Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Nhiều người nổi tiếng được triệu tập

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ 21 - 22/9, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm.

Những buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng có đến hơn nửa triệu người theo dõi. (Ảnh chụp màn hình)
Những buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng có đến hơn nửa triệu người theo dõi. (Ảnh chụp màn hình)

Trong vụ án này, bị cáo Hằng cùng 4 đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tòa triệu tập nhiều nghệ sĩ

Theo hồ sơ vụ án, từ khoảng tháng 3/2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội, Nguyễn Phương Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream phát ngôn trực tiếp về chuyện bí mật đời tư và những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của các cá nhân, gồm: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.

Đặng Anh Quân (nguyên giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM) đã tương tác, tham gia bình luận trực tiếp trong 11 buổi livestream của bà Hằng, cổ vũ về tinh thần, tiếp thêm ý chí cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, trong buổi livestream ngày 24/12/2021, ông Quân đã phát ngôn có nội dung đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của ông Võ Nguyễn Hoài Linh.

Công an TPHCM cũng xác định, Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty CP Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Ðại Nam) đã thực hiện các nhiệm vụ đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream.

Ba người này còn in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng.

Riêng đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến Nguyễn Phương Hằng nhằm mục đích “câu like”, tăng thu nhập, Cơ quan điều tra Công an TPHCM và các đơn vị chức năng liên quan đang xác minh, làm rõ để xử lý.

Phiên tòa cũng triệu tập ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, bà Ðặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam, chồng bà Hằng), ông Nguyễn Đình Kim đến tham dự phiên tòa.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan điều tra. (Ảnh: CACC)

Bà Nguyễn Phương Hằng tại Cơ quan điều tra. (Ảnh: CACC)

Ứng xử đúng đắn trên không gian mạng

Tính đến nay, bà Nguyễn Phương Hằng đã bị bắt, tạm giam hơn 500 ngày (kể từ 24/3/2022).

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM, xuyên suốt quá trình bà Nguyễn Phương Hằng livestream, các cơ quan chức năng đã có ít nhất 4 lần mời bà Nguyễn Phương Hằng lên nhắc nhở, khuyến cáo, cảnh cáo.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Phương Hằng né tránh, tỏ thái độ thách thức, không chấp hành khuyến cáo, phân tích của các cơ quan chức năng.

Chủ tọa phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm là thẩm phán Bùi Đức Nam, thẩm phán dự khuyết là ông Nguyễn Tuấn Anh. Đại diện Viện KSND TPHCM là ông Đinh Quốc Dũng, Nguyễn Quang Duyệt, Võ Thành Đủ.

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng có 1 luật sư bào chữa là ông Hồ Nguyên Lễ.

Ông Đặng Anh Quân có 3 luật sư tham gia bào chữa là Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Tri Thắng và Lê Thị Quỳnh Anh.

Ông Huỳnh Công Tân, bà Nguyễn Thị Mai Nhi và bà Lê Thị Thu Hà không mời luật sư bào chữa.

Theo ông Phạm Ngọc Duy, Chánh Văn phòng TAND TPHCM, vụ án được đưa ra xét xử công khai, tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan, trụ sở TAND TPHCM đang được tu sửa… nên tòa không thể bố trí nhiều chỗ ngồi cho người dân đến dự khán.

“Người dân quan tâm đến phiên tòa có thể theo dõi qua báo đài, tránh tụ tập trước cổng trụ sở Tòa án, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, an ninh khu vực”, ông Duy nhấn mạnh.

Cũng theo ông Duy, đây là lần đầu tiên TAND TPHCM đưa ra xét xử hình sự hành vi livestream nói xấu người khác trên nền tảng mạng xã hội.

Ông Duy cho biết, dù người dân được tự do sử dụng mạng xã hội, tiếp cận thông tin nhưng phải trong khuôn khổ cho phép của pháp luật.

Thời gian qua, có những cá nhân đã bị xử lý về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tuy nhiên chỉ dừng ở mức bị xử lý hành chính, chưa đến mức bị xử lý hình sự.

Ông Duy lưu ý người dân, đặc biệt là những người trẻ, phải tự “tạo sức đề kháng” với thông tin xấu, độc, phải chọn lọc thông tin khi chia sẻ, bình luận để ứng xử đúng đắn trên không gian mạng, tránh rơi vào những trường hợp đáng tiếc.

Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở để xử lý hình sự ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam; chồng bà Phương Hằng) với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Hằng trong các buổi livestream. Viện KSND TPHCM nêu quan điểm việc Cơ quan điều tra không khởi tố ông Dũng là có căn cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).
Ảnh minh họa.

Giá trị của hòa bình

GD&TĐ - Ralph Waldo Emerson từng nói: “Những chiến thắng thật sự và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, không phải của chiến tranh”.
Gia đình 3 thế hệ ông Trần Út Nhì vào rừng ăn ong. Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng.

Về U Minh Hạ theo chân thợ rừng 'ăn ong'

GD&TĐ - 'Ăn ong' như thế nào để không bị ong đốt, giữ được lượng mật và để ong còn trở về làm tổ, có lẽ chỉ những người thợ rừng lâu năm ở U Minh Hạ mới biết.