Đã từng kỷ luật học sinh do tắm sông.
Tìm về trường THCS Liên Hương, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh sau sự việc 3 em học sinh của nhà trường bị đuối nước thương tâm. Không khí dạy học nơi đây vẫn diễn ra như thường lệ, nhưng trong ánh mắt mỗi giáo viên, học sinh vẫn còn chứa đựng nỗi buồn trước trước sự việc đau thương của toàn trường.
Tiếp chúng tôi là thầy giáo Phan Văn Hùng, hiệu trường nhà trường, thầy cho biết, theo sự phân công thầy mới về nhận nhiệm vụ quản lý tại trường này vào đầu năm học 2019 – 2020. Khi chúng tôi đặt vấn đề về sự việc 3 em học sinh bị đuối nước vừa qua, thầy Hùng không giấu được sự xúc động, đây là một sự việc đáng tiếc, đau thương của toàn trường, mặc dù trường đã có những cảnh báo, khuyến cáo đối với toàn thể học sinh về tai nạn đuối nước.
Đám tang một em nhỏ đuối nước tại Vũ Quang |
“Ngay từ đầu năm học, đặc biệt là vào mỗi buổi chào cờ đầu tuần chúng tôi đều có tuyên truyền đối với học sinh về việc chấp hành an toàn giao thông và tai nạn đuối nước. Vấn đề này Phòng GD&ĐT huyện cũng nhắc nhở nhà trường thường xuyên” – thầy Hùng chia sẻ.
Tiếp tục câu chuyện với thầy Hùng chúng tôi được biết vấn đề tai nạn đuối nước được ngành giáo dục thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo đối với các nhà trường, đặc biệt là các trường miền núi, nơi có lượng ao hồ, sông suối nhiều. Tuy nhiên do tuổi còn nhỏ, tính hiếu động nên việc chấp hành của một bộ phận học sinh còn hạn chế.
Không chỉ có học sinh, mà chúng tôi còn thường xuyên nhắc nhở giáo viên trong trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải thường xuyên nhắc nhở học sinh về vấn đề tai nạn đuối nước ở sông hồ, khe suối. “Dọc tuyến đường này nằm ven sông, một số điểm họ khai thác cát gây sạt lở, nhiều chỗ bị sạt lở, chỉ cần không cẩn thận là dễ gặp nạn” – thầy Hùng thông tin.
Không chỉ có vậy thầy Phan Văn Hùng còn cho hay, trên cương vị hiệu trưởng của mình, thầy đã từng xử lý học sinh vi phạm. “Có những năm tôi cấm học sinh, nếu tắm sông mà không có người hướng dẫn, nhà trường bắt được sẽ kỷ luật. Từ khi ra trường đi dạy tới giờ, tôi toàn dạy ở những địa phương nằm ven sông, đã từng kỷ luật học sinh vi phạm do tắm sông” - thầy Hùng nói.
Cảnh báo nhiều nhưng hiệu quả chưa cao
Theo tìm hiểu của PV Báo GD&TĐ, nhằm ngăn chặn, hạn chế tai nạn thương tích đuối nước hoc sinh, hàng năm Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm chỉ đạo, hướng dẫn các phòng giáo dục huyện, thị, thành phố, các trường học trên địa bàn quán triệt sâu sắc những nội dung liên quan. Cùng với đó tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngủ giáo viên bộ môn giáo dục thể chất về các kỷ năng cứu đuối, dạy bơi…
Ông Nguyễn Thanh Liêm, chuyên viên sở GD&ĐT Hà Tĩnh, phụ trách mảng giáo dục thể chất cho biết: “Không tính những năm trước, vào tháng 5/2019 Sở đã tiến hành tập huấn và cấp trên 100 giấy chứng nhận, chứng chỉ cho đội ngũ giáo viên cốt cán ở các trường về công tác bơi, cứu đuối, cứu hộ, bể bơi an toàn”.
Nỗi đau người thân khi đứa con của mình ra đi mãi mãi. |
Ngoài ra trong nhiều văn bản của Sở nhắc nhở rất rõ việc cảnh báo đối với học sinh, “sau mỗi buổi học, giáo viên dành 3-5 phút để nhắc nhở các em học sinh từ trường đến nhà – từ nhà đến trường tránh xa những nơi được cảnh báo có nguy cơ gây tai nạn đuối nước như ao, hồ, sông, suối; Thứ hai là không được tự mình đi tắm khi không có người lớn đi kèm”. Ông Liêm nói.
Ngoài ra phía Sở cũng đã phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức cắm biển cảnh báo ở những khu vực không an toàn cho người khi đi tắm. Ông Liêm cũng khuyến cáo rằng, hầu hết các vụ tai nạn thương tích do đuối nước hầu hết xảy ra ngoài trường học và vào các ngày nghỉ, “Ngày nghỉ nên các em đi chơi không có sự giám sát, quản lý của người lớn, để các em chơi tự do nên các bậc phụ huynh cần lưu ý đến điều này” – ông Liêm nhấn mạnh.
Thiết nghĩ, vấn đề tai nạn thương tích do đuối nước là vấn đề không của riêng an. Các địa phương cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước.
Ông Nguyễn Văn Thanh (bố cháu Bảo) như chết lặng trước nỗi đau mất con. |
Tạo điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ tăng cường dạy bơi cho học sinh trong các nhà trường, các địa phương cần tham mưu bố trí nguồn kinh phí hợp lý, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội để tổ chức dạy bơi cho học sinh nhằm nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho học sinh.
Một câu hỏi cũ luôn đặt ra thách thức - Làm thế nào để hạn chế vấn nạn trẻ em bị đuối nước? Câu trả lời... cũng cũ - Cần sự chung tay của toàn xã hội, của nhiều ngành, nhiều cấp nhưng cần phải sâu sát và quyết liệt hơn. Trong đó, vai trò của gia đình được đặt là trọng tâm khi cần phải tạo ra môi trường an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, từ nhà trường đến địa phương cần rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện, chương trình rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em; nhất là hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của mình; loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Các cụ ngày xưa có câu "Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo", nhưng đừng bắt trẻ phải "biết", mà cần phải dạy cho trẻ "biết" bởi đó là quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ.