Liên quan đến vụ "vỡ hụi” hàng chục tỷ đồng, có dấu hiệu biến tướng, lừa đảo vừa xảy ra ở Hà Tĩnh mà Báo Giáo dục và Thời đại liên tục phản ánh trong những ngày qua, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Phan Văn Chiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) để nắm rõ quan điểm, những yếu tố liên quan đến vụ việc.
PV: Thưa Luật sư, ông có thể cho biết quan điểm của mình về vụ “vỡ hụi” quy mô lớn xảy ra ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua?
Tôi rất quan tâm đến vụ việc, nên đã xem, cập nhật hết các bài viết mà Báo GD&TĐ phản ánh.
Trên cơ sở thông tin từ người dân và cơ quan báo chí cung cấp cho thấy đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, liên quan đến rất nhiều bị hại với số lượng tiền chiếm đoạt rất lớn.
Do vậy, việc Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo để giải quyết và ổn định tình hình trật tự tại địa phương, theo quan điểm của tôi rất đồng tình và hoan nghênh.
Sau khi Báo GD&TĐ phản ánh, Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh về tận địa phương ngay trong đêm để nắm bắt thông tin, chỉ đạo lực lượng công an làm rõ vụ việc. (Ảnh: Tiến Hiệp). |
Theo đó, hiện nay vụ việc đã được Cơ quan CSĐT, Công an huyện Kỳ Anh vào cuộc, tiếp nhận tố giác của người dân và tiến hành triệu tập đối tượng Hoàng Thị Thảo lên để điều tra làm rõ vụ việc.
Kết quả giải quyết vụ việc như thế nào thì cần phải căn cứ vào quá trình xác minh, điều tra và kết luận của Cơ quan CSĐ, Công an huyện Kỳ Anh. Tuy nhiên, qua các tài liệu, thông tin do những người dân cung cấp, nếu các tài liệu, thông tin người dân cung cấp là đúng sự thật thì cho thấy rõ ràng hành vi của Hoàng Thị Thảo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của những người dân tại địa phương do tin tưởng mà giao tiền cho đối tượng này.
Trong quá trình điều tra vụ việc, theo quan điểm của tôi, Cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ, diễn biến quá trình huy động tiền, mục đích và việc sử dụng số tiền huy động từ người dân của bà Thảo để làm rõ hành vi sai phạm của đối tượng này, cũng như làm rõ có dấu hiệu hình sự hay không.
PV: Như vậy nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi phạm tội của Hoàng Thị Thảo được quy định như thế nào, thưa Luật sư?
Trong vụ việc này, có nhiều bị hại khác nhau nên cần có sự phân loại, đánh giá từng trường hợp, từ đó mới xác định được hành vi sai phạm của đối tượng có thể xem xét cấu thành tội danh nào theo quy định pháp luật.
Luật sư Phan Văn Chiều – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu. (Ảnh: NVCC). |
Nếu trong quá trình huy động hụi từ người dân, Thảo có hành vi tạo vỏ bọc hoàn hảo về điều kiện kinh tế dư dả, có uy tín trong kinh doanh, cam kết trả lãi sòng phẳng để thu hút nhiều người tham gia, sau đó tiếp tục lại có hành vi gian dối như che giấu những cùng người tham gia góp hụi, không cho các thành viên tham gia “bốc” hụi mà sử dụng tiền hụi này vào những mục đích khác mà chưa được sự đồng ý của những thành viên tham gia dây hụi để chiếm đoạt số tiền này hoặc làm mất khả năng trả lại cho các bị hại thì hành vi Thảo này có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định của Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Bên cạnh đó, nếu trường hợp Thảo nhận tiền từ các bị hại từ việc góp hụi bình thường, không có hành vi gian dối trong quá trình huy động hụi, sau khi đã nhận tiền từ bị hại rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, không đúng mục đích thoả thuận ban đầu làm mất đi khả năng thanh toán thì có dấu hiệu của hành vi có dấu hiệu cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
PV: Nếu hành vi phạm tội của Hoàng Thị Thảo được quy định như trên thì bản án nào có thể dành cho Thảo?
Theo đó, nếu số tiền chiếm đoạt của các hộ dân theo như báo chí phản ánh trên chục tỷ đồng thì nếu xác định Thảo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự thì hành vi này thể đối diện với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, còn nếu Thảo còn có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì theo quy định của Điều 175 Bộ luật Hình sự, với tội danh này Thảo có thể đối mặt với hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.
PV: Là người tham gia nhiều vụ việc liên quan đến pháp lý, Luật sư có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trên cơ sở pháp luật để người dân hiểu và tránh xảy ra các vụ việc tương tự?
Qua vụ việc trên, cho thấy đây là một vụ việc đắt giá về sự lòng tin của người dân đặt không đúng chỗ dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc đã xảy ra là những đồng tiền kiếm được từ mồ hôi, nước mắt của mình góp nhặt hàng ngày bị người khác chiếm đoạt.
Vụ "vỡ hụi" có dấu hiệu biến tướng, lừa đảo ở Kỳ Anh đã khiến hàng trăm người dân điêu đứng, uất ức. (Ảnh: Tiến Hiệp). |
Do vậy, trong các giao dịch dân sự đời thường như cho vay, góp vốn, tham gia hụi…, mỗi người dân chúng ta cần tìm hiểu một cách kỹ càng về người giao dịch với mình, quá trình giao dịch cần có những sự ràng buộc, cam kết giấy tờ một cách rõ ràng, minh bạch, theo đúng quy định pháp luật, quá trình giao dịch cần kiểm soát được số tiền của mình để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như trên.
Vâng, xin cảm ơn Luật sư!
Sau khi báo phản ánh, Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã về tận địa phương nắm bắt thông tin, chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra, làm rõ.
Quá trình điều tra, Công an huyện Kỳ Anh đã triệu tập Hoàng Thị Thảo để đấu tranh, làm rõ; đồng thời, đã tiếp nhận trình báo, tố cáo của hàng chục nạn nhân.