Có lẽ không ít người vì muốn có được số liệu thống kê đẹp nên đã tìm cách đánh lừa các thiết bị đeo theo dõi thể lực. Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, các nhà phát triển cũng không chịu bó tay và họ tuyên bố đã sáng chế ra vòng đeo tay phát hiện được những mánh gian lận của người sử dụng.
Tại sao phải đánh lừa các thiết bị theo dõi?
Vì ganh nhau thứ hạng mà nhiều người sẵn sàng tìm cách đánh lừa thiết bị đeo theo dõi sức khỏe
Lý do thực sự đơn giản: thích có kết quả cao hoặc lịch sử luyện tập ấn tượng để post lên và khoe trên các mạng xã hội, hoặc với mục đích kiếm lợi trong khi không muốn phải đổ mồ hôi và tốn sức lực luyện tập. Năm 2014, trong một chương trình nhằm thúc đẩy cộng đồng hăng hái tập luyện thể dục thể thao, "Alfa-Bank" đã tặng tiền vào tài khoản tiết kiệm dựa vào số bước chân mà người dùng các thiết bị theo dõi thể lực của Fitbit và Jawbone thực hiện thông qua ứng dụng RunKeeper.
Đi càng nhiều, đốt càng nhiều calories thì càng tích được nhiều điểm
Không chỉ ở Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng có những chương trình khuyến khích mọi người tăng cường hoạt động thể chất như vậy. Ở Úc, thống kê cho thấy: những khách hàng có chỉ số thể chất ở mức Trung bình ghi lại được bằng các thiết bị theo dõi thể lực thì chi phí bảo hiểm y tế phải trả cho họ giảm tới 10%. Thậm chí công ty Oscar Health còn cấp thẻ mua sắm giảm giá tại Amazon cho người dùng tương ứng với số bước chân mà các thiết bị đeo thông minh (do công ty này bán ra) đếm được.
Làm thế nào để đánh lừa thiết bị đeo?
Để giả là đang đi bộ, người dùng chỉ cần vung vẩy tay trong khi vẫn đang nằm trên giường, hoặc rung lắc smartphone có cài ứng dụng đếm bước. Muốn "Chạy" cũng tương tự - chỉ cần lắc nhanh và mạnh hơn.
Lừa Fitbit tăng lượng calories đốt chay chỉ với một chiếc máy khoan cầm tay
Một số người dùng tìm ra mẹo cao tay hơn: cho mèo, chó hoặc trẻ con đeo hộ. Nếu đi bộ 8000 bước mỗi ngày là mức tối thiểu đối với một người bình thường thì với một đứa trẻ là 20000 bước. Ở các con vật nuôi, con số này còn cao hơn nhiều lần.
Phát hiện gian lận có khó không?
Một nhóm các nhà nghiên cứu của trường đại học y khoa Northwestern đã phát triển thuật toán xác định được khi nào thì số liệu mà thiết bị theo dõi thể lực ghi nhận được là ngụy tạo. Họ mời 14 tình nguyện viên tham gia thí nghiệm, những người này được yêu cầu cố gắng đánh lừa các thiết bị đeo càng nhiều càng tốt. Các dữ liệu sau đó được đánh dấu là "gian lận" và ghi nhận vào cơ sở dữ liệu.
Thử nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi thuật toán hoàn chỉnh được phát triển, và nó có thể phát hiện đến 84% các trường hợp gian lận. Dù các thiết bị theo dõi được sử dụng là smartphone có cài đặt ứng dụng theo dõi tập luyện nhưng các nhà khoa học đảm bảo rằng các thiết bị đeo cũng sẽ cho kết quả tương tự.