Ann kể lại, sau khi sinh cô ở lại bệnh viện thêm 1 ngày để học cách chăm sóc con sơ sinh tốt nhất. Các y tá tại bệnh viện đã hướng dẫn bà mẹ trẻ cách cho trẻ sơ sinh bú với tư thế nằm nghiêng và cô cũng thực hiện đúng như vậy. Tuy nhiên, khi cho con bú vì quá mệt mỏi nên Ann ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cô đặt con trai sơ sinh nằm ngay bên cạnh mình.
Thế nhưng, thật đau lòng khi cô giật mình tỉnh dậy giữa đêm và nhìn đến con trai thì Louie Francis đã "trắng bạch" và "mềm nhũn" trong vòng tay cô. Cậu bé được xác định đã tử vong do tắc nghẽn đường thở ngẫu nhiên trong lúc bú.
Bệnh viện nơi Ann hạ sinh con và cũng mất bé ngay sau đó.
Nữ hộ sinh Jane Westhead thừa nhận cô đã hướng dẫn Ann cho con bú như thế nhưng đồng thời cũng đã cảnh báo việc cho con nằm chung giường là khá nguy hiểm, không được khuyến khích.
Angela Helleur, một chuyên gia nữ hộ sinh và giám đốc điều dưỡng cho Lewisham và Greenwich NHS Trust cho biết đây là một trường hợp xảy ra khá phổ biến và những nữ hộ sinh cũng rất khó khăn trong việc theo dõi các bà mẹ mới vì nhiều người thường thích cho con bú tại giường.
"Chúng ta không có nhiều lựa chọn về nơi cho con bú. Tuy nhiên, lời khuyên vô cùng quan trọng dành cho các mẹ đó là nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc buồn ngủ, hãy đưa em bé của mình vào cũi" - Angela Helleur nói.
Tuy nhiên, cái chết của Louie Francis cũng còn gặp khá nhiều nghi vấn khi một vài bên cho biết tại thời điểm tử vong cậu bé có dấu hiệu bị viêm phế quản và các triệu chứng cảm lạnh. Thế nhưng nhà nghiên cứu bệnh học, tiến sĩ Melanie Newbould và điều tra viên John Pollard phủ nhận, cho rằng cậu bé không hề có các dấu hiệu này. Vì thế vụ việc vẫn đang được cơ quan có trách nhiệm điều tra để quy trách nhiệm cho người có liên quan.
Việc trẻ tử vong khi đang ăn sữa do sai lầm của mẹ không phải là hiếm gặp khi trước đó, vào khoảng tháng 3 năm 2015, một bé gái 10 tháng tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội đã tử vong sau khi mẹ cho bé nằm bú và vừa ngủ vừa bú bình.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, sau khi bú hết bình sữa, em bé được đặt nằm ngủ tiếp một mình (không có người lớn trong phòng) còn người mẹ dậy đi chuẩn bị nấu cháo và đồ ăn sáng cho cả nhà. Vài giờ sau, người mẹ quay lại định đánh thức con dậy ăn cháo thì phát hiện toàn thân bé tím tái, khó thở. Gia đình vội đưa bé vào cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhưng em đã không thể qua khỏi.
Theo ThS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, có khả năng bé bị đột tử do hội chứng trào ngược trong khi nằm ngủ. Qua khai thác tiểu sử gia đình, được biết, bé gái xấu số trên đang bị rối loạn tiêu hóa, có hiện tượng nôn trớ. Chính việc nôn trớ càng khiến bé dễ bị hội chứng trào ngược, dẫn tới tử vong.
Hay tại một số nước khác trên thế giới, các trường hợp như thế cũng không hiếm gặp.
Các bà mẹ phải thật cẩn trọng khi cho con bú để bé không gặp nạn. (Ảnh minh họa)
Lời khuyên dành cho các bà mẹ
- Để tránh gây tai nạn cho các bé, trước hết các bà mẹ cần học cho con bú đúng cách từng chi tiết như nâng tay như thế nào, áp miệng bé vào bầu ngực thế nào, đỡ đầu bé thế nào.
- Mặc dù nằm bú vẫn là tư thế bú của trẻ được phép nhưng tư thế này có nhiều rủi ro, đặc biệt đối với những bé hay nôn trớ hoặc bị rối loạn tiêu hóa thì càng phải tránh.
- Sau khi bé bú xong, không nên đặt bé nằm ngay, cũng không đùa giỡn, tâng bồng lên xuống và nên chăm sóc, theo dõi trẻ chu đáo, không được để bé nằm ngủ một mình mà không có người giám sát.
- Khi thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi cần đi ngủ, hãy đặt con nằm vào cũi rồi mới đi ngủ. Bên cạnh đó cũng cần nhắc nhở người nhà hãy để ý đến bé trong lúc mẹ ngủ.