Không biết mình sai cái gì?
Ngày 18/9, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án ông Nguyễn Thành Tài (nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM giai đoạn 2008 - 2011) bước sang ngày làm việc thứ 3.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy là người đầu tiên thực hiện quyền tự bào chữa về cáo buộc đồng phạm với ông Tài, bị đề nghị mức án 7 - 8 năm tù. Bị cáo Thúy cầm theo bản nội dung trình bày trước tòa.
Khác với vẻ mạnh mẽ trước đây, bị cáo Thúy giọng đầy xúc động và trình bày trong nước mắt: “Cách đây 345 ngày, tôi nhận được quyết định khởi tố và bắt tạm giam. Tôi không thể nào quên được cảm xúc kinh hoàng của ngày hôm đó.
Gần một năm qua, tôi không có đêm trọn giấc bởi luôn tự hỏi đã làm điều gì sai, vì sao mình ra nông nỗi này? Sự bế tắc vì không tìm được câu trả lời đã khiến căn bệnh trầm cảm và rối loạn cảm xúc của tôi tái phát, thậm chí nghĩ đến cái chết dù tôi vẫn biết mình còn cha mẹ già và hai con thơ dại”.
“Tôi đã đếm từng ngày để được đứng ở công đường, trình bày đầy đủ về những việc đã làm và cũng để nhắn gửi những người thân yêu, con gái, hiểu và tin tưởng vượt qua những phán xét khắc nghiệt của dư luận xã hội…” - bị cáo Thúy nói.
Ngoài ra, bị cáo Thúy cho rằng đã đọc hàng trăm lần cáo buộc “lợi dụng mối quan hệ tình cảm với ông Nguyễn Thành Tài”, sau đó soi lại từng bước tham gia dự án để tìm các chứng cứ mà cơ quan điều tra dùng buộc tội mình.
“Điều duy nhất tôi ngộ ra là cơ quan điều tra đã không xem xét, ghi nhận bất cứ lời khai nào của tôi và sử dụng một chứng cứ duy nhất là lời khai đơn phương từ ông Nguyễn Thành Tài về sự tồn tại quan hệ tình cảm với tôi…
Trong mấy ngày qua, ông Tài đã khai rất rõ về bản chất thật sự của mối quan hệ tình cảm này. Đó có phải là chứng cứ hay không dưới góc độ pháp lý, để luật sư thay tôi làm rõ” - bị cáo Thúy trình bày, đồng thời cho rằng cơ quan điều tra đã suy diễn chữ “quan hệ tình cảm” một cách chủ quan để buộc tội.
Mặt khác, bị cáo Thúy cũng mong HĐXX xem xét thấu đáo. “Khi thực hiện chức năng của một cổ đông, tôi cam kết thực hiện dự án, khi miếng đất này bỏ trống nhiều năm. Vì vậy, tôi trục lợi hay giải quyết được vấn đề miếng đất bỏ trống nhiều năm qua.
Là doanh nghiệp tham gia vào dự án với tư cách là nhà đầu tư được mời gọi, tôi đã thực hiện tất cả yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan chức năng để được tham gia dự án, vậy tôi sai phạm chỗ nào… Mong HĐXX xem xét thấu đáo” - bị cáo Thúy nêu.
Khi đề cập đến trách nhiệm của người làm mẹ, làm con, bị cáo Thúy nghẹn ngào nói: “Tôi thực sự xót thương, ân hận, day dứt vì mình đã đẩy những người thân yêu nhất vào vòng xoáy của sự thị phi, tai tiếng. Tôi đã thực sự kiệt quệ, tuyệt vọng với câu hỏi chưa có lời giải đáp ‘sao có thể đơn giản truy tố tôi như vậy’”.
Luật sư yêu cầu trình chứng cứ về quan hệ tình cảm
Tại phiên xét xử, luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy đề nghị Viện KSND đưa trình chứng cứ tin nhắn, video hay chứng cứ qua đêm thể hiện mối quan hệ tình cảm của ông Nguyễn Thành Tài và thân chủ mình.
Cụ thể, trong phần bào chữa bổ sung cho bị cáo Thúy, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch khẳng định chứng cứ duy nhất để buộc tội thân chủ mình trong cáo trạng là nội dung “có quan hệ tình cảm với ông Tài, từ đó xúi giục ông Tài ký nhanh, ký nhiều văn bản trái pháp luật để trục lợi từ những văn bản này”.
Theo luật sư Trạch, nghĩa vụ chứng minh tội phạm là của cơ quan tiến hành tố tụng. Nhưng cơ quan tố tụng chưa đưa ra chứng cứ nào chứng minh tội phạm, kể cả tại tòa, rằng “với chứng cứ này, có nhận tội hay không”.
“Chính điểm buộc tội thân chủ tôi là “đã ký ban hành văn bản xin tham gia dự án, xin giao và cho thuê đất. Nhưng văn bản này ban hành dựa vào cổ đông. Vậy, văn bản này trái quy định nào, văn bản quy phạm pháp luật nào, mong được VKS đối đáp lại” - luật sư Trạch trình bày tại tòa.
Liên quan mối quan hệ tình cảm giữa ông Tài và bà Thúy như cáo trạng đề cập, luật sư Trạch cho rằng “không có chứng cứ nhưng lại suy diễn rằng vì tình cảm mà ban hành văn bản trái pháp luật, đây là sự kết tội khiên cưỡng”.
Đồng thời, khi đề cập về hành vi cho rằng thân chủ mình xúi giục ông Tài ký nhiều văn bản trái pháp luật, luật sư Trạch cũng đề nghị phía Viện KSND phải “cho thấy” được chứng cứ, không suy diễn. Đó là những chứng cứ tin nhắn, video hoặc chứng cứ qua đêm hay một loại chứng cứ vật chất nào khác, nếu không việc suy diễn là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm đối với thân chủ ông.
Đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Kiệt?
Trong phần bào chữa cho bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TPHCM), luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng, bị cáo (hay Sở Tài nguyên và Môi trường) không tham gia vào quá trình TPHCM phê duyệt chủ đầu tư thực hiện dự án. Khi Công ty Lavenue làm chủ đầu tư, bị cáo bắt đầu xem xét, thẩm định hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp. Sở sau đó đề xuất cho phép Công ty Lavenue được áp dụng 2 hình thức sử dụng đất là giao đất đối với khu số 8 và thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu số 12 Lê Duẩn.
Đồng thời, luật sư Công không phản đối quan điểm buộc tội của Viện KSND TPHCM là “tiền đề cho phép Công ty Lavenue làm chủ đầu tư thực hiện dự án là sai phạm, trái Quyết định 09/2007/QĐ-TTg nên các mệnh đề kéo theo sau sẽ sai toàn bộ do không đúng đối tượng sử dụng đất”.
Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rõ về nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi xác định vị trí, vai trò của từng đối tượng, nên luật sư đề nghị tòa xem xét căn cứ trên hành vi khách quan và mặt chủ quan để có kết luận chính xác.
Từ khía cạnh này, luật sư Công đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự cho ông Kiệt và bị cáo Nguyễn Hoài Nam (cựu Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM) theo điểm a Khoản 1 Điều 29 BLHS 2015 quy định: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.