròn thay cho nhà vệ sinh.

Sau khi bọn trẻ chui vào trong, ba kẻ bịt mặt dùng tấm thép chắn lối vào rồi kê một tấm sắt nặng gần 50 kg khóa chặt cửa. Quá sợ hãi, lũ trẻ bật khóc, la hét cầu xin được thả. Đáp lại chúng là tiếng động cơ ô tô nhỏ dần, báo hiệu nhóm bắt cóc đã bỏ đi.

Dù hoảng loạn, ông Edward vẫn cố gắng trấn tĩnh bọn trẻ. Ông và những đứa trẻ lớn nhất xếp chồng những tấm nệm lên nhau để với đến cánh cửa trên của xe tải. Tuy nhiên, với sức nặng của vật chắn, họ không thể xoay chuyển cánh cửa. Sau đó, họ sử dụng một thanh gỗ dày mà bọn bắt cóc bỏ quên trong xe để nạy cửa rồi từ từ đẩy tấm sắt qua một bên và gạt bớt lớp đất đi. Nhờ đó, họ mở được một lối thoát nhỏ.

Ông Edward tiếp tục kiên nhẫn thuyết phục, dỗ dành những đứa trẻ nhỏ nhất trèo qua lỗ nhỏ để thoát thân. Dù rất sợ hãi nhưng được vị tài xế tốt bụng dỗ dành, các em cũng chịu chui ra ngoài. Sau hàng giờ đồng hồ vật lộn trong hầm đất, cả nhóm đã thoát ra khỏi “chiếc xe tải tử thần” an toàn. Ai nấy đều mệt lả và đói bụng.

Khi họ thoát ra ngoài an toàn đã là chiều tối một ngày sau đó, ngày 16/7. Trên đường bỏ trốn, nhóm tình cờ bắt gặp bảo vệ của mỏ đá. Sau khi đếm thấy nhóm có 27 người, bảo vệ nhận ra đây chính là các nạn nhân nên lập tức báo cho cảnh sát địa phương. Tất cả các con tin đều bình an vô sự.

Tuy vậy, cảnh sát vẫn không tìm được nghi phạm, không xác định được động cơ gây án. Theo các nhân chứng, nhóm người đều bịt kín mặt nhưng thông qua cử chỉ, dáng điệu, họ có thể là đàn ông trưởng thành. Trong đó, 2 người luôn mang theo súng trường còn một người khác làm tài xế và những việc vặt khác. Suốt hành trình bắt cóc con tin, ba tên rất kiệm lời, không mấy khi trao đổi.

Các con tin được bảo vệ sau khi trốn thoát an toàn.
Các con tin được bảo vệ sau khi trốn thoát an toàn.

Tội ác của “cậu ấm, cô chiêu”

Cảnh sát nhanh chóng nghi ngờ Frederick Newhall Woods IV, 24 tuổi, có liên quan đến vụ bắt cóc vì hắn ta là con trai của chủ mỏ đá. Frederick có chìa khóa vào mỏ đá và từng sở hữu những chiếc xe giống với xe nhốt các nạn nhân. Hắn ta có hai người bạn thân thiết là James và Richard Schoenfield. Cả ba từng bị bắt vì tội trộm xe và nhận án tù treo.

Qua điều tra, cảnh sát phát hiện hai khẩu súng trường trong một khu đất của cha Frederick, trùng với miêu tả của ông Edward và một lá thư đòi tiền chuộc. Cảnh sát lập tức phát lệnh truy nã nhưng cả ba đã nhanh chân bỏ trốn. Vài tuần sau, Frederick bị bắt tại Canada, James bị bắt ở California còn Richard tự ra đầu thú.

Nhóm bắt cóc khai rằng tối đó, chúng muốn đòi 5 triệu USD tiền chuộc nhưng không thể liên lạc với cảnh sát do người dân, báo chí liên tục gọi điện hỏi thăm vụ án khiến đường truyền bị nghẽn. Nản chí, bọn chúng quyết định về nhà ngủ và hôm sau gọi lại nhưng ngày hôm sau, chúng biết tin các nạn nhân đã bỏ trốn. Lo sợ bị phát giác, bọn chúng liền rời khỏi thành phố Chowchilla mà quên không thu dọn bằng chứng.

Kẻ chủ mưu trong vụ án chính là Frederick Newhall Woods IV, chàng thanh niên có vẻ ngoài bảnh bao, hài hước. Cha của Fred, Frederick Newhall Woods III, sở hữu khối lượng bất động sản và tài sản khổng lồ. Sinh ra đã “ngậm thìa vàng”, Fred có lối cư xử xa cách, lạnh lùng với bạn bè đồng trang lứa. Hắn ít khi ra khỏi nhà mà say mê sưu tập xe cổ.

Fred cùng với hai anh em Richard và James, cũng xuất thân từ gia đình giàu có, thành lập công ty buôn bán xe cũ nhưng việc kinh doanh không thành công. Cả ba lâm vào cảnh nợ nần và chưa được quyền thừa kế tài sản. Là người yêu thích điện ảnh, Fred đã nảy ra ý tưởng bắt cóc con tin dựa trên bộ phim hành động “Dirty Harry”. Hắn cho rằng, nếu bắt cóc càng nhiều con tin, khối tiền chuộc sẽ càng lớn.

(Từ trái sang) Frederick, James và Richard.
(Từ trái sang) Frederick, James và Richard.

Nhưng điều hắn không ngờ tới là vụ bắt cóc đã thu hút sự chú ý của cả nước. Khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát, cả nhóm, vốn là những công tử được bao bọc, không biết phải làm thế nào ngoài bỏ trốn.

Bộ ba bị kết án tù chung thân. Richard Schoenfeld đã được ân xá vào tháng 6/2012, trong khi James Schoenfeld, được trả tự do vào tháng 8/2015. Riêng Fred, đơn ân xá của hắn đã được thông qua vào tháng 2/2022. Nếu được thả tự do, hắn có thể sẽ trở lại sống ở thành phố Chowchilla như trước khi vụ bắt cóc xảy ra.

Cho đến nay, vụ bắt cóc trẻ em ở thành phố Chowchilla trở thành một trong những vụ bắt cóc lớn nhất nước Mỹ cả về quy mô lẫn số lượng nạn nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ