Quách Bá Hùng (trái) và Từ Tài Hậu đều là các tướng lĩnh cấp cao vướng vòng lao lý trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” dưới thời ông Tập Cận Bình
Quân đội Trung Quốc đang bước vào cuộc chiến chống tham nhũng khi việc điều tra Quách Bá Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) kết thúc chỉ sau 101 ngày với án chung thân.
Tin tức về việc Thượng tướng Quách Bá Hùng bị điều tra đã xuất hiện từ năm ngoái, gần như cùng lúc với người đồng nhiệm Từ Tài Hậu. Ông Từ không bị đưa ra tòa do đã chết vì ung thư bàng quang vào năm ngoái, trong lúc điều tra. Hai viên tướng quyền lực họ Từ và họ Quách đều là Phó Chủ tịch CMC dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Ngã ngựa” nhanh nhất
Trung Quốc bắt đầu điều tra về kỷ luật đảng với ông Quách vào ngày 9/4/2015. Đến ngày 30/7 vừa qua, ông Quách bị đưa ra tòa, nhận án chung thân.
Tân Hoa Xã cho biết ông Quách nhận toàn bộ tội danh bị cáo buộc, bao gồm "lợi dụng chức vụ để chuộc lợi, thăng quân hàm chức vụ cho người khác, trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ thông qua người nhà, vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng".
Toàn bộ "tiền bạc và tài sản phi pháp" của ông Quách đều bị tịch thu và sung công. Truyền thông nhà nước Trung Quốc không công bố cụ thể số tiền bạc và tài sản phi pháp của ông Quách, song tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hong Kong cho biết con số này là 12 triệu USD.
Vụ điều tra ông Quách ít nhiều gây sốc bởi ông về hưu vào năm 2012. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng ông đã “hạ cánh an toàn”. Thêm nữa, luật bất thành văn từ sau cách mạng văn hóa ở Trung Quốc là các cựu Ủy viên Bộ Chính trị có “miễn tội kim bài” (không thể bị điều tra vì bất cứ tội danh nào).
Mọi việc dường như đã thay đổi từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, Chủ tịch CMC ngày 14/3/2013, kết thúc quá trình chuyển giao quyền lực với ông Hồ Cẩm Đào. Một số quan chức cấp cao trong chính quyền Trung Quốc lần lượt bị điều tra, “ngã ngựa” chóng vánh, cho dù họ có “miễn tội kim bài”. Có thể kể đến các trường hợp như Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Lệnh Kế Hoạch và gần nhất là Quách Bá Hùng.
Một năm sau khi ông Tập nắm quyền chỉ huy cao nhất trong quân đội, Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định khai trừ đảng tịch, cách ly để điều tra với Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch CMC. Quá trình điều tra diễn ra ba tháng rưỡi thì ông Từ qua đời. Với trường hợp Chu Vĩnh Khang, cũng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, người được coi là “trùm an ninh” ở Trung Quốc khi từng là Bộ trưởng Công an và có ảnh hưởng cả trong Bộ Quốc phòng. Ông Chu bị “song quy” (cách ly để điều tra) ngày 10/4/2012, đến 28/9 cùng năm thì bị chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp.
Lệnh Kế Hoạch, người từng là cố vấn hàng đầu của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyển giao cho cơ quan tư pháp, quá trình này diễn ra trong 7 tháng, cuối 2014 đến ngày 20/7/2015.
Quách Bá Hùng dường như là người “ngã ngựa” nhanh nhất trong số các “hổ lớn” khi phải ra tòa và nhận tội sau 101 ngày chính thức có thông tin bị điều tra. Giới quan sát cho rằng chiến dịch chống tham nhũng với khẩu hiệu “đả hổ, diệt ruồi”, xử lý các quan chức tham nhũng từ cấp cao tới cấp thấp của ông Tập sẽ không có dấu hiệu dừng lại.
Diệt trừ tham nhũng trong quân đội
Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh cải cách, mở cửa từ những năm 80 thế kỷ trước, Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) được phép kinh doanh với hy vọng giải quyết được khó khăn ngân sách phục vụ hiện đại hóa quân đội và nâng cao phúc lợi cho quân nhân. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc làm này của Trung Quốc đã gây ra vấn nạn tham nhũng trong quân đội.
Ông Quách Bá Hùng từng được coi là “nhân vật số hai” trong quân đội Trung Quốc
Lần lượt các vụ buôn lậu, tham nhũng, mua quan bán tước liên tục xuất hiện thời gian qua. Trong vụ án của ông Quách, chủ yếu số tiền tham nhũng cựu chỉ huy CMC có được là nhờ cất nhắc chức vụ. Là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 2002 cho đến khi về hưu năm 2012, ông Quách có điều kiện để nhận tiền rồi nâng đỡ người đưa hối lộ vào các vị trí khác nhau trong đội quân 2,3 triệu người, đông nhất thế giới. Các phi vụ nâng đỡ nhiều tới mức con tướng Quách là cựu Thiếu tướng Quách Chính Cương còn khoe rằng “nửa số tướng lĩnh, sĩ quan” trong PLA có được vị trí ngày nay là nhờ nhà họ Quách.
Bình luận trên tờ Global Times, một điều tra viên trong vụ này nói rằng chính người vợ cùng con trai, con dâu ông Quách đã góp phần đẩy cựu chỉ huy CMC đến vành móng ngựa. Người đầu tiên mang lại bằng chứng cho cơ quan điều tra là bà vợ Hà Tú Liên với quyển sổ ghi chép tiền chạy chức vụ của các sĩ quan.
Các sĩ quan muốn thăng chức, nếu không phải người Thiểm Tây, quê ông Quách, hoặc công tác tại quân khu Lan Châu, nơi ông Quách bắt đầu con đường binh nghiệp thường sẽ phải tìm mọi cách tiếp cận bà Hà. Tiền sẽ được đưa cho bà Hà, ông Quách không bao giờ trực tiếp nhận. Khi về nhà, ông Quách nói không, tiền sẽ được trả lại, còn nếu ông không nói gì, nghĩa là tiền được nhận và người đưa hối lộ sẽ có vị trí mong muốn.
Cựu Thiếu tướng Quách Chính Cương và vợ cũng góp phần đẩy nhanh sự suy sụp của nhà họ Quách. Bằng các phi vụ đầu tư bất động sản ma, lợi dụng uy tín quân đội gây sức ép, Chính Cương và vợ khiến những người bị lừa lập thành đoàn biểu tình phản đối ở Hàng Châu. Vụ việc nhanh chóng khiến cơ quan điều tra vào cuộc.