'Vụ án 7 nàng tiên' rúng động Trung Quốc

GD&TĐ - Bảy nữ sinh trong một phòng ký túc xá tại Thiên Tân (Trung Quốc) qua đời vì bị đầu độc bằng thuốc trừ sâu...

Trường Trung học số 1 Tĩnh Hải là trường trọng điểm tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Trường Trung học số 1 Tĩnh Hải là trường trọng điểm tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

7 thi thể nữ sinh

Nửa đêm 22/12/1998, trong khi toàn bộ ký túc xá Trường Trung học số 1 Tĩnh Hải, thành phố Thiên Tân, chìm trong tĩnh lặng thì 8 nữ sinh ở phòng 112 lại trằn trọc khó ngủ. Khi chuẩn bị nghỉ ngơi, họ ngửi thấy mùi hăng nồng trong không khí nên quyết định đi tìm nguồn gốc của nó.

Bước ra ngoài hành lang, họ phát hiện mùi lạ xuất phát từ phòng 113 đối diện nên sang gõ cửa nhưng không có ai trả lời. Người quản lý nghe thấy tiếng động nhưng khuyên các nữ sinh trở về phòng ngủ, mọi việc để sáng mai giải quyết. Nghe lời người quản lý, các nữ sinh lần lượt về phòng.

6 giờ sáng hôm sau, mùi hăng vẫn chưa tan biến. Các nữ sinh đến phòng 113, thấy cửa khép hờ nên đẩy vào. Cảnh tượng trước mặt khiến họ sợ hãi đến mức khuỵ ngã.

Trong căn phòng nhỏ, thi thể 7 nữ sinh nằm lẫn lộn với nhiều tư thế. Có nữ sinh ôm chặt chăn, em khác nằm trong tư thế co quắp trong góc tường hay có nữ sinh muốn bò ra ngoài cửa. Khuôn mặt các nữ sinh vặn vẹo, biến dạng; miệng sùi bọt, tay chân cứng ngắc. Đáng chú ý, đồng tử của họ đã co lại bằng đầu mũi kim.

Hiện trường có nhiều dấu hiệu cho thấy các nữ sinh này bị đầu độc. Trên bàn ký túc xá có táo, lê chưa ăn hết, dao gọt trái cây và vài cốc uống nước.

Trường Trung học số 1 Tĩnh Hải là trường phổ thông trọng điểm tại thành phố Thiên Tân. Mỗi năm, số lượng lớn học sinh nhà trường trúng tuyển vào các trường đại học hàng đầu cả nước.

Trong ngôi trường đào tạo nhiều thế hệ tinh anh, thảm kịch trên là một cú sốc lớn cho toàn bộ học sinh, giáo viên lẫn người dân địa phương và cả nước. Về sau, truyền thông Trung Quốc gọi tên thảm kịch này là “vụ án 7 nàng tiên”.

Dù đã nghe báo cáo qua về tình hình vụ án nhưng khi đến nơi, cảnh sát vẫn “điếng người”. “Ai lại có gan thực hiện tội ác kinh hoàng này?”, câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu mỗi cảnh sát. Họ không hiểu 7 nữ sinh cấp ba đã gây thù chuốc oán với ai mà lại phải chịu cái chết tàn nhẫn như vậy.

Ký túc xá nữ tại Trường Trung học số 1 Tĩnh Hải.

Ký túc xá nữ tại Trường Trung học số 1 Tĩnh Hải.

Bị đầu độc

Theo lời kể của các nhân chứng, phòng 113 có 8 nữ sinh đều học năm cuối. Người duy nhất sống sót là Tôn Á Vũ, 17 tuổi, được nhìn thấy rời khỏi phòng lúc 6 giờ sáng để ra sân thể thao.

Á Vũ có thể đã ở trong phòng ký túc xá qua đêm với 7 thi thể, thậm chí đã chứng kiến toàn bộ quá trình bạn bè qua đời mà không có phản ứng nào. Cảnh sát tìm thấy Á Vũ đang đi bộ trên sân trường, tác phong ung dung, bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra.

Á Vũ được cảnh sát đưa về trụ sở điều tra để khai thác thông tin. Ban đầu, nữ sinh tỏ ra bình tĩnh, khuôn mặt lạnh lùng, không biểu cảm. Tuy nhiên, sau một thời gian cảnh sát tra hỏi bằng những biện pháp cứng rắn, nữ sinh trở nên hoảng sợ, trán lấm tấm mồ hôi. Điều tra viên đã thu hết những thay đổi nhỏ nhặt này.

Họ quyết định rời khỏi phòng thẩm vấn, cắt cử một nữ cảnh sát vào điều tra với thái độ nhẹ nhàng, vỗ về nhằm mong Á Vũ tiết lộ thông tin. Dù sao, trong vụ án này, sự sống sót của nữ sinh cũng là một chi tiết bất thường, có thể là “chìa khoá” giải mã.

Thời điểm tử vong của 7 nạn nhân được xác định trong khoảng từ khi kết thúc giờ tự học buổi tối đến nửa đêm. Nhân viên quản lý ký túc xá cho biết ký túc xá nữ có quy định chặt chẽ, người ngoài không thể ra vào. Nhờ đó, cảnh sát có thể khoanh vùng phạm vi hung thủ.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trong dạ dày và chất nôn của 7 nạn nhân có cùng một loại hóa chất được tìm thấy trong cốc nước còn sót trên bàn. Hóa chất này thường có trong thuốc trừ sâu phorate. Kết quả xét nghiệm độc tố cũng cho thấy cả 7 nữ sinh đều chết vì ngộ độc phốt pho hữu cơ.

Phorate là một loại thuốc trừ sâu nguy hiểm. Một người chỉ uống ngụm nhỏ cũng có thể sùi bọt mép, suy nội tạng và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Dựa trên manh mối này và xem xét nguồn gốc của thuốc trừ sâu, cảnh sát đã mở cuộc điều tra tại chợ rau gần đó. Ngoài ra, không loại trừ nghi phạm là nhân viên nhà trường nên cảnh sát đã cho lục soát kỹ càng các thùng rác xung quanh trường với hy vọng tìm thấy chai thuốc trừ sâu.

Ngoài ra, để loại trừ việc thuốc trừ sâu bị bỏ nhầm trong cơm của học sinh, cảnh sát cũng tiến hành kiểm tra thành phần nguyên liệu trong căng-tin nhưng kết quả các nguyên liệu không có vấn đề bất thường. Vì vậy, khả năng ngộ độc từ bên ngoài được loại trừ.

Cùng lúc này, một chủ cửa hàng ở chợ Tĩnh Hải khai rằng ngày 22/12, một cô gái trẻ đã đến mua thuốc trừ sâu phorate. Khi cảnh sát cho xem ảnh chụp, chủ cửa hàng xác định người mua là Á Vũ.

Chủ cửa hàng ấn tượng với Á Vũ vì thông thường, người đến mua thuốc trừ sâu đều là nông dân, không phải cô gái trẻ như vậy. Tuy nhiên, người này bảo là mua cho gia đình nên chủ cửa hàng cũng thôi nghi ngờ.

Không lâu sau đó, cảnh sát phát hiện chai thuốc trừ sâu nằm ở một góc trong khuôn viên trường. Trên đó còn dấu vân tay của chủ cửa hàng và dấu vân tay của Á Vũ.

Chưa kể, cảnh sát phát hiện táo trong chất nôn của các nạn nhân. Họ cho rằng sau khi uống thuốc có mùi hăng nồng, các cô gái đã quyết định ăn táo để át mùi. Trên con dao gọt hoa quả ở hiện trường, cảnh sát phát hiện dấu vân tay của Á Vũ.

Lúc này, mọi manh mối đều quy về giả thuyết Á Vũ đã đầu độc 7 người bạn cùng phòng. Có điều cảnh sát chưa thể lý giải tại sao thuốc trừ sâu có mùi hăng như thế mà Á Vũ có thể thuyết phục 7 người bạn uống cùng một lúc. Hơn nữa, động cơ gây án của cô gái trẻ này là gì?

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ án.

Cảnh sát điều tra hiện trường vụ án.

Động cơ của hung thủ

Ngày 24/12, Á Vũ bị bắt. Khi nhìn thấy chai thuốc trừ sâu, Á Vũ không giữ nổi bình tĩnh mà trở nên hoảng sợ, lúng túng. Cô ta một mực khai với cảnh sát rằng mình không phải kẻ giết người. Kẻ chủ mưu thật sự là Lưu San San, một trong 7 nữ sinh thiệt mạng.

Phòng 113 là một phòng ký túc xá rất bình thường. 8 cô gái trong phòng có mối quan hệ rất tốt và coi nhau như chị em ruột. Trong nhóm, Á Vũ và San San chơi thân hơn nên San San thường kể chuyện bí mật của mình cho bạn nghe.

Vài ngày trước khi xảy ra sự việc, San San tiết lộ với Á Vũ rằng cô hẹn hò với bạn lớp bên tên Nhất Minh. Đến tháng 9, Minh đề nghị chia tay khiến San San đau khổ. Vì không thể kể cho bạn bè hay gia đình về chuyện này, San San ngày càng trở nên tuyệt vọng và nảy ra ý định tự tử.

Ngày 22/12, San San nhờ Á Vũ mua hộ mình một chai thuốc trừ sâu. Cô từng nghe bố nói rằng phorate là một loại thuốc trừ sâu cực mạnh, có khả năng giết người. Á Vũ đồng ý, mang theo số tiền mà San San đưa cho và ra chợ mua một chai thuốc trừ sâu, một bình nước để pha thuốc. Cô cất đồ trong cặp xách và mang về ký túc xá.

Tối hôm đó, San San gọi riêng Á Vũ ra hành lang, nói rằng tối nay mình sẽ uống thuốc trừ sâu tự tử. Nhưng San San nói không muốn chết một mình nên hy vọng Á Vũ có thể giúp cô đầu độc những người bạn cùng phòng. Á Vũ đồng ý.

Hai người trở về phòng, tỏ ra bình thường. Gần đến giờ đi ngủ, San San lấy ra bình chứa đầy thuốc trừ sâu, nói rằng đây là thuốc chữa bệnh lao phổi cô mang từ nhà lên để cả phòng chia nhau uống. Thời điểm đó, bệnh lao phổi đang diễn biến phức tạp trong khu vực, nhiều học sinh phải nghỉ học, gián đoạn học tập vì mắc bệnh. Nghe San San nói là thuốc điều trị, cả nhóm tin tưởng uống.

Á Vũ nói dối rằng San San đã cho mình uống từ sáng nên cô pha loãng thuốc vào nước, đưa cho các bạn. Dù mùi thuốc rất hăng nhưng cả nhóm vẫn cố gắng uống. Á Vũ vừa an ủi các bạn, vừa gọt táo cho các bạn ăn át mùi. Kể từ đó, cô không rời khỏi phòng ký túc xá mà ngủ với 7 thi thể cho đến sáng hôm sau.

Kẻ đồng phạm

Chai thuốc trừ sâu được phát hiện có dấu vân tay của Á Vũ.

Chai thuốc trừ sâu được phát hiện có dấu vân tay của Á Vũ.

Cảnh sát thẩm vấn Minh, xác nhận người này từng có quan hệ với San San nhưng đã chia tay. San San cũng để lại lá thư tuyệt mệnh dưới gầm giường trong ký túc xá. Trong thư, cô viết về tình yêu dành cho bạn trai, đau khổ sau khi thất tình và mong bạn bè, thầy cô, gia đình hiểu cho quyết định của mình. Bức thư được giám định do San San viết.

Tuy nhiên, kết quả điều tra này chưa đủ để khẳng định San San là hung thủ. Bên công tố cho rằng lời khai của Á Vũ chỉ là một phần. Nếu cô có thể ngủ qua đêm với 7 xác chết chứng tỏ cô là người có tâm lý kiên cường, có thể giả mạo lá thư tuyệt mệnh. Hoặc San San đã bị Á Vũ bắt nạt, ép buộc viết lá thư tuyệt mệnh để đổ hết tội lỗi cho San San.

Sau nhiều thời gian tranh cãi, hơn nữa đây là vụ án mà người phạm tội là trẻ vị thành niên nên việc xét xử hết sức thận trọng. Cuối cùng, toà tuyên phạt San San là chủ mưu. San San đã chết nhưng toà án khẳng định không chỉ dựa vào lời khai của Á Vũ để kết luận. Họ đã dựa trên nhiều bằng chứng như báo cáo khám nghiệm tử thi, lời khai của bạn trai San San, lá thư tuyệt mệnh...

Còn Á Vũ biết rõ thuốc trừ sâu là kịch độc nhưng vẫn giúp San San lừa các bạn uống. Vì vậy, Á Vũ là đồng phạm và bị truy tố tội cố ý giết người. Cô bị kết án tù chung thân, phải bồi thường cho người nhà các nạn nhân tổng cộng 1,5 triệu nhân dân tệ.

Năm 2013, do Á Vũ phạm tội ở tuổi vị thành niên và cải tạo tốt nên được trả tự do sau 15 năm ngồi tù. Vụ án đã trôi qua nhiều năm nhưng khi nhắc lại, nhiều người vẫn không khỏi rùng mình. Dù không biết San San hay Á Vũ đã suy nghĩ gì khi thực hiện hành vi đầu độc nhưng họ đã tước đi tương lai của 6 cô gái trẻ vô tội.

Theo Sina

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ