Vỡ mộng, người di cư tìm đường trở về

Amer hồi tháng 10 năm ngoái bán hết tất cả tài sản, nhà cửa ở Syria để đưa gia đình sang Đức. 4 tháng sau, ông lại muốn trở về quê hương, nơi vẫn đang chịu sự tàn phá của chiến tranh.

Vỡ mộng, người di cư tìm đường trở về
vo-mong-nguoi-di-cu-tim-duong-tro-ve

Những ngôi nhà bằng container được dựng lên làm nơi ở tạm thời cho những người di cư tại Đức. Ảnh: AFP

Khi đặt chân tới Đức, Amer, 30 tuổi, đến từ Damascus, Syria, mới nhận ra một sự thật không ngờ tới. Ước mơ khởi nghiệp và sở hữu một ngôi nhà nhỏ nơi đất khách của ông bỗng chốc sụp đổ. Thay vào đó, Amer hiện phải sống trong một căn phòng chật hẹp thuộc một khu nhà cũ nát được chính quyền chuyển đổi thành trại tị nạn khẩn cấp.

"Tôi đến Đức vì ai cũng bảo rằng đó là thiên đường. Tôi giờ đây cảm thấy hối hận vì quyết định của mình", Wall Street Journal dẫn lời Amer nói. Ông đang lục đục gói ghém đồ đạc một lần nữa.

Hơn một triệu người di cư, chủ yếu đền từ các nước Arab, Afghanistan và châu Phi, năm ngoái tràn vào Đức nhằm trốn chạy khỏi chiến tranh cũng như tình trạng nghèo đói, khốn khó ở quê nhà. Để đến được "miền đất hứa", không ít người phải liều lĩnh cả mạng sống. Nhưng khi tới nơi, nhiều người đã vỡ mộng bởi thực tế không như những gì họ kỳ vọng.

Họ phải sống tại những khu nhà tồi tàn, phúc lợi thì ít ỏi, triển vọng nghề nghiệp kém. Bên cạnh đó, sự khác biệt văn hóa cũng là một trở ngại lớn khiến họ không thể nhanh chóng hòa nhập. Chính vì thế, một số người dự tính rời đi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cách tốt nhất để hòa nhập là thông qua lao động. Song, đối với những người nhập cư, tìm được việc làm thực sự là nhiệm vụ khó khăn.

Nhiều chuyên gia kinh tế từng cảnh báo những người di cư với tay nghề kém như Amer khó lòng tìm được một công việc ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Giới lãnh đạo chính trị cho rằng làn sóng người di cư sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Đức trong tương lai. Nhưng, các nhà phê bình lại nói dân di cư sẽ trở thành gánh nặng lâu dài đối với người đóng thuế Đức.

Phải mất vài tháng thì người di cư mới có thể rời khỏi các khu trại tị nạn tồi tàn. Để được phép đón gia đình sang cùng hay học tiếng, họ cũng phải bỏ ra ít nhất vài năm. Điều này khiến không ít người nản chí và muốn từ bỏ.

"Tất nhiên, nhiều người đang trốn chạy khỏi chiến tranh, nhưng thứ mà họ tìm thấy ở đây không như những gì họ nghĩ", Hannelore Thoelldte, lãnh đạo một trung tâm tư vấn cho người hồi hương tự nguyện, thuộc văn phòng các vấn đề sức khỏe và xã hội, ở Berlin, cho biết.

"Phòng chờ của chúng tôi gần đây lúc nào cũng chật kín người. Họ chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan và Iraq", bà Thoelldte nói.

Hiện chưa có thống kê chính thức về số người di cư tự ý rời Đức. Văn phòng di trú nước này cho hay họ chỉ giữ số liệu về những người rời Đức thông qua các chương trình do chính phủ phối hợp với Tổ chức Di trú Quốc tế thực hiện. Dự án trên giúp hỗ trợ chi phí đi lại cho những người chứng minh được rằng họ không có đủ tiền để trở về.

Hơn 37.000 người, chủ yếu đến từ những nước Balkan, năm ngoái tự nguyện rời Đức thông qua các chương trình kiểu như vậy, tăng gần gấp ba lần so với năm 2014.

Nhưng đối với những người Syria, đường về còn chồng chất gian nan. Họ không đủ điều kiện để nhận hỗ trợ hồi hương bởi tình trạng an ninh bất ổn tại quê nhà. Dù vậy, điều đó không thể ngăn họ tự tìm cách trở về, bà Thoelldte nhấn mạnh. Nhiều người quyết định đến các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ hay Jordan.

"Chuyện người tự nhiên biến mất không phải là hiếm", Thoelldte nói. "Không ít người cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận rằng họ đã có quyết định sai lầm khi đến đây".

Một số khu vực tại Syria, bao gồm cả trung tâm Damascus và các tỉnh ven biển phía tây, hiện chìm trong bất ổn và bạo lực, khiến người dân không thể có cuộc sống bình thường.

Reem, một phụ nữ Syria trẻ tuổi, mùa thu năm ngoái một mình đến Đức với hy vọng sẽ nhanh chóng đón đứa con trai 4 tuổi của mình sang sau. Nhưng Reem không ngờ rằng để hoàn thành quy trình này sẽ phải mất hàng tháng, thậm chí cả năm.

"Tôi không thể chờ lâu như thế, thằng bé đang ốm", Reem vừa khóc vừa nói vào một buổi chiều khi cô vừa rời đại sứ quán Syria. Cô tới đây để xin cấp hộ chiếu mới.

vo-mong-nguoi-di-cu-tim-duong-tro-ve-1

Một khu trại khẩn cấp dành cho người di cư ở Đức. Ảnh: WSJ

Một số người cho rằng khác biệt quá lớn về văn hóa cũng là lý do khiến những người di cư muốn quay về.

Abdullah Alsoaan, một nha sĩ 51 tuổi đến từ thành phố Deir Ezzour, đông Syria, tới Đức 10 tháng trước để điều trị biến chứng của căn bệnh tiểu đường nhờ sự trợ giúp của Liên Hợp Quốc. Alsoaan đang chờ nhận hộ chiếu mới để trở về với 10 người con ở Syria. Alsoaan chia sẻ, sau khi chứng kiến cảnh thanh niên Đức thoải mái hôn nhau giữa chốn công cộng, ông quyết định không thể để các con gái của mình lớn lên ở đây được.

"Vấn đề không nằm ở đất nước hay con người Đức, họ rất tử tế", ông nói. "Nhưng họ có cách sống của riêng mình và chúng tôi cũng vậy".

Nhiều người khác có chung suy nghĩ với Alsoaan. Khi Amer phát hiện cậu con trai 5 tuổi dán mắt vào một chương trình dành cho người lớn phát sóng trên truyền hình, đó là lúc Amer nhận ra rằng ông không thể thích nghi với cuộc sống tại nơi này.

Trước khi rời Syria, Amer nghe ai đó nói rằng người tị nạn ở Đức được nhận hơn 500 USD tiền trợ cấp mỗi tháng. Nhưng Amer không tính đến việc giá cả mọi thứ ở đây đều đắt đỏ hơn tại quê hương ông nhiều lần.

"Tôi có thể phải mất 10 năm để đạt mức sống tối thiểu của một người dân Đức bình thường và việc học ngoại ngữ đối với tôi dường như là điều bất khả thi", Amer, người từng làm việc trong một cửa hàng bán đồ ăn vặt và chưa bao giờ học đại học, nói.

Dùng toàn bộ số tiền 16.000 USD mà mình có để đưa gia đình sang Đức, Amer nay không biết làm thế nào để trở về. Cả nhà Amer giờ đây dành hầu hết thời gian chờ đợi trong một căn phòng nhỏ thuộc trại tị nạn hoặc xếp hàng để nhận trợ cấp tại văn phòng các vấn đề xã hội.

Yasmine, 25 tuổi, vợ của Amer, cho biết, nếu trở về Damascus, họ sẽ phải sống cùng tiếng súng và tình trạng mất điện thường xuyên. Nhưng theo Yasmine, nơi gia đình cô ở hiếm khi bị ném bom.

Đôi vợ chồng thú nhận, họ cảm thấy sợ hãi khi trở về bởi một nỗi lo lắng rằng chính quyền sẽ coi họ như kẻ thù vì đã rời bỏ đất nước.

"Ở đây cũng chết mà ở đó cũng chết", Amer nói. "Đấy là số phận của tôi rồi".

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ