Vòng luẩn quẩn bạo lực ở Libya

GD&TĐ - Tối thứ Năm (8/12), Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc đã ban hành một tuyên bố trong đó yêu cầu từ các nhóm vũ trang Libya ngừng ngay các cuộc đụng độ tại Tripoli. 

Vòng luẩn quẩn bạo lực ở Libya

Sự gắn kết của các tổ chức và các phe phái, lãnh đạo bộ tộc và gia tộc đã không giải quyết được điều này ngay cả khi kết thúc các chiến dịch quân sự giải phóng Sirte từ tay “Nhà nước Hồi giáo”.

Khi đất nước rơi vào vòng loạn lạc

Kể từ khi Gaddafi bị liên quân Mỹ - Anh tiêu diệt, tình hình an ninh ở Libya trở nên hỗn loạn, các lực lượng chính trị chủ chốt và các nhóm phiến quân cạnh tranh đối đầu với nhau khiến đất nước luôn bất ổn. Cuộc chiến với vũ khí hạng nặng vừa nổ ra tại Tripoli vào ngày 1/12.

Theo AP, trong cuộc đụng độ liên quan đến các chiến binh của các nhóm vũ trang khác nhau, bao gồm cả những người ủng hộ việc thành lập chính phủ chuyển tiếp dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc cũng như các chiến binh Hồi giáo từ thành phố Misurata, nơi chính phủ không được công nhận Khalifa al-Gveylya đang kiểm soát.

Thực tế tại Libya, khi chính quyền trung ương chưa đủ mạnh cũng là lúc các bộ lạc, các nhóm vũ trang nổi lên như nấm sau mưa. Dầu mỏ - tất nhiên là mục tiêu chiếm đoạt của các chiến binh Hồi giáo cực đoan. Trong số các nhóm vũ trang tại Libya, liên minh Fajr Libya từ thành phố Misrata nằm ở phía Đông được đánh giá là mạnh hơn cả. Sau khi mở cuộc tấn công và giành quyền kiểm soát thành phố Benghazi từ cuối tháng 7/2014, Fajr Libya đã thừa thắng xông tới làm chủ thủ đô Tripoli, đẩy quân đội cùng chính phủ của Thủ tướng Abdullah al-Thani về thành phố Tobruk ở miền Đông hẻo lánh.

Các cuộc đàm phán giữa quân chính phủ và các phe phái nổi dậy đã được tiến hành nhưng không có kết quả. Trong bối cảnh ấy, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), sau khi bị tấn công ở Trung Đông đã lấy Libya làm đại bản doanh, nuôi hy vọng báo thù.

Mục tiêu lớn nhất là cuộc chiến chống khủng bố

Trong một tuyên bố vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc kêu gọi tất cả các bên chấm dứt các cuộc đối đầu và hợp tác một cách xây dựng với Hội đồng Tổng thống “để giải quyết tất cả các vấn đề nóng”, tập trung vào xây dựng lại đất nước, cũng như cuộc chiến chống khủng bố. Thực tế cho thấy, cuộc chiến chống khủng bố ở Libya đã có sự tiến bộ rõ rệt.

Dưới sự trợ giúp của không quân Anh, Mỹ, Italia cũng như các lực lượng đặc nhiệm Mỹ, trong tuần này chiến dịch giải phóng Sirte từ “Nhà nước Hồi giáo” sẽ kết thúc. Lực lượng dân quân trung thành với chính phủ Faiza Saraj đã từng bước giải phóng thành phố quê hương của Muammar Gaddafi từ tháng 5.

Theo các phương tiện truyền thông Libya, 712 người chết và hơn 3.200 người bị thương trong chiến dịch này. Những kẻ khủng bố đã bị dồn vào chân tường, chúng đang cố thủ trong một diện tích không quá 1km2. Những kẻ khủng bố bị đánh bại còn lại đang tháo chạy theo hướng Benghazi, nơi các nhóm “Al-Qaeda” nhỏ đang chiếm giữ, hoặc chạy vào sa mạc Sahara, để sau đó phục thù theo kiểu “truyền thống” – tấn công vào đơn vị đồn trú ở các thị trấn nhỏ, cướp của dân hay đe dọa, đánh bom tự sát.

Cuộc chiến chống IS ở Libya về cơ bản có thể cho là đã chiến thắng. Tuy nhiên, để thống nhất các lực lượng vũ trang ở đất nước này đang là vẫn đề nan giải. Giải phóng Sirte nhưng Lybia không thể chấm dứt các cuộc chiến tranh dân sự được tiến hành bởi nhiều nhóm và phe phái, lãnh đạo bộ tộc và gia tộc...

Khi Libya bắt đầu hoạt động chống khủng bố, nhiều người tin rằng nếu dẹp mối nguy hiểm từ IS sẽ là một yếu tố góp phần gắn kết xã hội, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, điều mong ước đó đã không xảy ra. Trong bối cảnh xã hội hỗn loạn, kinh tế đổ vỡ, các nhóm vũ trang, các bộ tộc, gia tộc ra sức tranh giành phạm vi ảnh hưởng phục vụ cho việc khai thác dầu, buôn lậu.

Theo các nhà phân tích, tình hình ở Lybia hiện nay có thể mô tả một cách ngắn gọn: Tất cả chống lại tất cả!

Washington đã thừa nhận sai lầm của họ trong việc lật đổ chế độ Muammar Gaddafi, tuy nhiên, để khắc phục hậu quả thì họ im lặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ