Nghiêm túc rút kinh nghiệm?
Từ ngày 4 - 7/12/2018, Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc. Ngày 23/9/2019, một số kênh truyền thông Hàn Quốc đưa tin có 9 người trong phái đoàn kinh tế đi theo đoàn nói trên đã ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ngày 26/9, Bộ KH&ĐT chính thức xác nhận thông tin vụ việc và cho biết đã có 2 người về nước còn 7 người vẫn đang... mất tích. Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài, tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tới đây.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 30 năm qua đã tổ chức nhiều đoàn công tác nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc trên. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, việc lập danh sách đoàn doanh nghiệp đi công tác nước ngoài đều được thực hiện nghiêm túc. Việc quản lý đoàn đi cũng được thực hiện chặt chẽ bằng nhiều cách thức khác nhau.
“Một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ cả hộ chiếu lại. Toàn bộ số hộ chiếu này, sau đó đã được Cục Đầu tư nước ngoài bàn giao cho các cơ quan chức năng”, Bộ KH&ĐT cho biết. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 2/10, ông Nguyễn Đức Trung - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói, việc 9 người trốn ở lại Hàn Quốc là “không lường trước được” và “rất đáng tiếc”. Theo ông Trung, Bộ KH&ĐT thấy “có trách nhiệm” và đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, rà soát toàn bộ quy trình để siết chặt việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia đoàn. Trường hợp phát hiện sai phạm của cán bộ liên quan việc lựa chọn doanh nghiệp sẽ xử lý theo quy định.
Đại diện Bộ KH&ĐT nhìn nhận, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc này nên cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Bộ coi đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo. Đồng thời khẳng định, sẽ siết chặt hơn nữa quy trình tổ chức, quản lý chặt chẽ đoàn doanh nghiệp đi nước ngoài tháp tùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Giải thích loanh quanh
Đã 10 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc 9 người trong đoàn công tác Quốc hội trốn ở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trách nhiệm trong công tác tuyển chọn người và kết quả xử lý vụ việc vẫn là những dấu hỏi lớn. Trả lời thắc mắc của báo chí, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có trao đổi thông tin với báo chí, Bộ KH&ĐT cũng đã có trả lời ban đầu.
Về trách nhiệm của cơ quan điều tra, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết: Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. “Kết quả cụ thể, khi làm xong chúng tôi sẽ thông báo”, tướng Tô Ân Xô nói. Cũng về câu hỏi đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung chỉ nói thêm rằng, đã có thông tin báo chí về việc này.
Ông Trung khẳng định, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hoạt động bên lề các đoàn lãnh đạo đi nước ngoài để hợp tác, kinh doanh là việc làm thường xuyên. Có nhiều cơ quan được giao thực hiện việc này, trong đó có Bộ KH&ĐT.
Giải thích về lý do không cung cấp danh tính 9 người bỏ trốn, ông Trung cho hay, hiện các cơ quan chức năng cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đang điều tra. “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa thể cung cấp thông tin danh tính 9 người này, trong đó có cả 2 người đã về nước. Khi nào có đủ thẩm quyền, chúng tôi sẽ cung cấp”, ông Trung nói.
Cơ hội cho tội phạm
Ngày 25/9, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, trong đoàn doanh nghiệp “đi nhờ” chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc cuối năm 2018 có 9 người trốn ở lại. “Những người bỏ trốn không thuộc thành phần Đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao”, ông Phúc khẳng định.
Nhận định về sự việc trên, ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, dư luận quan tâm hơn tới việc rà soát, chọn lọc những người tham gia đoàn doanh nghiệp đi cùng dựa trên đánh giá, tiêu chí nào, quy trình thực hiện ra sao và vì sao lại có người trốn ở lại? “Có thể đây là lỗ hổng cần phải xem xét, tránh tình trạng để tội phạm, những doanh nghiệp có “vết” lợi dụng bỏ trốn ra nước ngoài”, ông Thuận cảnh báo.
Ông Thuận nhắc lại những vụ đại án đang được xem xét, điều tra thời gian qua nhưng sau đó những đối tượng liên quan lại bỗng nhiên biến mất khỏi nơi cư trú... khiến dư luận rất băn khoăn. Vì thế, ông Thuận cho rằng, việc siết chặt các tiêu chí tuyển chọn doanh nghiệp đi nước ngoài cùng với việc phối hợp thực hiện công tác kiểm tra xuất nhập cảnh chặt chẽ, nghiêm túc, khách quan sẽ giúp ngăn chặn, kiểm soát được hiện tượng trên.